Yên Bái: Nâng giá trị gạo đặc sản vùng cao
Thứ tư, 00:00, 24/01/2018

VOV4.VN - Các địa phương vùng cao Yên Bái đang từng bước tìm hướng nâng cao giá trị của các cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tại Mường Lò, cánh đồng lớn thứ 2 miền Tây Bắc, nơi có những loại gạo ngon nổi tiếng cùng thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn đang xây dựng chỉ dẫn địa lý “Gạo Mường Lò” để nâng cao danh tiếng, uy tín, chất lượng, góp phần duy trì và phát triển bền vững vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao.

 

Nằm ở phía tây của tỉnh Yên Bái, cánh đồng Mường Lò rộng thứ 2 miền Tây Bắc, với diện tích gần 3.000 ha, trong đó diện tích lúa của huyện Văn Chấn 1.500 ha, thị xã Nghĩa Lộ trên 760 ha. Được thiên nhiên ưu đãi cùng với sự cần cù chịu khó, người nông dân canh tác trên cánh đồng Mường Lò đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa sản lượng lúa mỗi năm từ  30.000 đến 32.000 tấn thóc, trong đó các loại lúa đặc sản hàng hoá khoảng 10.000 tấn.  Lúa Hương chiêm và lúa Séng cù là 2 giống lúa hàng hóa chủ lực, chiếm trên 45% diện tích trên cánh đồng Mường Lò. 

Cánh đồng Mường Lò

Gạo Hương chiêm Mường Lò có hương thơm đặc biệt, hạt nhỏ thon. Gạo Séng cù màu trắng ngà, hạt to,nấu cơm lên dậy mùi thơm đặc trưng và ăn khá là mềm dẻo. Cả 2 loại gạo này đều có vị ngon ngọt, giá trị dinh dưỡng cao nên được nhiều người sành ẩm thực trong và ngoài tỉnh Yên Bái ưa chuộng.

 

Lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ hướng dẫn bà con nông dân

Trong những năm qua, nghề xay xát chế biến gạo ở thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn đã thu hút được trên 50 cơ sở, doanh nghiệp tham gia, góp phần tiêu thụ lúa cho người nông dân. Tuy nhiên chất lượng gạo không đồng đều giữa các cơ sở, do lúa nguyên liệu và quy trình chế biến và bảo quản chưa thống nhất.Các cơ sở này đều chưa sử dụng nhãn mác hoặc nhãn mác chưa được đăng ký bảo hộ; quy mô chế biến nhỏ,công nghệ lạc hậu, chưa hình thành được liên kết theo chuỗi giá trị với người trồng lúa. Gạo Mường Lò hiện được phân phối tại thị trường Hà Nội và một số tỉnh trong nước nhưng do không có dấu hiệu nhận diện,nên người tiêu dùng không thể phân biệt được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Chính vì vậy, gạo Mường Lò chưa phát huy được hết thế mạnh.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, hiện nay thị xã Nghĩa Lộ phối hợp với huyện Văn Chấn đang khẩn trương thực hiện dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý “gạo Mường Lò” cho sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò tỉnh Yên Bái”, với hai loại gạo đề nghị bảo hộ là Séng cù và Hương chiêm.

 

Người nông dân Mường Lò vui mừng vì gạo đặc sản cho giá trị cao

Thông qua việc bảo hộ thương hiệu gạo Mường Lò với hình thức chỉ dẫn địa lý, thị xã nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn sẽ có cơ chế, chính sách quản lý, quy hoạch sản xuất, kinh doanh gạo Mường Lò chặt chẽ, hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao danh tiếng, uy tín, chất lượng của gạo Mường Lò, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đưa ngành nông nghiệp thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn phát triển bền vững.

Đến thời điểm này, thị xã Nghĩa Lộ đã phối hợp với huyện Văn Chấn hoàn thiện việc Điều tra, khảo sát vùng gạo và đánh giá sơ bộ về uy tín, giá trị kinh tế - xã hội của “Gạo Mường Lò” đồng thời quy hoạch các vùng sản xuất lúa phù hợp với đặc điểm từng vùng và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các mặt hàng cụ thể… Sau khi Nhà nước bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với gạo sản phẩm gạo Séng Cù và gạo Hương Chiêm, UBND thị xã Nghĩa Lộ sẽ phối hợp với UBND huyện Văn Chấn quy hoạch, mở rộng diện tích gieo trồng hai giống lúa này, phấn đấu đạt khoảng 12.000 – 15.000 tấn mỗi năm. 

 

 

Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc

 

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC