Phải thay đổi cách làm chính sách để đầu tư cho vùng DTTS
Thứ năm, 00:00, 27/10/2016 Nhung - CT Nhung - CT

(VOV4) - Kết quả điều tra về thực trạng đời sống, kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số cho thấy thu nhập bình quân của một hộ dân tộc thiểu số chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/tháng. Trong khi riêng trong năm 2016 này, số tiền đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số đã lên tới hơn 7.500 tỷ đồng. Vì sao hiệu quả xóa đói giảm nghèo chưa cao?

 

Đầu tư còn dàn trải. Cứ làm chính sách trước mà chưa tính đến nguồn vốn ngân sách có bố trí được không. Đó là hai điểm yếu làm hạn chế hiệu quả của chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian vừa qua.

 

Ông  Y Khút  Niê, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Lắc, kiến nghị: “Tôi đề nghị trước khi làm chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, phải căn cứ được nguồn vốn trước đã. Có đáp ứng được khả năng 80-90 % thì mới làm chính sách. Khi làm chính sách thì nên thu hẹp đối tượng để đầu tư trọng tâm trọng điểm”.

 

Lý giải tình trạng đầu tư dàn trải, ông Tống Thanh Bình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, cho rằng đó là do chúng ta chưa có nguyên tắc và tiêu chí ưu tiên đầu tư. Ông nêu ví dụ từ thực tế chậm nguồn vốn đầu tư cho dự án phát triển kinh tế xã hội vùng các dân tộc Mảng, Cống, La Hủ và Cờ lao, nên dân chưa thật tin vào chính sách này: “Chương trình đầu tư cho 4 dân tộc ở Lai Châu, Hà Giang và Điện Biên. Đề án được phê duyệt từ năm 2010 mà đến 2013 mới có tiền đầu tư”. 

 

Cải cách thủ tục hành chính để thực hiện tốt hơn chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc là chuyện chưa bao giờ thôi nóng.  Ảnh minh họa: baomoi.com

 

 

Các chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trước đây là 13, nay rút gọn còn 10 chương trình. Nhưng đây chỉ là những chương trình do Ủy ban Dân tộc triển khai. Còn những chính sách cho vùng dân tộc mà các bộ, ngành khác triển khai, thì theo đánh giá của bà Phương Thị Thanh, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn, Ủy ban Dân tộc chưa hoặc là không nắm được. Mà không cập nhật được tổng thể các dự án đang đầu tư, nên Ủy ban Dân tộc khó có thể tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định được những chính sách mang tầm chiến lược, sát với thực tiễn trong giai đoạn tiếp theo. 

 

Ông Lê Sơn Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, thừa nhận những hạn chế vừa nêu trong việc thực hiện các chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc. Qua khảo sát thực tế, ông cũng chỉ ra điểm nghẽn trong việc thực hiện các chính sách này nằm ngay ở những mắt xích không ai ngờ tới:

 

“Có những điểm nghẽn chính sách mà chỉ do một số cá nhân cấp vụ, cấp chuyên viên làm nghẽn. Chính sách rất tốt, nhưng nhận thức chưa đúng về cơ chế chính sách. Đây là một điểm yếu của công tác dân tộc. Chúng ta chưa có luật nên hiệu lực pháp lý của những quyết định của thủ tướng bao giờ cũng bị xếp sau. Nếu có luật, thể chế hóa được những chính sách này, thì bố trí ngân sách sẽ khác”.

 

Trong khi tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước là 7% thì vùng đồng bào dân tộc là 23%. Các tỉnh Điện Biên,Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, tỷ lệ này dao động từ hơn 40-48%. Một số dân tộc rất ít người, như La Hủ, tỷ lệ này tới 84%.

 

Trung tướng Vi Văn Long, Phó Tổng cục trưởng tổng cục an ninh - Bộ Công an, dẫn câu chuyện về sự bất cập trong thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo bằng một câu chuyện từ nhiều thôn bản:“Ở nhiều thôn bản, việc bình chọn hộ thực sự nghèo tưởng dễ mà lại khó. Khi đưa ra bỏ phiếu ở các cuộc họp thôn bản, thì các dòng họ có đông người họ bỏ cho các hộ trong dòng họ mình. Những người nghèo thực sự mà ít anh em họ hàng thì không bao giờ được lọt vào danh sách này để hưởng các chế độ chính sách”. 

 

Cấp,đổi sổ hộ khẩu cho bà con vùng cao. Ảnh: baomoi.com

 

Hay như câu chuyện cấp, đổi sổ hộ khẩu cho bà con. Căn cứ vào sổ hộ khẩu, các hộ nghèo được hưởng chế độ chính sách theo đầu người. Nhưng muốn làm mới hoặc tách sổ hộ khẩu, yêu cầu đầu tiên là phải có giấy khai sinh. Trong khi đó, bà con ở những vùng thường xảy ra thiên tai lũ lụt, hoặc du canh du cư, hoặc tái định cư, thì việc giữ gìn được giấy khai sinh để có căn cứ làm mới hoặc tách hộ khẩu “khó như lên trời”.

 

Ông Y khút Niê cho biết: “Người 30, 40 tuổi thì giấy khai sinh đa số bị thất lạc. Người 60,70 tuổi thì lại càng không giữ được. Người ta đưa chứng minh nhân dân thì không chấp nhận, phải đòi giấy  khai sinh cơ, nên rất phiền hà”.


Còn những thủ tục hành chính để tiền đầu tư về đến địa phương đúng hạn, rồi các thủ tục liên quan đến phân cấp quản lý, hiện cũng rất phức tạp.Nếu không đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nói chung, trong đó có việc đẩy mạnh phân cấp đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thì chính thủ tục hành chính lại thêm một rảo cản, làm giảm hiệu quả đầu tư. 

Để khắc phục điều này, bà Phương Thị Thanh, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn, cho rằng phải đẩy mạnh phân cấp.Thước đo hiệu quả của chính sách, chính xác nhất, chính là mâm cơm hàng ngày của mỗi người dân. Vậy nên nói rằng con số điều tra mới đây về tỷ lệ hộ nghèo và mức thu nhập bình quân trong các gia đình ở vùng dân tộc thiểu số là một con số biết gây sức ép, cũng có lý. 

 

Ủy ban Dân tộc đã nhìn nhận rõ vấn đề này và đã đề ra hướng tháo gỡ sớm. Trước tiên là sát nhập ban chỉ đạo các chương trình xóa đói giảm nghèo lồng vào ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.Theo dự kiến, 10 chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong năm 2017 sẽ cần hơn 6.300 tỷ đồng.

 

 

Hồng Nhung/VOV4

Nhung - CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC