Người dân tộc thiểu số đói nghèo một phần do “đói thông tin” *
Thứ hai, 00:00, 12/06/2017
VOV4.VN – Vì sao phải phát thanh tiếng dân tộc? Theo ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, với đặc điểm nước ta có 53 dân tộc thiểu số, “một bộ phận không biết tiếng Việt, do vậy phải phát thanh tiếng dân tộc để họ nghe, hiểu, tiếp cận với chủ trương của Đảng và Nhà nước; giữ gìn tiếng nói, chữ viết, văn hóa; làm đa dạng không gian giao tiếp, tăng cường giao lưu…”.
VOV4.VN trân trọng trích phát biểu của ông Đỗ Văn Chiến tại Hội thảo “Định hướng phát triển tiếng dân tộc thiểu số trên sóng Đài TNVN” (5/2017).

 

Nước ta có 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, hơn 13,6 triệu người, chiếm hơn 14% dân số cả nước, sinh sống thành cộng đồng ở 52 tỉnh, thành phố, 458 huyện, 5.266 xã, trong đó có gần 10 triệu đồng bào sinh sống ở vùng biên giới, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

 

Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi không ngừng phát triển, nhiều chính sách dân tộc đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

 

Tuy vậy, hiện nay vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là nơi khó khăn nhất, lõi nghèo của cả nước (tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao gấp hơn 3 lần so với mức bình quân chung của cả nước). Tỷ lệ hộ nghèo cao, thiên tai, dịch bệnh; thiếu việc làm, thu nhập thấp; tỷ lệ trẻ em bỏ học cao… vẫn đang là thách thức lớn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, do địa hình chia cắt, núi non hiểm trở, do mặt bằng dân trí thấp, do hạn chế về nguồn lực đầu tư… trong đó có yếu tố do “đói thông tin”.

 

Trong những năm gần đây, Đài TNVN, cơ quan truyền thông đa phương tiện với Hệ Thời sự - chính trị tổng hợp VOV1, kênh đối ngoại VOV5, kênh phát thanh chuyên biệt tiếng dân tộc VOV4 đã góp phần quan trọng chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào. Theo đánh giá của chúng tôi, với thực trạng đời sống, tập quán, dân trí như hiện nay thì kênh phát thanh của Đài TNVN thực sự có ưu thế. Có thể một bộ phận người dân tộc thiểu số chưa đọc thông viết thạo, nhưng chắc chắn ai cũng biết nghe, chưa sõi tiếng Việt, thì nghe tiếng dân tộc.

 

Nhận thức như vậy, Ủy ban Dân tộc đã chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng đồng ý chủ trương cho lập đề án thí điểm tiến tới cấp phát đài cho bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát thực tế ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây duyên hải miền Trung, lắng nghe tiếng nói của bà con từ cơ sở, trao đổi với các nhà chuyên môn để đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật.

 

Chúng tôi tiếp tục đánh giá cao vai trò, sự cần thiết và hiệu quả của phát thanh dân tộc Đài TNVN đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (…) với mong muốn mở rộng thêm diện phủ sóng, làm phong phú, đa dạng các chương trình, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền.

 

 

 

(* Tiêu đề do VOV4.VN đặt)

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC