Lễ hội Lồng Tông ở tỉnh Tuyên Quang thường được tổ chức với quy mô lớn tại Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên và Sơn Dương. Đây là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng của đồng bào Tày, Nùng cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh, cuộc sống no ấm... Chị Nguyễn Thị Oanh (xã Vân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) đã xa quê hơn 10 năm nhưng mỗi dịp về quê đón Tết, chị và các con đều ở lại chơi hội Lồng Tông.
"Hàng năm, chuẩn bị đến ngày hội các chị em trong bản rất háo hức, mỗi người đều chuẩn bị cho mình những bộ quần áo đẹp để đi chơi hội, đa số các chị em đều mặc quần áo của dân tộc mình. Hội Lồng Tông ở đây được tổ chức trong 2, 3 ngày, mùng 8 là ngày chính nhưng từ mùng 6 mọi người đã bày bán hàng và bà con ở khắp các bản làng đã rủ nhau đi chơi hội từ ngày mùng 6 rồi. Ngày hội ở Chiêm Hóa năm nào cũng đông, ngoài khách địa phương còn có nhiều du khách ở các tỉnh khác cũng đến đây chơi hội, đông lắm." - Chị Nguyễn Thị Oanh cho biết.
Từ ngày mùng 5 đến ngày rằm tháng Giêng, nếu có dịp đến các bản làng của người Tày ở xứ Tuyên, du khách sẽ hòa mình vào không khí Lễ hội Lồng Tông với những nét đặc sắc riêng có của người Tày, người Nùng nơi đây. Lễ hội Lồng Tông được nhiều bản trong xã tổ chức nhưng lớn nhất là lễ hội Lăng Can diễn ra vào ngày 11, 12 và lễ hội Thượng Lâm diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng.
"Từ trước Tết các chị em phụ nữ đã chuẩn bị vải để may những bộ quần áo dài đẹp nhất để đi dự lễ hội Lồng Tông. Còn các con cháu thì chuẩn bị cà kheo, quả pam, quả còn để phục vụ các trò chơi dân gian trong những ngày Tết, lễ hội. Ngày 15 tháng Giêng hàng năm, bà con tất cả các bản trong toàn xã đều ra sân vận động để cùng nhau đi rước lễ và vui hội." - Bà Lộc Thị Loan (bản Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) cho biết.
Từ đêm trước ngày chính hội, không khí náo nức đã ngập tràn các ngõ xóm, bản làng. Ông Triệu Văn Đội ở bản Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Sáng sớm ngày 12 tháng Giêng, thầy cúng sẽ thực hiện nghi thức tế lễ tại đền Pú Bảo, sau đó rước lễ từ đền ra đàn tế ở khu đất rộng để thực hiện nghi lễ cúng tế đất trời, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi...
"Lễ hội Lồng Tông là dịp để nhân dân bày tỏ lòng biết ơn đến các vị thần, tổ tiên, những người đã có công khai hoang, lập đất trồng cấy lúa nước và hoa màu, đồng thời cũng là để cầu mùa, cầu bình an cho mọi người. Phần nghi lễ phải mời thầy về cúng, mâm lễ để cúng tế gồm có hoa quả bánh kẹo, thịt gà, thịt lợn...nói chung là có đủ các món ẩm thực của bà con nơi đây. Mỗi xã phải có một mâm lễ và đặc biệt trên mâm lễ cũng không thể thiếu những quả còn ngũ sắc vì bên trong quả còn nhồi các loại hạt giống để cầu sự sinh sôi nảy nở, quả còn đem lại may mắn cho mọi người."
Sau khi dâng cúng trời đất, các mâm tồng sẽ được "tán lộc" cho mọi người. Sau đó là phần hội với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống như: Tung còn, kéo co, đánh pam, đánh yến... và các chương trình văn nghệ, hội thi làm bánh giầy ngũ sắc… Ông Cao Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Lễ hội Lồng Tông có màn múa Lộn trán của người Tày và các trò chơi dân gian, các hội thi. Sau khi cúng xong là lễ cày Tịch điền, cày Tịch điền là cày bằng trâu, người cày phải chọn người hợp tuổi với năm Giáp Thìn để đại diện cho nhân dân cày các đường cày đầu tiên của năm mới với mong muốn sẽ mang lại dân khang, vận thịnh mùa màng bội thu."
Đến với lễ hội Lồng Tông, du khách có thể tham quan, mua sắm các sản vật của địa phương tại các gian hàng và thưởng thức các món ăn độc đáo của bà con người Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn... nơi đây như: bún vịt Khuôn Hà, Lăng Can, xôi ngũ sắc hay món cá khuy, cá bống suối, cá đục sông Lam với lá thấm luồm trong ống nứa vừa thơm vừa ngậy, chỉ ăn một lần sẽ nhớ mãi. Năm 2013 Lễ hội Lồng Tông của người Tày ở tỉnh Tuyên Quang được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương mỗi dịp Tết đến, Xuân về./.
Viết bình luận