XOÁ MÙ CHỮ Ở VÙNG BIÊN GIỚI
Thứ năm, 07:37, 06/06/2024 Thu Hoà VOV4 Thu Hoà VOV4
VOV4.VOV.VN: Xóa mù chữ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số là một đề án có ý nghĩa thiết thực đối với người dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới trên khắp mọi miền của đất nước. Những lớp học dưới ánh đèn đêm đã giúp đồng bào các dân tộc chưa được đi học hoặc chưa hoàn thành chương trình tiểu học được học tập lại, để biết đến những con chữ, những phép tính căn bản nhất, giúp họ thuận lợi hơn trong công việc cũng như giao tiếp hàng ngày.

XOÁ MÙ CHỮ Ở VÙNG BIÊN GIỚI

Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, cấp ủy, chính quyền các địa phương đang nỗ lực duy trì các lớp học xóa mù chữ tại khắp các thôn, bản vùng cao. Cùng với luyện đọc, luyện viết, giáo viên đứng lớp còn truyền đạt thêm những kiến thức về sản xuất để tạo sự hứng thú cho học viên theo học.

  • Lớp học của các thầy giáo quân hàm xanh

Đúng 7 giờ tối các ngày thứ 2- 4- 6 trong tuần, tại tổ công tác địa bàn làng Suối Khôn của đồn biên phòng Ia lốp, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai lại trở thành điểm đến của nhiều người dân nơi đây, khi đơn vị triển khai mở lớp học xóa mù chữ. Học viên của lớp gồm nhiều độ tuổi, trong đó không ít người đã qua tuổi 60. Với những học viên lần đầu tiếp cận với con chữ, việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn, nên những thầy giáo biên phòng phải dùng nhiều phương pháp dạy thực tế, gắn với cuộc sống hàng ngày. Trung tá Vũ Văn Hoàng, tổ công tác làng Suối Khôn cho biết: “Trong quá trình dạy thì chúng tôi cố gắng lấy những người biết và chỉ cho người chưa biết. Từ đó mới cùng với một cán bộ biên phòng thì đã đạt được kết quả”.

 Với phong tục của người đồng bào tại đây: mẹ đi đâu con sẽ theo đó, vì vậy, để cho các học viên không vướng bận con nhỏ, trong lúc rèn luyện con chữ, tổ công tác địa bàn còn cắt cử 1 đến 2 cán bộ tạo sân chơi và trông trẻ, giúp các học viên yên tâm học tập. Theo đại úy Vũ Văn Luân, đội trưởng đội Vận động quần chúng, đồn biên phòng Ia Lốp, “để đạt được hiệu quả cao nhất, chúng tôi bố trí những khu vực vui chơi để các em tham gia giải trí, để tạo sự phấn chấn cho các em, bên trong thì phụ huynh, bố mẹ các cháu sẽ tham gia học tập tốt hơn”.

Tuy chỉ mới duy trì một thời gian ngắn nhưng lớp xóa mù chữ đã đem lại những quả ngọt. Sau vài tháng theo học, nhiều học viên đã đọc thông viết thạo. Với các học viên, những kiến thức học được tuy chỉ là bước đầu nhưng đã có thể vận dụng vào cuộc sống. Chị Rơ Lan Cúc, ở làng Sâm, xã Ia Pi ơr chia sẻ: “vui vì được biết chữ nhiều hơn, biết tính toán, trước không biết chữ ra ngoài là ngại, rồi tự ti vì mình không biết chữ”.

Hiện tại trên địa bàn cụm dân cư Suối Khôn đã triển khai được 2 lớp xóa mù chữ. Lớp thứ nhất có 15 học viên và được cán bộ vận động quần chúng thực hiện giảng dạy theo chương trình xóa mù chữ quốc gia, đến nay đã tốt nghiệp. Trong quá trình triển khai, lớp học đã được sự hỗ trợ đồng thuận từ chính quyền địa phương cũng như đông đảo người dân nơi đây. Ông Hà Văn Tin, phó chủ tịch xã Ia Pi ơr nhận xét: “Ngoài nhiệm vụ chính trị bảo vệ Tổ quốc, các anh còn mang cái chữ rất là nhiệt huyết. Các anh đi vận động từng hộ dân, từng người dân không biết chữ để tập trung tại tổ công tác, dạy trực tiếp cho người dân không biết chữ”.

Lớp học xóa mù chữ do các thầy giáo quân hàm xanh tổ chức không chỉ giúp cho bà con người dân tộc Gia Rai ở vùng đặc biệt khó khăn này biết đọc, biết viết, mà còn giúp họ dần xóa đi mặc cảm tự ti, tự tin hơn với khát vọng vươn lên thoát nghèo, hướng đến một tương lai tươi sáng hơn. Với họ, việc được học cũng sẽ nâng cao hơn nhận thức, ý thức trách nhiệm của công dân trong việc bảo vệ biên giới quê hương.

  • Học chữ, học cả cách sản xuất

Đều đặn vào 20 giờ tối hàng ngày, 18 học viên tham dự lớp học xóa mù chữ giai đoạn 2 lại có mặt đông đủ tại điểm trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở A Mú Sung để bắt đầu buổi học mới. Gọi là lớp học xóa mù chữ giai đoạn 2 bởi phần lớn học viên trong lớp đều đã nhận biết được mặt chữ cơ bản, giờ chuyển sang giai đoạn học ghép chữ và tính toán. Chị Vàng Tả Mẩy, học viên trong lớp chia sẻ: “đi xin thuốc người ta bảo ký, không biết ký nhưng mà đi học xong mình đã biết ký tên của mình rồi”

 Phần lớn học viên tham dự lớp học này đều là người Dao từ 14 đến 60 tuổi. Có người đã lên chức ông, chức bà nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đến nay mới được học cái chữ. Những đôi bàn tay chai sạn vốn chỉ cầm cuốc, cầm dao thì nay vụng về, nắn nót từng con chữ. Dù khó khăn vất vả nhưng với sự tận tâm của hai cô giáo phụ trách lớp, ai cũng chăm chú, miệt mài quyết tâm xóa mù chữ. Cô giáo Đỗ Thị Thắm, trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở A Mú Sung bày tỏ: “Chúng tôi cũng tìm những phương pháp tối ưu nhất để truyền thụ kiến thức cho bà con, để ai cũng biết đọc, biết viết, biết tính toán”.

Duy trì các lớp học xóa mù chữ được xã A Mú Sung xác định là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao trình độ dân trí, phát triển kinh tế xã hội. Hàng năm, xã đã phối hợp với các nhà trường và đồn biên phòng mở các lớp xóa mù chữ và duy trì các lớp sau biết chữ. Tại những lớp học này, giáo viên đã kết hợp giữa việc học chữ với tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phát triển kinh tế. Ông Bùi Văn Sáu, giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã A Mú Sung cho biết: “qua các lớp này thì thầy cô giáo cũng như các cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng và trung tâm tiếp tục hướng dẫn bà con nhân dân về kỹ thuật nuôi trồng cũng như chăm sóc cây trồng, vật nuôi”.

Thực hiện công tác phổ cập, giáo dục, xóa mù chữ, năm 2024, toàn tỉnh Lào Cai phấn đấu có khoảng 6.000 người trong độ tuổi từ 15 đến 60 được xóa mù chữ mức độ 1, mức độ 2, nâng tỷ lệ người biết chữ lên 96 %. Hành trình chinh phục con chữ chắc chắn còn nhiều khó khăn, vậy nên, những lớp học xóa mù chữ chính là cơ hội để người dân vùng cao được tiếp cận với tri thức, đọc thông viết thạo, từng bước thay đổi cuộc sống của chính mình.

  • Tiếp tục triển khai các lớp xoá mù chữ

Ở Việt Nam trong nhiều năm qua, phong trào xóa nạn mù chữ, phổ cập giáo dục đã ghi nhận những kết quả tích cực. Tiếp tục thực hiện đề án xóa mù chữ, tại thời điểm bước vào mùa hè này, các địa bàn biên giới trên cả nước đồng loạt triển khai nhiều lớp học xóa mù chữ cho đủ lứa tuổi, thắp sáng niềm tin của những người đi tìm con chữ.

Hiện nay cả nước vẫn còn trên 1 triệu người trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi mù chữ mức độ 1 và trên 2 triệu người mù chữ mức độ 2, tập trung chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nữ giới. Vì vậy, nhiều tỉnh, thành phố đã tích cực vận động người mù chữ tham gia các lớp xóa mù chữ. Theo báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2022- 2023, cả nước đã huy động được hơn 32.000 người học các lớp xóa mù chữ, tăng hơn 12.000 người so với năm học trước, góp phần duy trì bền vững thành quả công tác xóa mù chữ tại Việt Nam. Hiện tỷ lệ người trong độ tuổi 15 đến 60 biết chữ mức độ 1 và mức độ 2 lần lượt là hơn 98,85 % và 97,29 %. Cả 63/ 63 tỉnh, thành phố đều đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1.

Trong năm 2022- 2023, nhiều tỉnh, thành phố đã tích cực chỉ đạo các trung tâm học tập cộng đồng, các trường tiểu học vận động người mù chữ ra các lớp xóa mù chữ. Cùng với đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã huy động được lực lượng xã hội cùng đẩy mạnh về nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học. Việc đổi mới phương pháp dạy xóa mù chữ được nhiều Sở giáo dục và đào tạo quan tâm chỉ đạo, tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý giáo viên về dạy chương trình xóa mù chữ, như Đồng Nai, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Thái Nguyên, Cao Bằng, Gia Lai, Vĩnh Phúc, Sơn La, Yên Bái…Nhờ đó, những thành quả của công cuộc xóa mù chữ đã được duy trì bền vững và có bước phát triển, dần ngăn chặn được tình trạng tái mù chữ.

Với sự huy động vào cuộc của các tổ chức kinh tế, xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư có trách nhiệm tham gia, những lớp học xóa mù chữ, góp phần tăng số người biết chữ, nâng cao trình độ dân trí, nhận thức của người dân cũng như giảm tỷ lệ người tái mù. Trong năm nay, Phòng Giáo dục và đào tạo các huyện biên giới, vùng cao sẽ tiếp tục triển khai các lớp học xóa mù giai đoạn 2. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

 

Thu Hoà VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC