Giải bài toán nước sạch cho bà con miền núi
Thứ tư, 00:00, 28/06/2017
VOV4.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: mỗi năm có khoảng 20.000 người Việt Nam chết vì các bệnh liên quan tới việc dùng nước sinh hoạt ô nhiễm và thiếu vệ sinh. Khu vực thiếu nước sạch trầm trọng nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc, với tỷ lệ 30% dân số thường xuyên không có nước sinh hoạt, đặc biệt là trong những tháng mùa khô. Nhiều công nghệ đã được ứng dụng để tìm kiếm nguồn nước sạch cho người dân vùng khan hiếm nước.

 

Tiến sĩ Lê Xuân Quang, Phó viện trưởng Viện nước tưới tiêu và môi trường, thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trao đổi với phóng viên Đài TNVN về những nỗ lực ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết bài toán nước sạch cho sinh hoạt và nước sản xuất của người dân miền núi:

 

PV: - Thưa Tiến sĩ, Viện nước, tưới tiêu và môi trường đã nhận được một số đơn đặt hàng từ một số tỉnh miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, nhằm giải quyết vấn đề thiếu nước từ bao đời nay của bà con. Chúng tôi biết rằng chính Tiến sĩ đã trực tiếp tham gia nhiều đề tài nghiên cứu và ứng dụng thành công ở một số địa phương.

 

Tiến sĩ Lê Xuân Quang:  - Trong thời gian vừa rồi, chúng tôi có ứng dụng một số công nghệ nhằm cung cấp nước cho bà con nhiều vùng miền núi khó khăn như công nghệ bơm va, công nghệ bơm nước sâu, lấy nước ngầm ở các suối, với những vùng cao thì áp dụng công nghệ thu trữ nước bằng những vật liệu rẻ tiền như xi măng đất, túi nhựa dẻo, thay thế công nghệ truyền thống như công nghệ bê tông, công nghệ đá xây khá tốn kém. 

 

Về sản xuất nông nghiệp, chúng tôi ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm Isren, rồi công nghệ Nêtaphim, công nghệ của Ấn độ để sử dụng nước tưới tiết kiệm. Một số công nghệ khác như tưới phun mưa nhỏ giọt, công nghệ kênh bê tông lưới thép vỏ mỏng…vv… Bên cạnh đó chúng tôi đưa ra quy trình tưới cho cây trồng, đặc biệt là cách tưới xen kẽ cho lúa để tiết kiệm nước.

 

Những vùng được đầu tư, có thể nói là bộ mặt cuộc sống của bà con thay đổi hẳn. Cảnh bà con đi lấy nước xa hàng chục cây số được khắc phục, thay vào đó là có hồ nước ngọt ngay khu vực đó, rất tiện lợi.

 

Nhờ có ứng dụng khoa học thực tiễn mà nhiều bà con dân tộc thiểu số được sử dụng nước sạch

PV: - Cụ thể, những địa phương nào được hưởng lợi?

Tiến sĩ Lê Xuân Quang:  - Chúng tôi đã nghiên cứu và áp dụng được vào nhiều vùng, như vùng duyên hải nam trung bộ, rồi Hà Giang, Lai Châu, Sơn La. Hiện nay chúng tôi đang chủ biên sổ tay cấp nước và chứa nước an toàn cho hộ gia đình dành cho cấp xã, thì cái này sẽ ứng dụng cho cả nước.

PV: - Thưa tiến sĩ, việc đưa khoa học công nghệ mới vào để giữ nguồn nước hoặc tạo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho bà con vùng dân tộc thiểu số, bên cạnh những thuận lợi thì hiện đang gặp phải những khó khăn gì?

Tiến sĩ Lê Xuân Quang:  - Trong quá trình ứng dụng công nghệ, do nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, chính vì thế việc bảo vệ giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn cho những công trình nhà nước đầu tư cần phải được nâng cao hơn để công trình đạt hiệu quả và bền vững.

 

Bên cạnh đó, để đảm bảo lâu dài cho nguồn nước trong những khu vực này, thì cần những giải pháp tuyên truyền giữ gìn rừng đầu nguồn, không khai thác  nước ngầm quá mức để nguồn nước này bị cạn kiệt, rồi phải giao cho bà con luân phiên làm chủ quản lý các công trình cung cấp nước được nhà nước đầu tư xây dựng.

PV: - Vậy theo Tiến sĩ, nút thắt nào cần tháo gỡ để các nhà khoa học có thể hỗ trợ bà con được nhiều hơn, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn biến nhanh hơn dự báo và tình trạng hạn hán đang ngày càng có xu hướng gay gắt, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất ở nhiều vùng như hiện nay?

Tiến sĩ Lê Xuân Quang:  - Hiện nay, đảm bảo cung ứng nước trong sản xuất nông nghiệp, với đầu tư hạ tầng là tốn kém, trong khi dân còn thiếu nguồn lực, thì đó là một cái rất khó. Đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp thì chưa được bảo đảm nên cần có chính sách ưu đãi. Bởi có tiêu thụ được sản phẩm thì bà con mới mạnh dạn ứng dụng công nghệ tưới hiệu quả trong sản xuất.

 

Cũng cần phải có những chính sách khuyến khích các nhà khoa học hỗ trợ nhiều hơn cho bà con, rồi cần có cái bắt tay chặt hơn giữa bà con với các nhà khoa học và doanh nghiệp thì mới ứng dụng hiệu quả được.

PV: - Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ.

 

 

 

Đức Linh/VOV

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC