Hội đồng Dân tộc sẽ đồng hành cùng Đài TNVN phát triển phát thanh tiếng dân tộc thiểu số*
Thứ hai, 00:00, 12/06/2017
VOV4.VN - Tại Hội thảo “Định hướng phát triển tiếng dân tộc thiểu số trên sóng Đài TNVN” (5/2017), ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truyền thông cho đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm hơn 14% dân số Việt Nam): “trước những yêu cầu đặt ra của giai đoạn hiện nay, đặc biệt trước sự bùng nổ, phát triển vô cùng mạnh mẽ của cuộc cách mạng kỹ thuật, thông tin số, thì việc nghiên cứu, đánh giá, tìm ra các giải pháp, mục tiêu phù hợp cho phát triển bền vững, toàn diện của sự nghiệp báo chí, truyền thông nói chung và chương trình phát thanh tiếng dân tộc nói riêng là hết sức cấp bách và vô cùng quan trọng”.

VOV4.VN trân trọng trích phát biểu của ông Hà Ngọc Chiến tại Hội thảo.

 

Thứ nhất, chúng ta đều thống nhất nhận thức về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc định hướng phát triển phát thanh tiếng dân tộc.

 

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 54 thành phần dân tộc, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14% dân số cả nước.

 

Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước luôn xác định vị trí chiến lược hết sức quan trọng của vấn đề dân tộc. Hệ thống chính sách dân tộc được xây dựng bao trùm toàn diện các lĩnh vực, được hình thành và phát triển trên nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển; ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; gắn kết phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.

 

Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo…  lĩnh vực thông tin, trong đó có nhiệm vụ phát thanh, truyền hình bằng tiếng các dân tộc thiểu số cũng được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Từ năm 1956, mặc dù đất nước còn muôn vàn khó khăn, Đài TNVN đã được giao nhiệm vụ sản xuất và phát sóng các chương trình phát thanh tiếng dân tộc thiểu số. Có thể khẳng định: những kết quả, thành công của công tác thông tin, trong đó có nhiệm vụ phát thanh – truyền hình bằng tiếng các dân tộc thiểu số đã đóng góp những kết quả to lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội … tại các địa bàn còn nhiều khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Chương trình phát thanh – truyền hình tiếng dân tộc đã thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, với các dân tộc thiểu số.

 

Trong giai đoạn hiện nay, điều kiện tiếp cận thông tin qua các loại hình báo chí và các phương tiện khác được cải thiện, dân trí của đồng bào được nâng lên, nhu cầu thông tin qua chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc của người dân cũng đã thay đổi. Do đó, chúng ta cần đánh giá toàn diện thực trạng, hiệu quả, hạn chế, bất cập, từ đó xây dựng chiến lược phát triển phát thanh dân tộc.

 

Thứ hai, cần nhận thức đầy đủ về sứ mệnh lịch sử của chương trình phát thanh tiếng dân tộc trong phát triển truyền thông hiện nay.

 

Đảng, Nhà nước rất coi trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; luôn thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền văn hóa thống nhất trong đa dạng; phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, trong đó có bảo tồn tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số.

 

Ngay từ văn kiện đầu tiên của Đảng tại Đại hội lần thứ nhất diễn ra ở nước ngoài  (tháng 3/1935) Đảng ta đã khẳng định: “Các dân tộc được dùng tiếng mẹ đẻ của mình trong sinh hoạt chính trị, kinh tế và văn hóa”. Từ khi giành được độc lập (1945) đến nay, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán về chủ trương này. Điều 2, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”. Nghị quyết Hội nghị trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” chỉ rõ: “Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống”.

 

Như vậy, việc Đài TNVN tổ chức sản xuất, phát sóng 12 thứ tiếng dân tộc thiểu số (Mông, Thái, Dao, Ê đê, Ba na, Gia rai, K’ho, M’nông, Xơ đăng, Chăm, Khmer), với thời lượng phát sóng gần 30 giờ hàng ngày, chính là việc tổ chức thực hiện, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và phát triển thông tin – truyền thông trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong giai đoạn mới phù hợp, hiệu quả hơn.

 

Thứ ba, cần nhận thức rõ những khó khăn, thách thức, từ đó xác định đúng các giải pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện các định hướng, mục tiêu phát triển của Chương trình phát thanh tiếng dân tộc thiểu số trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

 

Sự nghiệp báo chí, truyền thông nói chung và chương trình phát thanh tiếng dân tộc thiểu số đang gặp phải những khó khăn khách quan như: 

Về đối tượng, đó là bộ phận khán, thính giả yếu thế dễ bị tổn thương.

 

Về địa bàn, đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số đang cư trú tại vùng, địa bàn khó khăn nhất, vùng sâu, xa nhất. Đó chính là những góc khuất, điểm lõm, khó phủ sóng phát thanh, truyền hình nhất.

Về điều kiện kinh tế - xã hội, địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, các địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số là nơi chậm phát triển, có nhiều khó khăn đặc thù: giao thông đi lại khó khăn; cơ sở hạ tầng thiết yếu vừa thiếu, lại không đồng bộ; trình độ dân trí thấp; điều kiện phát triển sản xuất rất hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo rất cao…

 

Chương trình phát thanh tiếng dân tộc thiểu số đang gặp phải những thách thức:

Thách thức đầu tiên, là sự phát triển mạnh mẽ như vũ bão của truyền thông dựa trên nền tảng tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật (thời đại thế giới kết nối – thế giới kỹ thuật số). Làm cách nào để chúng ta tiếp cận, thừa hưởng công nghệ, ứng dụng hiệu quả?

 

Tiếp đến là vốn từ vựng của các dân tộc thiểu số hạn chế, không phát triển, sử dụng nhiều từ tiếng Việt. Biên dịch viên cũng thiếu vốn từ để dịch sang tiếng dân tộc mình nên tiếng nói ngày càng mai một. Nhiều dân tộc, tiếng nói, chữ viết không được đưa vào chương trình giảng dạy; tỷ lệ không biết tiếng mẹ đẻ ngày càng cao.

Tiếp theo là nhu cầu to lớn, cấp thiết của quần chúng nhân dân, mong muốn tiếp cận, thụ hưởng những thành quả của lĩnh vực thông tin – truyền thông. Từ vùng đô thị, đến các bản làng, khu vực nông thôn, miền núi, từ già đến trẻ, ai cũng mong muốn được xem truyền hình, được nghe đài phát thanh, được sử dụng điện thoại di động, được kết nối internet. Đó là nhu cầu chính đáng, là điều kiện cần thiết để kết nối, giao lưu với xã hội, để nâng cao nhận thức, dân trí.

 

Thách thức khác không hề nhỏ là sự lấn át của chương trình phát thanh dân tộc của các thế lực thù địch phản động bằng nhiều hình thức, với kỹ thuật hiện đại, thủ đoạn tinh vi.

 

Thực trạng của kết quả thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển thông tin – truyền thông hiện nay như thế nào?

 

Bên cạnh những cố gắng, kết quả đã đạt được thời gian qua, việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện chương trình phát thanh tiếng dân tộc thiểu số vẫn còn những tồn tại, hạn chế: về mô hình tổ chức và tổ chức xây dựng chương trình phát thanh – truyền hình từ trung ương đến các cơ quan thường trú địa phương; về dung lượng, thời lượng phát sóng tiếng dân tộc, đặc biệt về nội dung, kết cấu chương trình, ngôn ngữ phát thanh – truyền hình tiếng dân tộc chưa thật sự phù hợp, hiệu quả; nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát thanh – truyền hình tiếng dân tộc vừa thiếu, vừa chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; hệ thống trang thiết bị kỹ thuật truyền dẫn, phát sóng chưa bảo đảm giải quyết được các khó khăn về địa hình, thời tiết của vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, vùng cao… Đây là những khó khăn không hề nhỏ, không dễ khắc phục, cần cả thời gian và quyết tâm chính trị cao, đầu tư lớn của Nhà nước, xã hội và ngành Thông tin – truyền thông.

 

Hiện tại, ở một số vùng sâu, vùng xa, đặc biệt tại các địa bàn 16 dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống, thực trạng thiếu thông tin, thậm chí không có điều kiện tiếp cận thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước qua các kênh phát thanh, truyền hình, báo in, báo mạng… đang diễn ra. Theo thống kê, khoảng 15-20% dân số chưa được tiếp cận sóng phát thanh, truyền hình. Và theo tiêu chí nghèo đa chiều, việc thiếu thông tin, không được tiếp cận đầy đủ thông tin, chính là nguyên nhân nghèo, đói. Điều này chúng ta có thể thấy rất rõ trong kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo gần đây tại vùng dân tộc thiểu số, nhất là địa bàn vùng núi cao, các dân tộc thiểu số rất ít người. Như vậy, cùng với việc thiếu lương thực, thiếu thu nhập, thiếu thông tin đã và sẽ là một trong các nguyên nhân nghèo, đói của đồng bào; kinh tế - xã hội chậm phát triển, an ninh – chính trị mất ổn định…

 

Về định hướng, mục tiêu Chương trình phát thanh tiếng dân tộc thiểu số của Đài TNVN, Hội đồng Dân tộc xin trao đổi một số nội dung:

 

Thứ nhất, quan tâm đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, tăng diện phủ sóng và chất lượng phát thanh tiếng Việt trên toàn lãnh thổ Việt Nam; ưu tiên tăng các chương trình phát thanh bằng tiếng Việt phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số; tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa bàn vùng miền núi, dân tộc thiểu số; phản ánh toàn diện, kịp thời đời sống, kinh tế, xã hội của đồng bào các dân tộc; thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, cùng phát triển; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số.

 

Thứ hai, quan tâm xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển phát thanh – truyền hình tiếng dân tộc với các mục tiêu trung hạn, ngắn hạn phù hợp nhu cầu, yêu cầu của ngành và nhu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số.

 

Thứ ba, quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thiết bị kỹ thuật, đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực để thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức sản xuất, biên tập, phát sóng tại Đài TNVN và các chương trình phát thanh – truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số ở khu vực, địa phương.

 

Thứ tư, tích cực phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để xác định số lượng chương trình phát thanh – truyền hình tiếng dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số rất ít người.

 

Hội đồng Dân tộc sẽ đồng hành, phối hợp cùng Đài TNVN và các cơ quan liên quan để thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm này.

 

 

 

 

(* Tiêu đề do VOV4.VN đặt)

 

 


 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC