Chị Y Tang, dân tộc Xê Đăng, ở thôn Đăk Long Giao, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi phấn khởi dẫn mọi người đi tham quan đàn heo sọc dưa với gần 20 con của gia đình. Nhìn đàn heo nái, heo con, heo thịt được nuôi bài bản trong chuồng, có không gian khá rộng, thoáng mát, sạch sẽ và thức ăn chủ yếu chế biến từ củ, quả, cây lá, chúng tôi biết chị Tang đã nắm chắc kỹ thuật nuôi heo sọc dưa.
“Đây là lứa heo thứ ba. Hai lứa trước tôi bán với giá hơn 100.000 đồng/kg heo hơi, gia đình cũng có một khoản thu nhập khá. Tới đây gia đình tôi sẽ xin ra khỏi hộ nghèo. Gia đình tôi được như hiện nay là nhờ sự giúp đỡ của cán bộ địa bàn Đồn Biên phòng Đăk Xú, BĐBP Kon Tum. Thiếu tá Khả Khan Thiệu, đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Đăk Xú đã nhận giúp gia đình tôi, động viên, hướng dẫn gia đình tôi nuôi heo bản địa Tây Nguyên. Nhờ có vốn từ đàn heo, tôi đã đầu tư vào vườn cà phê, cao su, hy vọng những năm tới sẽ cho năng suất cao. Tôi đang tích lũy vốn để mua thêm bò giống về nuôi...” - chị Y Tang chia sẻ.
Gia đình chị Y Tang là một trong hàng chục gia đình được BĐBP Kon Tum hỗ trợ sinh kế thoát nghèo bền vững thông qua các mô hình: Phân công sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, người dân tộc thiểu số kết nghĩa giúp đỡ các hộ người DTTS nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên khu vực biên giới; Đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình trên khu vực biên giới; hỗ trợ bò giống sinh sản giúp hộ nghèo trên khu vực biên giới cùng một số mô hình khác như "Con nuôi đồn Biên phòng"; "Mẹ đỡ đầu"; "Nâng bước em tới trường", "Đồng hành với phụ nữ biên cương"... đang được triển khai sâu rộng, hiệu quả ở khu vực biên giới tỉnh Kon Tum.
Đến nay, đội ngũ đảng viên đồn Biên phòng đã kết nghĩa với 122 hộ nghèo và giúp 20 hộ thoát nghèo; 52 sĩ quan, quân nhân chuyên người DTTS kết nghĩa giúp đỡ 64 hộ người DTTS nghèo và đã giúp 18 hộ vươn lên thoát nghèo. Bộ đội biên phòng cũng đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà, sửa nhà, làm đường giao thông nông thôn, công trình nước sạch, trao bò giống, dê giống, heo giống tặng đồng bào khu vực biên giới. Với những cách làm đó, BĐBP Kon Tum đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực biên giới tỉnh Kon Tum từ 34,7% (trước năm 2015) xuống dưới 20% (năm 2022); đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên.
Tại thôn Đăk Răng, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, thông qua đội ngũ cán bộ thôn, già làng, người có uy tín trong cộng đồng và trực tiếp nói chuyện với bà con, nhiều chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về xây dựng nền Biên phòng toàn dân, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo... được Đại úy A Hùng, đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y (BĐBP Kon Tum) khéo léo truyền tải đến người dân. Đồng thời,anh biết lắng nghe dư luận, ý kiến từ nhân dân để tham mưu cho Đảng ủy, Chỉ huy đơn vị và cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý hiệu quả các vấn đề nảy sinh; bồi dưỡng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Già làng A Lào, ở thôn Đăk Răng phấn khởi cho biết: “A Hùng và các chú BĐBP như con em của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới. BĐBP lo nỗi lo của dân, vui với niềm vui của dân. Từ phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa đến giữ gìn an ninh trật tự thôn, làng đều được BĐBP tận tình hướng dẫn, giúp đỡ và làm “điểm tựa” cho nhân dân”.
Theo Đại úy A Hùng, ngoài dự các buổi chào cờ, sinh hoạt thôn, làng, tham gia sinh hoạt chi bộ, BĐBP Kon Tum còn có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả được nhân dân tin tưởng, yêu mến, như: Tổ tự quản đường biên, cột mốc; Phụ nữ chung tay cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường; Thanh niên tham gia giữ gìn trật tự an ninh vùng biên giới; Cán bộ đoàn đồn Biên phòng kiêm nhiệm chức danh phó bí thư đoàn xã biên giới. Cùng với đó, hoạt động kết nghĩa không chỉ có đồn Biên phòng kết nghĩa với các xã biên giới mà cả cán bộ, đảng viên biên phòng kết nghĩa với nhân dân, góp phần xây đắp tình cảm, sự gắn bó giữa BĐBP với đồng bào các dân tộc khu vực biên giới.
Đại tá Lê Minh Chính, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Kon Tum cho biết: “Chúng tôi tập trung vào công tác dân vận bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả với người dân. Từ đó được lòng tin, sự yêu mến của nhân dân và cấp ủy, chính quyền địa phương. Mọi cán bộ phải không ngừng rèn luyện đạo đức, tác phong làm việc trọng dân, gần dân. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị huy động mọi nguồn lực, xây dựng các mô hình để giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội’’ .
Thông qua các mô hình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quyết định đưa cuộc sống người dân ngày càng khá giả; qua đó đã tập hợp, huy động sức mạnh toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh./.
Viết bình luận