Thừa Thiên Huế bảo tồn văn hóa truyền thống vùng dân tộc thiểu số
Thứ hai, 16:35, 25/12/2023 Thanh Hà/VOV miền Trung Thanh Hà/VOV miền Trung
VOV4.VOV.VN - Huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. A Lưới luôn giữ trong mình nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích chiến tranh cách mạng tiêu biểu. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình 1719), huyện A Lưới đã có nhiều nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

 

Trong căn nhà nhỏ của bà Kăn Hà ở xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, những làn điệu Cha chấp, Ba booch, Ka lới của người Pa Cô ngày ngày vẫn cất lên cao vút. Say mê trao truyền cho lớp trẻ nhưng bà Kăn Hà vẫn còn nhiều trăn trở khi văn hóa truyền thống của đồng bào mình ngày càng có nguy cơ mai một. Bà Kăn Hà luôn tâm niệm về việc truyền dạy và nhắc nhớ lớp trẻ gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu của cha ông.

Từ nhỏ, bà Kăn Hà đã đam mê văn hóa văn nghệ. Lớn lên tham gia cách mạng, bà tham gia đoàn văn công phục vụ bộ đội. Trở về địa phương, bà Kăn Hà nỗ lực sưu tầm các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Bây giờ khi tuổi cao sức yếu, bà Kăn Hà vẫn dành thời gian để trao truyền cho thế hệ sau các làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc Pa Cô và Cơ Tu.

“Tôi cố gắng truyền lại cho thế hệ sau các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Cơ Tu, Pa Cô cho thế hệ con cháu. Tôi nỗ lực làm sao đó, các bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc mình không bị mai một. Sau này tôi có mất đi rồi thì các con các cháu vẫn duy trì được các làn điệu dân ca độc đáo của dân tộc mình”. - Bà Kăn Hà chia sẻ.

Nếu như bà Kăn Hà nỗ lực truyền dạy cho co cháu các làn dân ca, điệu múa truyền thống thì nghệ nhân Hồ Văn Hạnh, ở xã Hồng Trung, huyện A Lưới tích cực truyền dạy nghề điêu khắc gỗ. Ông Hạnh cho biết, đồng bào Pa Cô mỗi khi tổ chức lễ tạ ơn tổ tiên hay làm nhà mồ đều phải thực hiện các tác phẩm điêu khắc gỗ để tượng trưng cho linh hồn người đã khuất. Tùy theo mỗi gia đình, dòng họ, có thể làm những tác phẩm điêu khắc hình người hay trâu, bò, dâng tặng ông bà tổ tiên. Ngoài ra, người Pa Cô còn điêu khắc những bức tượng gỗ người cầm giáo hay là những con vật quen thuộc với đời sống của bà con như voi, bò, dê, gà… để trang trí trong nhà. Tuy nhiên, theo nghệ nhân Hồ Văn Hạnh, hiện số già làng, nghệ nhân biết và giỏi nghề còn lại quá ít, một số người sức khỏe yếu không thể đi lại được. Vì vậy, bản thân ông, còn khỏe ngày nào là cố gắng đến với các lớp học điêu khắc, trao truyền nét đẹp văn hóa cha ông cho thế hệ trẻ và con cháu của mình.

“Sau kháng chiến chống Mỹ và đến hiện nay thì nghề điêu khắc gỗ đã bị mai một rất là nhiều. Chỉ còn ít các nghệ nhân, các bác lớn tuổi biết làm thôi. Thì tôi cũng cố gắng tìm hiểu để mà truyền nghề cho lớp trẻ để tiếp tục sự nghiệp điêu khắc. Tôi tổ chức được những lớp học để khôi phục nghề điêu khắc thì bản thân tôi rất vui vì nghề điêu khắc có cơ hội được sống lại”. - Ông Hồ Văn Hạnh cho biết.

 Để bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, Huyện ủy A Lưới đã ban hành Nghị quyết về "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2030". Nghị quyết này xác định mục tiêu tăng cường bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Trong đó, ưu tiên bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; các di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia, cấp tỉnh đang có nguy cơ mai một. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đồng bào các DTTS thì trong vấn đề quy hoạch, lập các dự án, đặc biệt là những dự án mang tính chất biểu tượng và tính chất cộng đồng cao thì huyện chú ý đến các khu vực khu dân cư có đông đồng bào người dân tộc thiểu số sinh sống. Huyện cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, già làng và người có uy tín để họ an tâm hơn, đặc biệt là có điều kiện để mà truyền dạy cho thế hệ trẻ về các kiến thức bảo tồn, phát huy văn hóa của người dân tộc thiểu số”.

Về văn hóa phi vật thể, huyện A Lưới tổ chức tái hiện lễ hội Ariêu Car, Ariêu A Da trong các Ngày hội văn hóa do Trung ương, tỉnh, huyện tổ chức. Huyện cũng đề nghị công nhận lễ hội Ariêu Car là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; 100% xã khôi phục, bảo tồn không gian làng văn hóa truyền thống; 100% ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số được bảo tồn, giữ gìn và phát huy; 100% các lễ hội tiêu biểu được quy trình hóa. Huyện tiến hành sưu tầm và bảo tồn tên làng, tên sông, tên núi, các địa danh, tục ngữ, ca dao, dân ca, dân nhạc, dân vũ, câu đố, truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó, tổ chức biên tập, biên soạn, in ấn, xuất bản bằng song ngữ Pa Cô - Việt, Tà Ôi - Việt và Cơ Tu - Việt. Về văn hóa ẩm thực, huyện sẽ hoàn thành cẩm nang ẩm thực truyền thống các dân tộc A Lưới...

Về văn hóa vật thể, đến nay huyện A Lưới đã khôi phục được 9 nhà Rông truyền thống của dân tộc Tà Ôi, 3 nhà Gươl truyền thống của dân tộc Cơ Tu, 4 nhà Moong truyền thống của dân tộc Pa Cô và có hơn 127 nhà vừa kết hợp kiểu kiến trúc truyền thống vừa hiện đại. A Lưới cũng đã xây dựng một Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc; Nhà trưng bày hiện vật văn hóa và hiện vật chiến tranh;  Nhà Trưng bày hiện vật di tích lịch sử Đồi A Biah; Nhà trưng bày chứng tích chiến tranh hóa học của đế quốc Mỹ tại A So…

Trong thời gian tới, huyện A Lưới sẽ tiếp tục gắn công tác bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống và di sản văn hóa với phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái bằng cách thường xuyên hợp tác, kết nối với các công ty du lịch, các đơn vị lữ hành; tăng cường truyền thông trên các nền tảng; xây dựng và phát triển các chương trình tour hợp lý; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với các điểm di tích lịch sử.

Cùng với việc tái hiện các lễ hội, xây dựng các thiết chế văn hóa, huyện A Lưới cũng phục dựng các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong thời gian vừa qua, Hội đã có nhiều cách thức tiếp cận đồng bào khác nhau. Hội đã hỗ trợ huyện lưu lại những giá trị di sản của đồng bào A Lưới. Mới đây nhất, Hội đã giúp đồng bào xuất bản một cuốn sách về ẩm thực 100 món ăn độc đáo của miền cao A Lưới. Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới từng bước khôi phục nghề gốm cổ truyền đã thất truyền cách đây 50 năm.

 “Huyện A Lưới đã phục hồi rất nhiều lễ hội gắn với các nghi lễ của đồng bào dân tộc ở đây như là cúng cơm mới, như là tắm suối, như là tục đi sim, dâng Zèng. Các nghi lễ cổ truyền đó được tái hiện với một hình thức rất sống động, rất đẹp. Những ai có dịp tham dự, chứng kiến các lễ hội đó sẽ thấy là một sinh khí của các nghi lễ ngày xưa đang tái hiện trên vùng cao A Lưới vốn có rất là nhiều truyền thống văn hóa đặc sắc. Từ đó chúng ta hiểu hơn về trầm tích văn hóa của miền đất A Lưới là rất giàu có. Những người nghiên cứu văn hóa cần phải quan tâm hơn, nghiên cứu sâu hơn và vừa gìn giữ di sản truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao A Lưới”. - Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc cho biết.

Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế là nơi hội tụ những sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy, Cơ Tu… Dự án 6 của Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần khơi dậy những giá trị lịch sử văn hóa vô cùng quý báu đó. Đây cũng là bảo tàng sống về kiến trúc, phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực và nhiều nét đẹp sinh hoạt hàng ngày của đồng bào qua nhiều thế hệ, các lễ hội đặc sắc cùng các làng nghề truyền thống./.

Thanh Hà/VOV miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC