Không thổ dân, không thiên nhiên, không tương lai
Thứ năm, 00:00, 16/02/2017 p dịch p dịch

Bạn có biết rằng 80% vùng đa dạng sinh học nhất trên trái đất là quê hương của những thổ dân?

 

Rất lâu trước khi từ “bảo tồn” ra đời, thổ dân đã phát triển các phương pháp hiệu quả cao để duy trì sự giàu có của môi trường sống. Họ có những quy tắc phức tạp về bảo tồn để ngừng việc săn bắn bừa bãi và bảo vệ đa dạng sinh học.

 

Tuy nhiên, thường có những luận điệu sai trái cho rằng đất đai của họ là vùng hoang dã cho dù các cộng đồng bộ lạc đã sống dựa vào đó và quản lý chúng suốt cả chục ngàn năm. Thậm chí những “vùng hoang dã” nổi tiếng nhất thế giới, gồm Yellowstone, Amazon và Serengeti, là đất đai tiên tổ của hàng triệu thổ dân, những người nuôi dưỡng và bảo vệ môi trường sống của mình suốt nhiều thế hệ.

 

Các thổ dân đang bị đuổi một cách bất hợp pháp ra khỏi những vùng đất đó nhân danh “bảo tồn”. Nay, họ bị buộc tội “săn trộm” khi đi săn để tìm thức ăn. Và họ đối mặt với việc bị bắt, bị đánh đập, tra tấn và cái chết, trong khi những thợ săn thú lớn mua giấy phép săn bắn thì được khuyến khích. Cuộc sống của họ và quê hương của họ đang bị ngành “công nghiệp bảo tồn”, du lịch và những thương vụ lớn, hủy hoại.

 

Ở Cameroon, thổ dân bộ lạc Baka, ai dám vào rừng sẽ bị đội chống săn trộm được WWF (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên) tổ chức, tống cổ ra khỏi rừng. Ở Ấn Độ, những ngôi làng của thổ dân bị trục xuất khỏi các khu bảo tồn hổ trở thành những điểm tham quan của du khách, và ngành công nghiệp du lịch tăng trưởng nhảy vọt.

 

Theo quan điểm của Tổ chức Tồn tại quốc tế (Survival International), những tổ chức bảo tồn lớn đồng lõa với việc thu hẹp không gian sống của thổ dân. Họ đổ tiền vào những tổ chức bảo tồn được quân sự hóa, dẫn tới sự ngược đãi những người săn bắn – hái lượm vô tội; họ chung phần với những thương vụ lớn mà ăn cướp đất đai của bộ lạc, và họ lèo lái các dự án mà kết quả là thổ dân bị đuổi khỏi vùng đất họ đã sinh sống hàng ngàn đời.

 

Người Baka Pygmy đối mặt với việc bị bắt, bị đánh, tra tấn và chết chóc trong tay những người bảo vệ công viên vì bị buộc tội “săn trộm” khi họ đi săn để kiếm thức ăn nuôi gia đình. Các nhân viên bảo vệ do WWF tổ chức cũng đóng vai trò then chốt trong việc ăn cắp đất đai của người Baka.

 

Trong khi đó, người Baka thấu hiểu khu rừng của họ. Họ có các luật lệ chống lại việc săn bắn tràn lan và nếu họ không bị loại ra, họ có thể trở thành tai mắt của rừng. Một người Baka nói với Survival: “Chúng tôi biết khi nào và ở đâu có bọn săn trộm, nhưng không ai lắng nghe chúng tôi”.

 

Người Baiga, những nạn nhân nhân danh khu bảo tồn hổ, không săn hổ, mà thậm chí coi chúng như những “em nhỏ” của mình. Một số người tự đặt ra những dự án bảo tồn của riêng mình, đề ra các nguyên tắc cho cộng đồng của mình và người lạ để bảo vệ khu rừng và đa dạng sinh học của nó.

 

Thổ dân Bushmen trở thành nạn nhân của Khu bảo tồn thú săn trung tâm Kalahari của Botswana, dưới danh nghĩa “bảo tồn”. Survival đã giúp người Bushmen về nhà, nhưng một lần nữa họ bị buộc phải quay lại trại định cư, nơi họ gọi là “chỗ của cái chết”.

 

Người Bushmen biết rõ nhất cách làm thế nào bảo vệ môi trường sống của họ và thú vật sống trong đó. Như một người Bushmen nói: “Nếu chúng tôi đi tới vùng đất của mình, chúng tôi sẽ tìm thấy thú vật, tôi biết cách bảo vệ chúng. Ở những khu vực khác, không có con vật nào cả”.

 

Đây là thời điểm của một dạng bảo tồn mới, đặt quyền lợi của thổ dân vào trung tâm, và nhận thức rằng họ là những người bảo tồn tốt nhất, người bảo vệ tốt nhất của thế giới tự nhiên.

 

Điều này sẽ là bước tiến quan trọng nhất hướng tới việc bảo vệ môi trường một cách chân xác.

 

Vì thổ dân các bộ lạc, vì thế giới tự nhiên, và vì tương lai của cả loài người.

 

Người Pygmy sinh sống trong các khu rừng nhiệt đới ở Congo

 

Thổ dân sống tại vùng sông Sepik, Papua New Guinea

Sau khi những thổ dân này được quay trở lại khu bảo tồn hổ ở Ấn Độ, số cá thể hổ đã tăng trở lại

 

 

 

Theo Survival International

p dịch

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC