Nữ lao động di cư và những thách thức cho cuộc sống mưu sinh
Thứ ba, 00:00, 25/12/2018 Việt Phú BT CT+2 ảnh Việt Phú BT CT+2 ảnh
VOV4.VN - Trong những năm gần đây, lao động nữ di cư, đặc biệt là lao động nữ người dân tộc thiểu số về các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm đang trở nên phổ biến. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm cho mình được một cuộc sống ổn định, bởi có khá nhiều rủi ro trong hành trình mưu sinh.

 

Theo báo cáo nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam” do Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ LĐTB&XH cùng Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam vừa thực hiện cho biết: có hơn 34% gặp khó khăn về việc làm, gần 43% nữ lao động di cư gặp khó khăn về chỗ ở và khoảng 98% lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội. Điều đáng nói, lao động di cư từ những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thường thiếu thông tin, trình độ giao tiếp và năng lực chuyên môn hạn chế, nên công việc không ổn định. Họ cũng bất lợi hơn so với lao động địa phương khi chịu chi phí sinh hoạt (như điện, nước) cao hơn do chủ nhà trọ áp dụng giá điện, nước kinh doanh đối với người thuê. Do hiểu biết về quyền an sinh xã hội còn hạn chế, nên nhiều lao động nữ di cư cũng không biết cách làm thế nào để tiếp cận các quyền an sinh xã hội hay tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ để tiếp cận các quyền đó tại nơi đến, làm nảy sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng tới cộng đồng, xã hội. Nguyên nhân phụ nữ di cư thì có nhiều nhưng chủ yếu là tìm kiếm các cơ hội tốt hơn cho cuộc sống. Họ cũng muốn được trải nghiệm, muốn bứt phá khỏi cuộc sống “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Bên cạnh đó, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kéo theo đất nông nghiệp bị thu hẹp, nên phương cách cuối cùng của họ để mưu sinh là phải di cư… Thế nhưng vấn đề ở chỗ, những phụ nữ này, mà đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số không lường trước được rằng, trước mắt họ là muôn vàn khó khăn và thách thức.

 Trong căn gác trọ rộng chừng hơn 20m2, với vô số đồ đạc, quần áo treo bất cứ chỗ nào có thể, góc trong cùng là chiếc giường 1,8 m, với đồ chơi trẻ con bày bựa bộn - không gian chật hẹp ấy là nơi sinh hoạt hàng ngày của vợ chồng chị Thạch Yến Ly, người dân tộc Khơ Me và đứa con mới được 3 tuổi. Theo chồng lên quận Bình Tân, thành phố HCM đã được 4 năm, công việc của chị Ly chủ yếu  là làm thuê, rồi trông trẻ, mỗi tháng thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Chồng chị làm công nhân khu công nghiệp cách đó 3 cây số, thu nhập hàng tháng cũng tầm trên dưới 5 triệu. Với mức thu nhập 10 triệu, theo chị Ly, tằn tiện mới chỉ đủ trang trải cuộc sống, đó là chưa tính lúc ốm đau, không biết xoay đâu ra tiền mua thuốc.

 Trường hợp của chị Ly vẫn còn may mắn hơn rất nhiều các trường hợp nữ lao động di cư khác khi tìm được công việc phù hợp. Chị Phan Thu Hà gửi hai đứa con nhỏ cho ông bà nội ở Tuyên Quang chăm sóc để mong tìm được một công việc có mức thu nhập tốt hơn tại Hà Nội. Nhưng chị đâu biết rằng mức thu nhập so với chi phí sinh hoạt lại chênh lệch đến vậy. Mỗi lần con ốm đau thì chị phải vay mượn và trả vào tháng lương sau. Đồng tiền kiếm được cũng chẳng dễ dàng, khi mà chi phí sinh hoạt lại ngày một tăng cao.

Hoàn cảnh của chị Ly và chị Hà có sự khác nhau, nhưng khó khăn lớn nhất đối với những lao động nữ di cư không chỉ dừng lại ở chỗ tìm kiếm được việc làm, mà còn kéo theo rất nhiều cái khó khác nữa, như; tìm chỗ ở, chỗ gửi con và nhất là không được hưởng các chế độ xã hội vì không có hộ khẩu ở nơi di cư đến. 

Theo bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội, Bộ LĐTBXH, đối với những lao động di cư là nam thì cũng đã gặp nhiều khó khăn, với lao động nữ, lại là người dân tộc thiểu số, thì khó khăn còn gấp bội phần. Nhưng rào cản lớn nhất là ngôn ngữ và nhận thức khi tiếp cận các dịch vụ xã hội.

 

Cuộc hội thảo "Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam" 

 Ông Nguyễn Hữu Minh, Tổng biên tập Tạp chí nghiên cứu gia đình và giới, thuộc Viện nghiên cứu gia đình và giới, cho biết: việc nghiên cứu tìm giải pháp cho vấn đề an sinh đối với nữ lao động di cư là việc làm cần thiết để làm sao họ nói lên được tiếng nói của chính mình. Bởi hiện nay lao động nữ di cư còn gặp khó trong vấn đề hộ khẩu và trách nhiệm của doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội giúp cho lao động nữ nói chung tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam nhấn mạnh, cơ quan này hỗ trợ thực hiện nghiên cứu về bảo đảm quyền an sinh xã hội với lao động nữ di cư xuất phát từ thực tế. Bởi hiện nay, số lao động đổ về các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất vùng miền rất lớn, đặc biệt là lao động nữ. Vấn đề tiếp cận quyền an sinh xã hội của lao động nữ cũng rất quan trọng.

Trong một cuộc hội thảo mới đây, bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội, Bộ LĐTBXH cho rằng, với vai trò và trách nhiệm của mình, để lao động nữ di cư nắm bắt được những chế độ chính sách thì việc tuyên truyền là cần thiết. 

 

Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội, Bộ LĐTBXH phát biểu tại Hội thảo.

 Chia sẻ những kinh nghiệm và bài học về cách thức quản lý lao động di cư giữa Việt Nam và Sri Lanka,Saranya Hasathi Urgodawatt Dissanayke - đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam cho rằng: đây thực sự là một vấn đề cấp thiết đối với lao động người Việt, bởi ở Sri Lanka thì dịch vụ an sinh tương đối, nên không ảnh hưởng nhiều đến lao động di cư, đặc biệt là phụ nữ. Bà đại sứ cũng đưa ra những giải pháp hữu ích đối với nữ lao động ở Việt Nam như khuyến khích người dân ở lại quê hương hoặc có thể đàm phán với các nước đối tác giúp đỡ và hỗ trợ người dân di cư Việt Nam được hưởng các chính sách tốt nhất./.

Việt Phú/VOV4

Việt Phú BT CT+2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC