Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi) lấy nạn nhân là trung tâm, quan tâm đến người DTTS
Thứ hai, 10:45, 24/06/2024 Hoàng Minh/VOV4 Hoàng Minh/VOV4
Khoản 4, Điều 5 dự án Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi) thiết kế: “Hàng năm, nên bố trí ngân sách cho công tác phòng chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn”. Bên cạnh đó, Luật cũng tập trung xây dựng các quy định hỗ trợ nạn nhân mua bán người sau giải cứu và ổn định cuộc sống.

 

Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi) là một bước tiến mới trong thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người, đảm bảo tính tương thích với các Nghị định thư, Công ước quốc tế, cũng như khắc phục được những bất cập, vướng mắc của Luật phòng chống mua bán người hiện hành. Khoản 4, Điều 5 của Dự thảo luật qui định: “Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.”. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - địa bàn có diễn biến phạm tội buôn bán người phức tạp nhất.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá rất cao với quy định này. Bởi vì một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mà người dân của chúng ta trở thành nạn nhân mua bán đó là cái việc mà tìm kiếm các hoạt động để mưu sinh, trong quá trình ấy trở thành nạn nhân của mua bán người. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi là vùng có điều kiện rất khó khăn, số lượng nạn nhân, số vụ việc xảy ra cũng nhiều”.

Tuy nhiên, theo một số Đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo luật cần đưa ra quy định cụ thể về mức bố trí ngân sách ưu tiên. Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn nêu ý kiến: “Nếu chúng ta chỉ nêu chung chung là ưu tiên thôi thì rất là khó, trên thực tế chúng ta không thực hiện được. Nhất là đối với tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp thì rất khó bố trí. Do vậy mà tôi đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm nội dung này hơn. Tôi cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung khu vực biên giới vào quy định này. Bởi vì trên thực tế thì người dân ở khu vực biên giới rất là dễ trở thành nạn nhân mà các đối tượng mua bán người hướng đến do thuận lợi về vị trí địa lý”.

Đại biểu Lưu Văn Đức, Đoàn Đắc Lắc cho biết, thời gian qua, vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc các tỉnh biên giới phía Bắc, Tây Nguyên và phía Tây Nam, xảy ra tình trạng mua bán người rất phức tạp. Đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển thì thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người càng tinh vi. Do đó, Ban soạn thảo Luật cần có những quy định rõ hơn về trách nhiệm của chính quyền các cấp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng biên giới, để cụ thể hóa các quy định và bổ sung kinh phí cho công tác tuyên truyền. Đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng này, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và tinh thần cảnh giác của người dân; Cần thông báo về các thủ đoạn, các hình thức dụ dỗ lôi kéo, mua bán người tại các địa bàn cư dân ở xã, thôn; Có chính sách hướng dẫn, khuyến khích đồng bào tích cực tham gia phòng ngừa đấu tranh với các tội phạm nhằm phát hiện tố giác cung cấp thông tin cho các lực lượng phòng, chống mua bán người.

Những thay đổi trong Luật Phòng chống mua bán người lần này được xây dựng trên nguyên tắc lấy nạn nhân là trung tâm. Trong đó, các quy định tập trung vào 4 nhóm giải pháp gồm: Nâng cao nhận thức của cộng đồng người dân về loại tội phạm này; Hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực trong phòng ngừa, đối phó toàn diện hiệu quả với nạn buôn bán người; Hỗ trợ sinh kế, cải thiện chất lượng giáo dục cho phụ nữ, người nghèo ở vùng có nguy cơ cao; Giải cứu và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập với cộng đồng…v…v. Trong đó, nội dung giải cứu và hỗ trợ nạn nhân và những người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được các Đại biểu Quốc hội quan tâm, đề nghị bổ sung hoàn chỉnh quy định để phù hợp với thực tiễn.

Nêu ý kiến về nội dung này, Đại biểu Lê Thu Hà của tỉnh Lào Cai phân tích: Theo quy định của Dự thảo Luật và các văn bản liên quan, nạn nhân và người đang trong quá trình xác minh là nạn nhân có người dưới 18 tuổi đi cùng, được hỗ trợ chăm sóc y tế sau khi được giải cứu tiếp nhận. Trong trường hợp những người này bị ốm nặng phải chuyển đến cơ sở y tế điều trị, thì chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế do họ hoặc gia đình của họ tự thanh toán. Đây là điểm chưa hợp lý, do nạn nhân bị mua bán thì họ thường là đối tượng yếu thế, dân trí thấp, hoàn cảnh khó khăn. Đại biểu Lê Thu Hà đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc để điều chỉnh quy định này sao cho phù hợp với thực tiễn, bổ sung quy định hỗ trợ nạn nhân bị mua bán mua bảo hiểm y tế năm đầu tiên và năm liền kề.

Bên cạnh đó, Đại biểu Lê Thu Hà cũng đề nghị xem xét quy định rõ nguồn bồi thường thiệt hại cho nạn nhân mua bán người. Cụ thể, Đại biểu đề nghị xem xét phương án xử dụng một phần tài sản tịch thu của tội phạm mua bán người và tội phạm cưỡng bức bóc lột để bồi thường cho nạn nhân.

Về nội dung hỗ trợ nạn nhân mua bán người tái hòa nhập cộng đồng, Điều 43 trong Dự thảo Luật nêu: Nạn nhân khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu. Trong trường hợp cho nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh thì được xem xét cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội với các chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành về đối tượng cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội chưa có đối tượng là nạn nhân mua bán người. Đại biểu Trần Thị Hồng Ân, Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Quảng Ngãi phân tích, nếu gia đình nạn nhân là hộ nghèo, cận nghèo mới thoát nghèo thì cuộc sống vẫn rất khó khăn, do đó cần bổ sung chính sách tín dụng riêng cho nạn nhân mua bán người.

Hoàng Minh/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC