Lãng phí công trình nước sinh hoạt tại Quảng Nam
Thứ năm, 00:00, 01/09/2016

(VOV) - Hàng trăm công trình nước sinh hoạt được Nhà nước đầu tư nhiều tỷ đồng, chỉ sau một thời gian ngắn đã xuống cấp, hư hỏng, bỏ hoang. Sống gần công trình nước sạch nhưng nhiều người dân miền núi tỉnh Quảng Nam vẫn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt.

 

Những bể nước sinh hoạt được đầu tư hàng trăm triệu đồng nằm ngay trong khu dân cư, nhưng ngày ngày ông Hồ Văn De và nhiều người dân tộc Bnoong (một nhánh của dân tộc Giẻ triêng), ở thôn 2, xã Phước Năng, huyện Phước Sơn, vẫn phải đi bộ hàng cây số lấy nước về ăn uống, tắm giặt. Ông De cho biết cách đây khoảng 10 năm, Nhà nước đầu tư xây dựng cho mỗi thôn 3 bể nước sinh hoạt. Khi công trình vừa hoàn thành, bàn giao cho thôn quản lý đã thấy hư hỏng, bỏ hoang từ đó đến nay.

 

Ông De bức xúc vì ở ngay cạnh bể nướcmà người dân vẫn phải sống trong cảnh thiếu nước: “Nói cho đúng là thế này, khi họ đang thi công, đang làm thì nước dẫn về nhiều nhưng khi họ làm xong về không hiểu sao nước cũng chảy theo về luôn. Đường ống thì không hư nhưng mà tự nhiên tắt nước, không biết như thế nào. Thôn ni có 3 bể nước mà không sử dụng được”.

 

Hệ thống nước sinh hoạt bị hư hỏng, người dân không sử dụng được

 

Sau nhiều năm chờ đợi chính quyền sửa chữa, nhiều người tự bỏ ra hàng triệu đồng thuê nhân công đào giếng tìm nguồn nước sạch. Anh Hồ Văn Rô cho hay giếng ở khu vực này phải đào sâu 9-10 mét mới có nước, nhưng cứ đào đến nơi thì lại sập. Mấy năm nay anh Rô thuê người đào giếng ở nhiều nơi đều không có nước, phải đi xa lấy nước về dùng. Vào mùa mưa còn đỡ, đến mùa khô, phải dậy từ 3, 4 giờ sáng, lội bộ cả cây số lên núi xếp hàng, may ra lấy được 2 can nước mang về dùng. Anh Rô than thở hôm nào đi muộn, đành trở về tay không.

 

Những năm qua, từ nguồn vốn của Chương trình 135, 30a và các chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, huyện Phước Sơn đầu tư xây dựng 42 công trình nước sinh hoạt tập trung tại 10 xã. Đến nay, hầu hết những công trình này đã xuống cấp, không sử dụng được. Bên cạnh đó, ở khu vực đầu nguồn, nhiều người phát rẫy trồng keo đã tác động gây thiếu hụt nguồn nước. Trước thực trạng này, huyện đã phối hợp với các xã tiến hành khảo sát các nguồn nước khác nhưng hiện rất khó, do hầu hết các nguồn nước đều đã cạn kiệt.

 

Bể chứa nước sinh hoạt bị hư hỏng

 

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết: “Huyện đang chỉ đạo các ngành tiếp tục rà soát cung cấp nguồn nước cho nhân dân. Thứ 2 là cũng vận động nhân dân đào giếng. Địa hình cao nên việc đào giếng 15, 20 mét rất phức tạp. Về phía huyện cũng sẽ hỗ trợ một phần kinh phí còn nhân dân đóng góp ngày công. Hàng năm huyện cũng bỏ ra 200 triệu đồng để hỗ trợ cung cấp nước cho nhân dân”.

 

Quảng Nam hiện có khoảng 400 công trình nước sinh hoạt, kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Hiện, số công trình phát huy hiệu quả rất ít, phần lớn đã xuống cấp. Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, chủ quan có, khách quan có. Thực tế nguồn kinh phí xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt còn hạn hẹp, trong khi người dân nông thôn, miền núi sống phân tán nên việc đầu tư trực tiếp cho cộng đồng hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dân. Về cơ chế quản lý, vận hành sau khi đầu tư còn quá lỏng lẻo, bất cập, cộng đồng hay tổ chức Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý hiện vẫn chưa rõ ràng. Vì thế, nhiều công trình mới xây dựng xong đã xuống cấp nghiêm trọng hoặc hư hỏng không sử dụng được. Cuối năm ngoái, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua cơ chế về cấp nước sạch khu vực đô thị và nông thôn.

 

Ông Lê Trí Thanh khẳng định UBND tỉnh vừa ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng các công trình nước sạch: “Theo cơ chế này phân ra làm 5 vùng. Mức hỗ trợ cao nhất là 50 triệu khu vực 1 và khu vực 5 là 25 triệu đồng. Đây là hình thức hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng sẽ cùng tham  gia quản lý. Với những công trình đã được đầu tư nhưng hiệu quả kém, phải nâng cấp cải tạo trở lại để đảm bảo cấp nước hợp vệ sinh, nước sạch cho người dân khu vực nông thôn, miền núi. Thứ 2 là nghiên cứu cơ chế phân cấp quản lý hiệu quả hơn”.

 

 

Minh Hoa/VOV-miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC