Chiêng Kok
Chiêng Kok hay còn được gọi là đing grao, là một nhạc cụ cổ xưa, được làm bằng tre, nứa hoặc lồ ô. Đây là một nhạc cụ cổ xưa của người Ê Đê.
Nhạc cụ gồm 8 ống lồ ô to bằng cổ tay, 1 đầu bịt bằng các mắt ống, 1 đầu rỗng. Bảy ống được cắt vát khoảng 1 nửa ống ở đầu rỗng, 1 ống để nguyên.
Khi diễn tấu, các nghệ nhân sẽ cầm lỏng tay theo chiều thẳng đứng (phần đầu ống bịt ở phía trên) bằng các ngón của tay trái ở đầu nguyên, không bị vát, cách đầu ống khoảng 5-7 cm. Tay phải cầm rùi tre hoặc gỗ, 1 đầu rùi được bịt vải, hoặc cao su.
Nhạc cụ này thường đánh chơi, có thể theo những làn điệu dân ca. Đặc biệt là điệu "đạp lúa".
Khi những bông lúa đem về treo trên sào đã khô, chị em phụ nữ đem ra, đạp lúa trên những chiếc nong để lấy thóc. Và những người đàn ông sẽ diễn tấu đing grao cùng phụ họa chung với nhịp điệu đạp lúa của những người phụ nữ.
Ky páh
Ky páh là một nhạc cụ làm bằng gỗ. Nó chỉ dài khoảng độ hơn 2 gang tay người lớn, mang dáng dấp của chiếc tù và. Trên thân có lưỡi gà và có vỗ bật mở 2 đầu để tạo âm. Rễ cây được chọn làm Ky páh thường là gỗ cây xoan, bền, chắc.
Ky páh tiếng Ê Đê có nghĩa là tù và. Ngày xưa, nhạc cụ này được làm hẳn bằng sừng trâu.
Khi thổi, người diễn tấu sẽ thổi ngang. Ở hai đầu ống thổi, một tay vỗ, một tay họ dùng ngón cái bật mở nhẹ nhàng, âm thanh lớn nhỏ từ đó sẽ phát ra.
Trong xã hội cổ truyền, tù và là công cụ đi săn hoặc hiệu lệnh xung phong trong chiến trận, trao đổi thông tin hoặc dùng khi có tiễn đưa người quá cố. Nhưng theo thời gian nó đã trở thành nhạc cụ dân gian của người Ê Đê có khả năng mang biểu đạt tư tưởng, tình cảm.
Sừng trâu giờ không còn, nhưng chỉ bằng rễ cây hoặc những thân gỗ nhỏ, đồng bào lại có thể sáng tạo theo mô phỏng của một chiếc tù và dùng để diễn tấu trong những cuộc vui.
Viết bình luận