Tranh cắt giấy của người Nùng Dín
Thứ năm, 11:08, 27/07/2023 Thu Cúc/VOV4 Thu Cúc/VOV4
VOV4.VOV.VN - Người Nùng Dín ở Mường Khương, Lào Cai có một phong tục đẹp trong tang ma, đó là làm tranh cắt giấy. Đây không chỉ là một nghề thủ công độc đáo, nó còn mang những ý niệm tâm linh của đồng bào Nùng Dín nơi này.

 

Lễ vật dành tặng người quá cố

Từ xa xưa, bà con Nùng Dín ở Mường Khương, Lào Cai đã quan niệm: con người sau khi chết đi sẽ được sang một thế giới khác, mà ở đó người chết cũng được sống, được sinh hoạt như thế giới thực tại.

Bởi vậy, trong nhà có người mất, con cháu trong gia đình, dòng họ phải chuẩn bị cho người quá cố sang bên kia thế giới có một cuộc sống đủ đầy. Và tranh cắt giấy giúp người Nùng Dín thực hiện được điều đó.

Ông Vàng Thung Chúng, người Nùng Dín ở thôn Tùng Lâu xã Tung Chung Phố, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương cho biết, đây những lễ vật không thể thiếu trong tang ma của người Nùng Dín.

“Nhà táng biểu trưng cho nhà lầu khang trang để phúng viếng cho người quá cố, sang thế giới âm phủ có một cuộc sống thịnh vượng. Nhà táng đấy sau đi các cụ qua đời người ta chọn ngày, chọn giờ, mời thợ về làm. Làm nhà táng xong mới bắt đầu làm mo. Người ta làm các thủ tục mua bán, mua cái nhà từ ông thợ, sau đó mới làm cái lễ nộp lễ cho ông bà. Sau này mang theo ra mộ đốt”. – Ông Chúng nói.

Sự công phu của mô hình tranh giấy

Trước đây, người Nùng Dín ở Mường Khương có khá nhiều nghệ nhân biết làm tranh cắt giấy. Họ hình thành nên các đội chuyên hành nghề làm nhà táng, cây tiền, ngựa giấy… phục vụ cho tang ma.

Bộ tranh cắt giấy của người Nùng Dín cơ bản có 5 loại gồm: nhà táng; cây tiền; con ngựa; và chỉ vần ngồi, chỉ vần đứng có ý nghĩa giống như những bức trướng hiện nay. Trong đó, làm công việc nhà táng đòi hỏi kỹ thuật chuyên nghiệp cũng như sự công phu cho lễ vật này.

Để làm được nhà táng, người ta dùng tới 15 cây vầu để tạo thành một khung nhà lầu hình hộp chữ nhật có chiều dài 1,2m, chiều rộng là 2m và chiều cao là 1m.

Những nan vầu được chẻ mỏng, họ đem đan thành những tấm phên nhỏ để làm mái cho nhà táng. Sau đó, họ sẽ dán những hoa văn được cắt bằng giấy để hoàn thiện cho nhà táng.

Hoa văn dán ở nhà táng hình ngói máng đục bằng giấy màu đen. Phần mái của tầng một và tầng hai đều là có dán đường diềm hoa văn hình đèn. Phía trước của nhà táng có làm tượng trưng cả cửa ra vào. Cửa này được làm bằng giấy màu, phía trên cửa có dán chiếc gương giấy màu vàng.Phần ô ở cửa nhà táng có hình vuông được dán bằng giấy màu đỏ. Nghệ thuật cắt, dán, trang trí thủ công tinh xảo thể hiện trên chiếc nhà táng đầy màu sắc dành cho người đã khuất này.

Ông Vàng Thung Chúng nhận định: “Từ ước mơ, khát vọng của người quá cố, người nghệ nhân đã suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo. Ngày xưa các cụ đâu có nhà lầu, xe hơi. Trong mo có nhà lầu 8 cột, thông hai tầng luôn. Tầng 3 là tầng có mái. Cột đó người ta làm bằng cây sậy ở suối. Người ta đo chính xác theo chiều cao của nhà táng, rồi dùng giấy quấn một lần, cắt các mảnh giấy màu xanh đỏ tím vàng, quấn chéo tạo thành cây cột đẹp. Đáp ứng nhu cầu, khát vọng của người quá cố về một cuộc sống sung túc, và cũng thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ”.

Nghệ thuật cắt, đục hoa văn

Sau khi dựng xong phần khung, họ dán lên đó một lớp giấy bọc bên ngoài làm nền. Cuối cùng họ sẽ dán các hoa văn được đục, cắt bằng giấy.

Cách làm mô hình ngựa giấy, cây tiền, cũng như bức trướng đều tương tự như nhà táng. Đó là nghệ nhân sẽ làm khung bằng vầu, mai, rồi mới dùng những hoa văn được cắt từ giấy để hoàn thiện sản phẩm. Để tạo hoa văn, ngoài giấy bản, giấy màu họ phải có bộ dụng cụ tạo hình,trong đó có chiếc đục.

Trong tranh cắt giấy của người Nùng Dín có rất nhiều chi tiết hoa văn uốn lượn, nhiều hoa văn có hình vòng cung, hình tròn… các đường nét hoa văn đó gọi là đường cong. Độ lớn nhỏ, dài ngắn của các đường cong đó tùy thuộc vào mẫu hoa văn.

Vì vậy, tùy theo đặc điểm đặc thù của từng đường cong đó mà các nghệ nhân sử dụng từng loại dụng cụ cho phù hợp. Có loại đục thẳng để tạo hoa văn đường thẳng, đục lỗ tròn để đục các hoa văn hình lỗ tròn hay bán nguyệt nhỏ. Kết hợp với búa đập, họ sẽ tạo ra những hoa văn thuộc nằm lòng trong đầu.

Hay nghệ nhân cũng có thể sử dụng dao, cật nứa, kéo để cắt hoặc dọc giấy. Dùng dùi nhọn để dùi lỗ trên các khổ giấy, gắn kết các khổ giấy lại với nhau, giữ cho các khổ giấy đó không bị xê dịch.

Khi đục tranh có hai cách đục khác nhau: một là các nghệ nhân sử dụng các khuôn mẫu tranh, mỗi hoa văn có từ trước ép các mẫu đó lên các khổ giấy để đục; hai là các nghệ nhân có thể đục trực tiếp lên các mẫu giấy, khổ giấy mà không phải sử dụng mẫu hoa văn có trước.

Chẳng hạn cách làm hoa văn cây tiền cho người quá cố. Nó có cấu tạo như một chiếc váy áo sặc sỡ gồm phần đầu, ngực, bụng. Để làm cột tiền phải chọn loại giấy bản trắng mỏng nhưng lại dai. Họ xếp 100 tờ giấy bản thật ngay ngắn, sau đó lấy dùi nhỏ chọc xuyên qua. Để khổ giấy không xê dịch, nghệ nhân dùng mảnh giấy hình tam giác ghim lại. Một khổ giấy dùi có đến khi 30 lỗ. Họ lấy bút chì, thước kẻ tiến hành vẽ lên khổ giấy.

Sau khi tạo hình, họ rải cám gạo trên chiếc ván có kích thước bằng khổ giấy, rồi đặt khổ giấy lên đó. Họ bắt đầu từ từ dùng đục, đục theo hình hoa văn đã kẻ bằng bút chì.

100 tờ giấy xếp chồng lên nhau, với vài nét kẻ đơn giản ấy, đến khi bung ra lại thành một bộ váy kiều diễm cao tới 4,5m mà không có một sự ghép nối nào của bàn tay con người. Sơ qua cách tạo hình bằng giấy trên cây tiền cũng đủ thấy người thợ Nùng Dín phải có tay nghề cao nhường nào, mới tạo ra sản phẩm kỳ công đến vậy.

Ngoài những kỹ thuật đục, cắt hoa văn từ giấy ấy, còn phải kể đến kỹ thuật nhuộm màu từ thực vật. Ngày nay, họ đã dùng giấy màu ngoài chợ, để giảm đi thời gian và công sức làm tranh giấy.

Và nghệ thuật tranh cắt giấy đến nay vẫn được truyền thừa qua nhiều thế hệ người Nùng Dín. Nhất là khi Bộ VHTT&DL công nhận nghề làm tranh cắt giấy của người Nùng Dín là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào cuối năm 2013, vốn quý này của tổ tiên lại càng được con cháu người Nùng Dín trân trọng, giữ gìn.

 

Thu Cúc/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC