Người góp sức gìn giữ trang phục truyền thống dân tộc
Thứ hai, 13:31, 05/02/2024 Lầu Chia/VOV Tây Bắc Lầu Chia/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Phát huy sở trường may vá, Thào Thị Dế ở xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, Sơn La quyết định đầu tư đi học cắt may cơ bản, rồi mở tiệm may trang phục dân tộc Mông. Có thu nhập ổn định, Dế truyền đạt kinh nghiệm, tạo việc làm cho chị em trong vùng.

 

Vốn là người con của đồng bào Mông sẵn biết nghề thêu thùa, may vá, nhận thấy nhu cầu thị trường hiện nay về trang phục dân tộc ngày càng nhiều, chị Thào Thị Dế đã quyết định đầu tư đi học cắt may cơ bản, rồi mở tiệm may trang phục dân tộc Mông.

Lúc đầu tiệm may của chị chủ yếu phục vụ gia đình và bà con trong bản. Nhưng để có thể may được những bộ trang phục dân tộc theo yêu cầu, xu hướng mới, vừa giảm thời gian, công sức để cho ra được bộ áo váy dân tộc, lại vẫn giữ được những nét truyền thống riêng có, chị Dế tiếp tục đầu tư trang bị đầy đủ máy móc, sử dụng vải dệt công nghiệp, với nhiều trang trí họa tiết, hoa văn khác nhau và cải tiến cách may để phù hợp theo yêu cầu.

Chị Dế cho biết mình không thêu may như các bà, các mẹ hồi xưa mà may theo cách hiện đại, cách tân bởi hiện nay nhu cầu, cuộc sống cũng phát triển, thay đổi nhiều.

“Muốn thêu may được bộ trang phục ưng ý, đòi hỏi phải qua lớp đào tạo về cắt may cơ bản, có đầy đủ công thức. Do đó, trước khi mở tiệm may trang phục dân tộc này, tôi phải đi học hơn một tháng các công thức cơ bản về cắt may trang phục dân tộc. Sau khi học xong tôi về áp dụng và may theo công thức đó nên mặc rất đẹp, ưng ý”. - Chị Thào Thị Dế nói.

Công việc may trang phục dân tộc Mông đòi hỏi phải chăm chỉ, tỷ mỷ. Để có những bộ trang phục hoàn chỉnh, đẹp, đáp ứng yêu cầu của mỗi chị em phụ nữ thì đường kim, mũi chỉ cũng phải đẹp; biết phối hợp ghép các mảnh vải, thêu may các họa tiết hoa văn trên bộ áo váy, mũ, nhất là các bộ trang phục dạ hội, biểu diễn nghệ thuật theo kiểu dáng khác lạ, cách tân. 

Đặc biệt là những chiếc áo váy, yếm phải sắp xếp thêu may các họa tiết hoa văn, đính những hạt cườm, đồng xu rất cầu kỳ trên cả thân áo, tay áo, từng ly váy.... làm sao cho phù hợp, mất rất nhiều thời gian.

Riêng phần thô, một bộ áo váy truyền thống đã mất 1-2 ngày,  những bộ nào cầu kỳ cũng mất hơn chục ngày. Vì thế, không kể thời gian thêu các họa tiết, hoa văn, trung bình mỗi tháng chị may được 10 bộ trang phục truyền thống.

Chị Thào Thị Dế tâm sự, lúc đầu chị cũng gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm, chưa tiếp cận được thị trường, trang phục thêu may ra chủ yếu bán trong các chợ phiên, các hội chợ và phục vụ dân bản. 

Qua một thời gian, sản phẩm trang phục truyền thống dân tộc của chị dần được nhiều người biết đến, tiếp cận được nhiều khách hàng trên mạng Facebook, zalo... Hiện phần đa chị bán hàng qua online và trung bình mỗi tháng chị thu về 7-8 triệu đồng từ bán trang phục truyền thống.  

Từ sau dịch Covid-19, các địa phương tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội, người dân đi lại nhiều hơn. Đặc biệt tiệm may của chị gần Quốc lộ 6, lượng khách du lịch lên Điện Biên, qua đèo Pha Đin ngày một đông, nhất là trong các dịp lễ. Vì thế, ngoài may theo đơn đặt hàng, phục vụ hàng ngày, chị còn cho thuê cả những bộ trang phục truyền thống.

“Sau khi dịch lắng xuống, các địa phương tổ chức nhiều các sự kiện lễ hội, nhu cầu người dân đi lại tăng. Tôi cũng chú ý thêu may một số bộ trang phục cách tân, phù hợp để cho thuê mặc đám cưới, đi lễ hội, du lịch..... Do đó, khi khách có nhu cầu tôi cũng cho thuê”. - Chị Thào Thị Dế cho biết thêm.

Bước đầu thu được hiệu quả kinh tế trong việc mở tiệm may trang phục dân tộc, chị Dế cũng dành thời gian truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn chị em phụ nữ trong bản, trong xã cách thêu, may trang phục dân tộc để có thêm nguồn thu lúc nông nhàn.

Chị Sùng Thị Mai, ở bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La- một trong số các chị em được chị Dế truyền dạy kỹ năng thêu, may trang phục dân tộc chia sẻ: "Chị Dế là người năng động, luôn có những sáng kiến, cách thêu, may trang trí trang phục rất đẹp. Tôi đã được chị truyền dạy những kỹ năng thêu, may trang phục của dân tộc mình và hiện giờ tôi cũng đã biết may, mở được một tiệm may trang phục dân tộc tại địa phương. Trừ hết tất cả các chi phí mỗi tháng tôi cũng thu được gần chục triệu đồng từ bán các sản phẩm. Cảm ơn chị Dế rất nhiều”.

Với nỗ lực của mình, chị Thào Thị Dế và chị em phụ nữ dân tộc Mông ở bản làng vùng cao Phổng Lái-Thuận Châu-Sơn La đang góp sức gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống và trang phục đặc sắc riêng có của dân tộc mình.

Lầu Chia/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC