Phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ
Thứ hai, 13:34, 23/09/2024 Thu Hòa + nhóm PV TT Tây Bắc Thu Hòa + nhóm PV TT Tây Bắc
VOV4.VOV.VN: Cơn bão số 3 cùng với một loạt các hậu quả tiếp theo như lũ quét, mưa lớn, sạt lở đất đã gây những thiệt hại nặng nề ở các tỉnh phía Bắc. Lúc này, bên cạnh các giải pháp khắc phục thiệt hại về người và tài sản, người dân ở các địa phương còn phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ, ngập lụt. Hiện ngành y tế từ TƯ đến địa phương đang tăng cường các giải pháp kiểm soát, phòng chống dịch, quyết không để dịch bệnh bùng phát, đảm bảo sức khỏe cho người dân vùng lũ.

Theo Cục Y tế dự phòng, sau mưa bão, lũ lụt, rất nhiều vi sinh vật, chất thải trôi theo dòng nước gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus và vật trung gian truyền bệnh sinh sôi, gây dịch bệnh cho người như: Sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa, cảm cúm, đau mắt đỏ...

PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, nhiều ngày đối chọi với bão lũ, sức khỏe của người dân cũng bị giảm sút nên sức đề kháng cũng giảm nếu dịch bệnh có thể xảy ra.

Trong các đợt mưa bão vừa qua, Sơn La có 8/12  huyện, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề bởi ngập úng, sạt lở. Ngành Y tế Sơn La đã hướng dẫn bà con ở các điểm bị ngập lụt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức phun và hướng dẫn người dân phun hóa chất diệt khuẩn, diệt côn trùng diện rộng cho trên 2.200 hộ; hướng dẫn người dân khi thời tiết ổn định thì thau rửa các giếng đào, xử lý nước sinh hoạt bằng hóa chất trước khi sử dụng. Và tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con vùng lũ. Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Sơn La cho hay: "Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, vật tư, thuốc, hóa chất để trong tình huống bị chia cắt sẽ có thể chủ động việc chăm sóc sức khỏe cho người dân tại khu vực mưa lũ. Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, diễn biến của thời tiết để có giải pháp ứng phó kịp thời; bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, của tỉnh, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng đáp ứng khi xảy ra mưa lũ".

# Qua rà soát của ngành y tế tỉnh Lào Cai, trên địa bàn có gần 16.000 hộ dân bị ảnh hưởng do mưa lũ. Ông Lê Việt Đông - Phó Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Phố Lu cho biết: "Sau khi nước rút, chúng tôi cũng đã cử cán bộ phụ trách từng thôn, tổ dân phố xuống tận nơi để hướng dẫn người dân pha hóa chất khử khuẩn trong nhà cũng như các dụng cụ trong gia đình để đảm bảo vệ sinh và đảm bảo an toàn thực phẩm".

Theo ông Đoàn Đức Hoàng, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Bảo Thắng, huyện có gần 900 hộ và nhiều khu vực bị ngập nước. Sau khi lũ rút, đội ngũ cán bộ y tế đã xuống cơ sở hướng dẫn chi tiết từ công tác vệ sinh, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh, diệt bọ gậy đến các biện pháp khử khuẩn. "Trung tâm cũng tăng cường công tác khử khuẩn đối với các nguồn nước. Đặc biệt là những điểm cấp nước tập trung để làm sao đảm bảo nước sinh hoạt, nước uống cho bà con. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân những biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm sau mưa lũ"- ông Hoàng nói.

Ông Phạm Văn Vũ, cán bộ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lào Cai cho biết, việc tổ chức giám sát dịch bệnh, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm đã được ngành y tế triển khai, trên tinh thần phát hiện kịp thời, xử lý triệt để, không để dịch bệnh hay ngộ độc thực phẩm xảy ra. "Người dân cần đảm bảo nguồn nước, xử lý xác những động vật chết, xử lý rác thải sinh hoạt, ngoài ra còn cần phòng các bệnh đau mắt đỏ, bệnh về da hay bệnh tả lỵ"- ông Vũ nói.

Nhằm hỗ trợ các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả mưa lũ, 67 y, bác sĩ của tỉnh Bình Định đã tình nguyện lên đường ra Bắc hỗ trợ y tế cho các tỉnh Yên Bái, Thái Nguyên. 2 đoàn công tác của tỉnh Bình Định mang theo 700kg thuốc diệt khuẩn Chloramin B bột, 20 cơ số thuốc phòng chống lụt bão cùng 4.000 túi thuốc gia đình. Các đoàn công tác sẽ phối hợp với lực lượng y tế của địa phương bị thiên tai tập trung xử lý môi trường, khử khuẩn nước, phòng chống dịch bệnh, giúp dân sớm ổn định cuộc sống.

Trước nguy cơ dịch bệnh sau lũ lụt, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của bão lũ, đề nghị tổ chức chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong và sau bão lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để những ổ dịch bệnh truyền nhiễm. Ngành y tế các tỉnh, thành cần khẩn trương cung ứng đủ thuốc, phục vụ việc phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán và điều trị bệnh sau bão lũ. Bộ Y tế cũng đã quyết định xuất cấp từ kho hàng phòng chống thiên tai cho Sở Y tế tỉnh Sơn La 3.000 thùng Cloramin B với tổng số 75.000kg để khử khuẩn nguồn nước. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ cho 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai.

Ngày 14/9 vừa qua, đoàn cứu trợ của BV Hữu nghị Việt Đức do PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc BV làm trưởng đoàn cùng hàng chục y bác sỹ đầu ngành thuộc các chuyên khoa chấn thương, thần kinh, hồi sức… đã trực tiếp có mặt tại Lào Cai nhằm hỗ trợ y tế cho 3 bệnh viện, người bệnh và nhân viên y tế bị thiệt hại do mưa bão. Tại đây, đoàn cứu trợ đã trao gần 100 đơn vị máu cùng 1 tỷ đồng hỗ trợ BV Đa khoa tỉnh Lào Cai, BV Đa khoa huyện Bảo Yên và BV Đa khoa huyện Bảo Thắng. Các bác sỹ trong đoàn đã giúp cơ sở y tế tuyến dưới thực hiện công tác chuyên môn, phân loại tổn thương, xử lý những ca bệnh khó, đồng thời cấp cứu, hội chẩn, thăm khám và động viên người bệnh. Bên cạnh đó, BV Hữu nghị Việt Đức cũng đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho gia đình của nhân viên y tế bị lũ cuốn khi đi làm nhiệm vụ, làm việc tại trạm y tế Tả Củ Tỷ - huyện Bắc Hà – Lào Cai.

Trước đó, tập thể cán bộ, viên chức, người lao động của BV Hữu nghị Việt Đức đã tham gia chương trình hiến máu nhân đạo “Blouse trắng – Trái tim hồng” ủng hộ đồng bào đang cần gấp nguồn máu cứu trợ. Mỗi giọt máu sẻ chia tiếp thêm hy vọng sống cho người bệnh sau những thiệt hại lớn về người và của tại Lào Cai.

Thu Hòa + nhóm PV TT Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC