Điều tra thông tin 53 dân tộc thiểu số- Cơ sở quan trọng cho công tác dân tộc
Thứ ba, 13:23, 02/07/2024 Thu Hoà Thu Hoà
VOV4.VOV.VN:   Năm nay, Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số. Đây là lần thứ 3, hai cơ quan này tổ chức điều tra, để thu thập thông tin tại 54 tỉnh, thành  về dân số, nhà ở, hôn nhân, y tế, giáo dục, điều kiện sống vv…về công tác dân tộc;  phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 - 2030; đồng thời, làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

    

           Ngày 1/7, tại huyện Đà Bắc- tỉnh Hoà Bình, Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức Lễ ra quân triển khai thu thập thông tin điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số trên phạm vi cả nước. Đây là cuộc Điều tra lần thứ 3, nhằm thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS. Hai cuộc điều tra trước đó được thực hiện vào năm 2015 và năm 2019. Kết quả của cuộc điều tra lần này là căn cứ quan trọng để xây dựng chính sách phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030.

  • CUỘC ĐIÊU TRA CÓ Ý NGHĨA QUAN TRỌNG VỚI CÔNG TÁC DÂN TỘC

           Cuộc điều tra 53 DTTS lần này có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở, hôn nhân, y tế, giáo dục, điều kiện sống... để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc, phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển KTXH cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026-2030; làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

           Việc Điều tra thu thập thông tin sẽ thực hiện tại địa bàn 54 tỉnh, thành trực thuộc trung ương, thời gian trong vòng một tháng rưỡi, kể từ ngày 1/7 đến 15/8/2024. Bao gồm 51 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi và 3 tỉnh, thành phố có các xã/phường/thị trấn có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống là TPHCM, Long An và Hà Tĩnh).

   Các điều tra viên sẽ đến từng hộ để thu thập các thông tin về: Nhân khẩu học của dân số; giáo dục; di cư; hôn nhân; sử dụng bảo hiểm y tế; việc làm; lịch sử sinh và tình hình sử dụng biện pháp tránh thai của nữ từ 10-49 tuổi và các thông tin về người chết; nhà ở và điều kiện sinh hoạt; đất ở, đất sản xuất; một số loại gia súc chủ yếu; tình hình tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ.

           Nội dung điều tra đối với UBND xã gồm các thông tin về: Đặc điểm của xã; sử dụng điện, đường, giao thông; trường học và trình độ giáo viên; nhà văn hóa; y tế và vệ sinh môi trường; chợ; trình độ của cán bộ, công chức cấp xã; tôn giáo, tín ngưỡng; mức độ phủ sóng điện thoại và internet.

           Tiêu chí xác định địa bàn điều tra 53 DTTS năm 2024 đã thay đổi so với trước đây. Theo đó, quy định là địa bàn có số lượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống chiếm từ 15% trở lên so với tổng số dân của địa bàn, thay vì 30% như các cuộc điều tra trước. 

            Tại lễ ra quân, Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh: “Đây là hệ thống cơ sở dữ liệu hết sức quan trọng để chúng ta hoạch định chính sách đúng và trúng, đưa xuống bà con nhân dân để đảm bảo các chính sách của chúng ta không bị chồng chéo, không có hiệu quả. Chúng tôi đánh giá rất cao về hệ thống thông tin số liệu này, để các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng các chủ trương, chính sách cũng như ban hành chính sách của địa phương. Và hệ thống thông tin, dữ liệu về kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng chính là cơ sở để chúng ta có những chính sách cụ thể đối với từng vùng, từng địa phương và từng nhóm dân tộc, để có những chính sách phù hợp. Tôi cho rằng việc điều tra thông tin số liệu về kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là việc làm hết sức thiết thực”.

           Kết quả cuộc điều tra lần này sẽ bàn giao cho Ủy ban Dân tộc vào tháng 4/2025 và được công bố vào khoảng thời gian tháng 5 - 7/2025.

        Việc tổ chức thành công Lễ ra quân Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 tại Hòa Bình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tuyên truyền để các hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiểu được mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra; từ đó tích cực phối hợp với các điều tra viên thống kê để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời. Đồng thời, Lễ ra quân còn giúp các cấp lãnh đạo và toàn hệ thống chính trị trong tỉnh hiểu được tầm quan trọng của cuộc điều tra, qua đó chỉ đạo thực hiện tốt cuộc điều tra tại địa phương.

  • LỰC LƯỢNG NGƯỜI UY TÍN ĐÓNG VAI TRÒ QUAN TRỌNG TRONG TUYÊN TRUYỀN VỀ CUỘC ĐIỀU TRA

            Tham dự lễ ra quân, các đại biểu đều nhận định, giai đoạn thu thập thông tin tại địa bàn là cực kỳ quan trọng, việc thu thập được thông tin phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng dân số và nhà ở sẽ giúp cho Đảng, Nhà nước xây dựng được những kế hoạch, chiến lược đúng đắn, xây dựng nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước và vùng dân tộc thiểu số.

        “Tôi hy vọng cuộc điều tra lần này sẽ tiếp tục đưa ra những thông tin, dữ liệu chất lượng để Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoạch định chiến lược, chính sách dân tộc trong thời gian tới; từng bước khắc phục, giải quyết những khó khăn đồng thời phát huy mạnh mẽ hơn tiềm năng, thế mạnh của cộng đồng các dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; tăng cường củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc. Đề nghị Ban Dân tộc của tỉnh động viên nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc tra, các điều tra viên có phương phương pháp điều tra phù hợp, tránh ồ ạt, hình thức, không máy móc và cũng không qua loa” – Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

           Là tỉnh miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 73% dân số của toàn tỉnh, trong đó có dân tộc Mường chiếm hơn 64%; hạ tầng kinh tế-xã hội, thu nhập và đời sống của số đông đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, cùng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ các nguồn lực từ chương trình mục tiêu Trung ương, tỉnh và các địa phương đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên, bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ du lịch giải quyết tăng việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc.

           Thực hiện cuộc điều tra lần này, các địa phương trong tỉnh Hoà Bình đều xác định: đây không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành Thống kê, Ban Dân tộc tỉnh mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. Đặc biệt, vai trò của già làng trưởng bản, người có uy tín được đề cao. Từ trước đó nhiều ngày, ông Triệu Phúc Xuân, người uy tín xã Tú Lý đã đến từng nhà trong thôn trò chuyện, giải thích với bà con về tầm quan trọng của cuộc điều tra thu thập thông tin, đề nghị bà con phối hợp tích cực với điều tra viên, hoàn thành công việc nhanh nhất. "Tôi có chia sẻ với bà con, cuộc điều tra này có ý nghĩa thiết thực với bà con, để Đảng và Nhà nước đề ra chính sách thiết thực, hiệu quả cho đồng bào mình, nên bà con phải có trách nhiệm kê khai thông tin đầy đủ, chính xác, giúp điều tra viên hoàn thành công việc"- ông Triệu Phúc Xuân chia sẻ.

           Với sự hỗ trợ của công nghệ số, (thu thập thông tin bằng sự trợ giúp của thiết bị điện tử di động (máy tính bảng, điện thoại thông minh), cùng sự nhiệt tình, tâm huyết trách nhiệm của các điều tra viên, già làng trưởng bản, cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã tạo nên một không khí khẩn trương, quyết tâm nỗ lực ngay từ ngày đầu ra quân.

           Đây là cuộc điều tra về thực trạng kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số nên địa bàn điều tra chủ yếu nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, dân cư phân tán, rất khó khăn cho tổ chức thống kê, từ công tác tiếp cận địa bàn, lập bảng kê hộ dân tộc thiểu số đến khâu thu thập thông tin và tổ chức giám sát điều tra. Thời gian thu thập thông tin kéo dài trong 45 ngày, do đó công tác tập huấn, tuyển chọn điều tra viên được các địa phương thực hiện kỹ lưỡng.

        Cũng chính từ sự tận tâm, nhiệt huyết của những điều tra viên nên hầu hết người dân đều hiểu rõ ý nghĩa của cuộc điều tra và tích cực cung cấp thông tin. Ông Bùi Minh Hài, dân tộc Mường ở xóm Mè, xã Tú Lý, Đà Bắc cho biết, gia đình đã được thông tin tuyên truyền về cuộc điều tra và tự nguyện cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực theo yêu cầu của điều tra viên. Ông Hài hy vọng khi có thông tin đầy đủ, Đảng, Nhà nước sẽ có những chính sách phù hợp, sát thực với cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

          

Thu Hoà

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC