Nghề làm hương của người Tày ở Lạng Sơn
Thứ sáu, 00:00, 06/04/2018 Hoàng Minh Hoàng Minh
VOV4 - Làm hương thắp là một nghề truyền thống được người Tày ở Lạng Sơn duy trì từ hàng trăm năm nay. Ngày nay có nhiều loại hương thơm công thức phức tạp, nhưng hương của người Tày vẫn được nhiều người ưa chuộng.

 

Tổ 4 khối 6, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, trước kia là một làng nghề làm hương lâu đời. Đến nay, vẫn còn khoảng 30/45 hộ gia đình duy trì nghề truyền thống. Gia đình bà Hoàng Thị Lùng là một trong số đó. Những ngày cận tết, bà Lùng cùng các gia đình làm hương ở đây tất bật sản xuất để cung cấp cho thị trường thành phố và một số huyện lân cận.

Xưởng sản xuất của bà Lùng là một nhà kho nhỏ, khá đơn sơ. Bên trong chứa nhiều bao tải lớn đựng bột hương vàng ươm như màu nắng, một bao đựng thứ bột mịn màu xanh lục, và một xô nước to.

Cách thức se hương của người Tày ở Lạng Sơn rất khác với cách sẽ hương ở các làng nghề miền xuôi. Người Tày không trộn bột hương thành hồ trước rồi se trên bàn lăn như người xuôi mà se bằng cách tung bột khô. Thứ bột mịn màu xanh lục chính là bột lá bơ hắt, có vai trò như chất kết dính, được trộn đều với mùn cưa.

Người ta nhúng bó nan tre vào thùng nước cho ướt trước khi đưa ra se. Hỗn hợp bột hương tung lên sẽ bám đều vào từng que hương.

Bà Hoàng Thị Lùng trong xưởng hương của gia đình. Ảnh: Hoàng Minh

Xem các bà, các chị, đôi bàn tay thoăn thoắt, lúc xòe bó nan tre ra thành hình phễu, tung bột hương, lúc chụm lại, cảm thấy công việc này khá thú vị và dễ dàng. Nhưng kì thực để tạo ra một bó hương đều, tròn đẹp, trăm cây như một, đòi hỏi người làm hương phải có thao tác rất thành thục.

Người dân ở Lạng Sơn gọi hương do đồng bào Tày sản xuất là hương thổ. Hương thổ có ưu điểm ở chỗ khói tỏa ra không cay mắt, mùi thơm nhẹ và dễ chịu. Vào những dịp cúng bái, ma chay, bà con sử dụng hương rất nhiều, vậy nên hương thổ được lòng người dân xứ Lạng hơn hương có thành phần dược liệu.

Mỗi vùng ở Lạng Sơn, tùy điều kiện mà bà con làm hương có những kinh nghiệm khác nhau khi lựa chọn nguyên vật liệu. Bột hương của người Tày Lạng Sơn có thành phần chính là mùn gỗ. Ở các làng nghề thuộc khu vực thành thị như Tổ 4, khối 6, phường Đông Kinh, bà con tận dụng mùn gỗ từ các xưởng mộc. Mùn gỗ được lựa chọn, đem về xát lại để đạt độ mịn mong muốn trước khi dùng để làm hương.

Còn ở các vùng quê như xã Đại Đồng, huyện Tràng Định, bà con ở làng hương Pác Cam có điều kiện để lấy nguyên liệu cầu kỳ hơn. Đó là mùn của cây sâu sâu – một loại cây thân gỗ mọc trong rừng. Theo kinh nghiệm của bà Dương Thị Nhình, thợ làm hương ở Pác Cam, gỗ sâu sâu mục có màu trắng, làm ra được nén hương có màu sắc đều và đẹp. Hơn nữa, lá cây sâu sâu ăn được nên bà con chắc chắn thứ nguyên liệu này hoàn toàn thân thiện với sức khỏe con người. 

Phơi hương. Ảnh: Hoàng Minh

Bột hương mỗi vùng mỗi khác, nhưng nan hương thì cách chọn ở đâu cũng vậy. Chọn tre, mai làm nan hương phải lấy cây bánh tẻ, không quá già, cũng không quá non. Tre mai khoảng 1 năm tuổi là vừa lấy. Người ta cưa tre thành từng đốt, chặt bỏ mắt, chẻ nhỏ rồi vuốt cho đều. Sau đó đem hơ lửa để loại bỏ những sợi gỗ vuốt chưa sạch.

Nếu không hơ lửa thì sau khi tung bột hương, những sợi gỗ này sẽ làm vỡ lớp bột hương. Muốn lấy được tre, mai có phẩm chất tốt nhất, cũng phải xem ngày. Bà con thường chọn thời điểm qua rằm và phải chặt vào buổi chiều để tránh mối mọt. Thời gian khai thác tre, mai lý tưởng nhất là sau tháng 7 âm lịch. Tre nứa có thể bảo quản được hàng năm mà không mối mọt, mục nát.

 

 

 

Hoàng Minh/VOV4

 

 

Hoàng Minh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC