DẤU ẤN PHÁT THANH DÂN TỘC TRONG LIÊN HOAN PHÁT THANH TOÀN QUỐC LẦN THỨ XVI NĂM 2024
Thứ bảy, 08:12, 20/07/2024 Thu Hoà Thu Hoà
VOV4.VOV.VN: Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 16 năm 2024, do Đài TNVN phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức đã kết thúc, nhưng dư âm của Liên hoan còn đọng lại. 380 tác phẩm tham gia liên hoan thuộc 6 thể loại: phóng sự, chương trình chuyên đề, phỏng vấn, chương trình phát thanh tiếng Dân tộc, câu chuyện truyền thanh và chương trình Phát thanh trực tiếp. Trong đó, các tác phẩm về đề tài miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuy chiếm số lượng không nhiều, nhưng có sự đồng đều về chất lượng.
  • Phát thanh dân tộc trong thời kỳ chuyển đổi số

Trong số 33 tác phẩm tham gia phát thanh trực tiếp, các tác phẩm viết về đề tài DTTS và miền núi đề cập đến tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội, văn hóa- phong tục tập quán, nét đẹp cũng như hủ tục của đồng bào. Đặc biệt, những nội dung sâu sắc, các đề tài mang tính thời sự, dàn dựng công phu, có nhiều sáng tạo, được thể hiện qua hình thức mới, phù hợp với chủ đề của Liên hoan, là "Phát thanh Việt Nam - đa dạng trong chuyển đổi số".

           Để có câu chuyện hay, hấp dẫn, các nhóm thi phát thanh trực tiếp đã trăn trở, tìm cho mình góc tiếp cận mới, nhưng phải vận dụng tối đa nền tảng số, truyền thông đa phương tiện. Với chủ đề “ngăn chặn sóng ngầm tà đạo”, êkíp chương trình thi phát thanh trực tiếp của Đài PTTH tỉnh Thanh Hoá đã vượt gần 300km, có mặt tại biên giới huyện Mường Lát – nơi đây từng là điểm nóng của tà đạo. Tại đây đặt điểm cầu trực tiếp, bổ trợ cho phần thi trực tiếp tại phòng thu Đài PTTH tỉnh Thanh Hoá bằng những câu chuyện cụ thể, xác thực. Ngoài phát thanh, điểm cầu này được livestream trực tiếp trên nền tảng số như facebook; fanpage…BTV Thuỳ Dung - Đài PTTH Thanh Hoá chia sẻ: "Để có thể chuẩn bị tốt cho phần thi trực tiếp thì tôi và êkip chương trình đã có mặt tại huyện biên giới Mường Lát trước đó 1 ngày, chuẩn bị thiết bị, lên nội dung và trò chuyện với khách mời để có phần thi tốt trong liên hoan. Đây là cơ hội để chúng tôi giao lưu, gặp gỡ với các anh chị em đồng nghiệp trên toàn quốc và tác phẩm của chúng tôi đã đạt giải Đồng trong kỳ liên hoan lần này, MC của chương trình cũng đạt giải người dẫn chương trình xuất sắc".

           Lần đầu tiên dự thi ở thể loại phát thanh trực tiếp, Đài PTTH Thái Nguyên khá tự tin khi là đơn vị đầu tiên có mặt tại Thanh Hoá và được đội ngũ kỹ thuật của Đài TNVN, Đài PTTH Thanh Hoá hỗ trợ tích cực. Nhà báo Nông Thị Thu Thuỷ, Trưởng phòng Phát thanh- Đài PTTH tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi cũng có những lo âu, băn khoăn khi bắt tay thực hiện chương trình này. Nhưng khi đến đây thì chúng tôi thấy các đơn vị thực hiện, ban tổ chức đã hỗ trợ, hướng dẫn chúng tôi test kỹ thuật, có gặp khó khăn nhưng được sự hỗ trợ thì chúng tôi đã tự tin hoàn thành tốt phần thi của mình".

           33 đơn vị tham gia thi thể loại phát thanh trực tiếp, đồng thời được livestreams trên các nền tảng truyền thông đa phương tiện đã thêm một minh chứng rằng: Phát thanh Việt Nam vẫn đang bắt kịp được một trong những xu thế của phát thanh thế giới, mà theo đó, phát thanh trực tiếp là phương thức phát thanh tốt nhất cho đến nay, chưa có phương thức nào ưu việt hơn thay thế nó. Hầu hết các chương trình dự thi đều được chuẩn bị kĩ lưỡng, công phu, tạo tâm thế tự tin, hứng thú với niềm vui nghề nghiệp. Và các đề tài về đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa cũng được khai thác tối đa và hiệu quả tính năng công nghệ hiện đại, đặc biệt trong việc lấy tương tác công chúng hay quảng bá chương trình qua fanpage, livestream trên facebook.

  • Những tác phẩm chân thực về đời sống người dân

Tuy số lượng tham gia không nhiều, nhưng dấu ấn những tác phẩm về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi trong Liên hoan phát thanh lần này khá rõ nét, tạo được tình cảm và sự quan tâm của đông đảo khán thính giả. Các phóng viên, biên tập viên đã trăn trở tìm đề tài, tìm nhân vật để cống hiến cho người nghe những tác phẩm chân thực nhất về cuộc sống của người dân vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Chúng tôi chọn chủ đề phát thanh trực tiếp năm nay, đó là tác phẩm “Nước mắt của điều”. Đây là một vấn đề rất nóng, rất thời sự của Bình Phước trong thời gian vừa qua, Bình Phước được mệnh danh là thủ phủ của cả nước nhưng thời gian qua, bà con chặt bỏ cây điều rất nhiều để thay thế một số cây trồng khác. Nguyên nhân vì sao, giải pháp như thế nào, tất cả đều được chúng tôi giải quyết trong chương trình phát thanh trực tiếp, với một vị khách mời rất đặc biệt. Đó là một cô bé người dân tộc Châu Mạ, đã có 3 đời gắn bó với cây điều và cây điều đã trở thành linh hồn của cuộc sống, của gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước…”. Đó là chia sẻ của nhà báo Thanh Nhàn – Phó Trưởng phòng Thư ký Biên tập- Đài PTTH & Báo Bình Phước về đề tài “Nước mắt của điều”, mà ekip của chị đã chọn thực hiện trong vòng thi trực tiếp.

           “Sập bẫy” mạng – một vấn đề không mới nhưng khó ngăn chặn. Mỗi ngày trôi qua lại có thêm nhiều phận đời khốn khổ khi trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo qua mạng. Việc này càng trở nên nhức nhối với người dân miền núi, đồng bào còn hạn chế về kiến thức và khó khăn về kinh tế. Ban Dân tộc (VOV4) Đài TNVN đã chọn câu chuyện của chị Ma Thị Nhì ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang để truyền thông đến mọi người, qua phần thi phát thanh trực tiếp. Nhà báo Thanh Tâm, người đề xuất ý tưởng cho nhóm triển khai thực hiện đề tài này cho biết: “Xác định giá trị nhân văn của câu chuyện, với mong muốn lan toả, như là lời cảnh tỉnh đối với người dân, ê kíp thực hiện chương trình đã lên kế hoạch đưa nhân vật từ tỉnh Tuyên Quang về Thanh Hoá tham gia chương trình phát thanh trực tiếp của mình”. Bà Ma Thị Nhì, một nạn nhân bị lừa đảo trên mạng, ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang chia sẻ thêm: "Tôi muốn câu chuyện của mình đến với khán thính giả có bài học kinh nghiệm, khuyến cáo mọi người đừng tin tưởng những lời dụ dỗ trên mạng, để rồi gửi tiền cho tội phạm lừa đảo".

           Trong thời gian ngắn, ekip thực hiện tác phẩm của VOV4 gấp rút làm quen với môi trường, không khí làm việc, chạy thử kỹ thuật cũng như vấn đề liên kết giữa các khâu trong tổ chức sản xuất, để có thể mang đến chương trình phát thanh trực tiếp đạt được chất lượng, hiệu ứng tốt nhất.

  • Giấc mơ trồng rừng gỗ lớn

Với các tác phẩm về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi dự thi Liên hoan Phát thanh toàn quốc, hy vọng không đặt quá nhiều ở giải thưởng, mà các phóng viên, biên tập viên mong muốn chính quyền các cấp cùng đội ngũ người làm báo, chung sức chung lòng xây dựng vùng DTTS và miền núi ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Chọn những trăn trở về phát triển cây công nghiệp phục vụ đời sống bà con nông dân, Đài PTTH Tuyên Quang thực hiện chương trình trực tiếp “Giấc mơ trồng rừng gỗ lớn” tham gia Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 16. Hiện Tuyên Quang đã trở thành địa phương đứng thứ 3 cả nước về độ che phủ rừng, với độ che phủ rừng đạt hơn 65%, diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu là trên 140.000 ha. Hàng năm tổng sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt trên 900.000m3. Giai đoạn 2021 - 2025, Tuyên Quang phấn đấu phát triển diện tích rừng gỗ lớn đạt trên 89.000ha.

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Có thể nói là vai trò của báo chí trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng. Bởi vì thông qua các hoạt động tuyên truyền cũng như tham gia vào các cuộc thi như vậy là một hình thức tuyên truyền rất phong phú và nó dễ tiếp cận đối với mọi người dân. Khi người ta tiếp cận ở mọi góc độ, đặc biệt là thông qua các kênh truyền hình hoặc báo nói, báo viết của các cơ quan truyền thông thì sẽ giúp cho việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong công tác tham gia và phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế lâm nghiệp và công tác quản lý, bảo vệ rừng”.

Thu Hoà

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC