Nhiều vấn đề liên quan đến vùng DTTS&MN được Quốc hội quan tâm
Thứ ba, 06:13, 02/07/2024 Hoàng Minh/VOV4 Hoàng Minh/VOV4
Cuối tuần qua, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá 15 đã họp phiên bế mạc sau gần 1 tháng làm việc, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao. Tại các phiên thảo luận, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều vấn đề liên quan tới miền núi và vùng dân tộc thiểu số đã được các đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ đặc biệt quan tâm.

 

Liên quan trực tiếp nhất đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là nội dung thay đổi chủ trương đầu tư của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 1719. Đối tượng điều chỉnh cụ thể có 10 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực dân tộc; 101 cơ sở giáo dục gồm các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện và cấp tỉnh; 3 cơ sở y tế tuyến huyện đang phục vụ trực tiếp cho 42 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài ra, dự kiến có 72 di tích lịch sử quốc gia để tu bổ, tôn tạo, nhằm mục đích là bảo tồn và gìn giữ các giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số thuộc 31 tỉnh.

Qua các phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, tiểu dự án, vì đây là nội dung có tác động trực tiếp đến sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh khẳng định: "Nguồn vốn để thực hiện điều chỉnh là hơn 4.000 tỷ đồng, nằm trong tổng nguồn vốn đã được Quốc hội phân bổ, tức là không đội vốn, không tăng thêm 4.000 tỷ đồng. Theo báo cáo của các địa phương và các ngành chủ quản, danh mục công trình được lựa chọn thay đổi chủ trương đầu tư chủ yếu là cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị với quy mô nhỏ, thời gian ngắn, có thể tiến hành đổi ngay. Các địa phương đều cam kết đảm bảo hoàn thành trong giai đoạn này."

Về lĩnh vực văn hoá, Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Do Chương trình có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó, có nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau trong xây dựng quy định, cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá toàn diện, hầu hết các đại biểu tán thành Quốc hội tiếp tục xem xét, và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV vào cuối năm nay. 

Trong Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ triển khai Dự án 6 là bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Trong thời gian tới, nếu như Quốc hội đồng ý phê chuẩn và điều chuyển nội dung này sang Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, Bộ sẽ tiếp tục duy trì và thực hiện chế độ phân cấp để tập trung chăm lo cho phát triển văn hóa; nhận diện, kiểm đếm và đầu tư để bảo tồn. Trong đó, cố gắng chú ý phát hiện nét riêng đặc sắc của đồng bào các dân tộc để bảo vệ và phát huy giá trị."

Về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, những quy định về giảm độ tuổi trợ cấp hưu trí cho đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn được xem là một bước tiến mới trong việc quan tâm đến đối tượng là người cao tuổi. Nhất là khi, các thôn, bản đặc biệt khó khăn chủ yếu nằm ở vùng miền núi, người cao tuổi ở vùng dân tộc thiểu số sẽ nhận thêm được nhiều hơn sự từ chính sách ưu việt này. Giải trình tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: "Liên quan đến hưu trí, vừa qua, thường trực Chính phủ đã họp, với trách nhiệm cơ quan tham mưu, Bộ trưởng đã đề xuất, từ ngày 1 tháng 7 năm nay, sau khi cải cách tiền lương công nhân, viên chức, thì áp dụng mức cao nhất, đảm bảo quyền lợi cho người hưu trí."

Bên cạnh những góp ý hoàn thiện chính sách, pháp luật, tại kỳ họp này, một số đại biểu cũng đã nêu lên những vấn đề bất cập còn tồn tại ở vùng dân tộc thiểu số. Những ý kiến này đã được Chính phủ tiếp thu và tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Cụ thể, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 có xác định nhiệm vụ là: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo, giai đoạn 2021 - 2025. Nhưng đến nay, theo báo cáo của Bộ Công thương, cả nước vẫn còn 160.000 hộ chưa có điện, 715.000 hộ dân cần cải tạo đường điện trên địa bàn 3.000 xã, trong đó có một số xã biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. 

Nêu thực trạng tại tỉnh Lai Châu, Đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho biết: Tỉnh Lai Châu hiện nay đã cung cấp cho lưới điện quốc gia trên 2.000 Mega wat với 40 thủy điện lớn nhỏ đang hoạt động. Nhưng vẫn còn 22 bản chưa có điện tập trung ở các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn kinh phí đầu tư dự tính là khoảng 200 tỷ, địa phương không thể tự cân đối.

"Nhiều cử tri phản ánh, nhà nước vừa kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Nhiều người là nhân chứng sống của sự kiện năm 1954 nhưng do không có điện nên không được xem các chương trình truyền hình, truyền thanh về sự kiện này. Cử tri đề nghị Nhà nước sớm quan tâm đầu tư để sang năm 2025, Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, người dân những vùng chưa có điện sẽ được xem truyền hình trực tiếp các sự kiện trọng đại này." Đại biểu Hoàng Quốc Khánh nêu ý kiến.

Cũng quan tâm đến vấn đề cung cấp điện cho địa bàn khó khăn, Đại biểu Đoàn Thị Lê An, đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng tha thiết đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành huy động tối đa các nguồn lực thực hiện việc cấp điện cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 100 % các hộ dân nông thôn miền núi, hải đảo được sử dụng điện lưới quốc gia.

Tại các phiên họp Quốc hội lần này, một số đại biểu kiến nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá lại và có những điều chỉnh phù hợp chính sách chi trả nhận khoán bảo vệ rừng. Theo các đại biểu, diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ hiện nay chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn và nằm ở các vùng địa hình hiểm trở, đi lại rất khó khăn. Bên cạnh đó, hầu hết diện tích này nằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, đời sống kinh tế rất khó khăn. Nhu cầu về đất sản xuất của bà con thì rất thiếu, trong khi diện tích rừng đã đưa vào khoanh nuôi, tái sinh rừng. Mức chi trả nhận khoán bảo vệ rừng hiện nay là quá thấp và người dân không mặn mà thực hiện. Cử tri và địa phương kiến nghị, mức hỗ trợ ít nhất phải từ 1 triệu đồng trở lên mới đáp ứng được yêu cầu về nhiệm vụ quản lý về bảo vệ rừng và tránh việc phá rừng.

Từ Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14 đến Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15, đã có gần 70 lượt kiến nghị của 32 tỉnh, thành phố về vấn đề này. Từ đó cho thấy đây là là vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ rừng của cả nước. Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Lê Minh Hoan cho biết: Bộ đã dành gần 2 năm để sửa Nghị định 156 liên quan đến thay đổi tư duy, thể chế, nguồn lực bảo vệ và phát triển rừng. Đến nay, Bộ đã trình dự thảo cuối cùng đến Thủ tướng Chính phủ. Quy định trong Nghị định mới sẽ mang tính tổng thể, bao gồm Đề án phát huy giá trị, đa dạng hệ sinh thái rừng, phát triển du lịch dưới tán rừng, thuê dịch vụ môi trường rừng… để tạo nguồn lực mới, tạo sinh kế mới cho những người giữ rừng.

"Tất cả điều đó sẽ tạo thành một nguồn lực mới và sinh kế mới cho những người giữ rừng. Nghĩa là, những người tham gia giữ rừng không chỉ nhận một cái kinh phí khoán nhỏ nhoi của Nhà nước nữa, mà có việc làm, có sinh kế. Chỉ có như vậy, cộng đồng bảo vệ rừng hay các Ban quản lý rừng, nhân dân, bà con dưới tán rừng sẽ có sự thay đổi về cách tiếp cận giữa cá nhân cộng đồng với bảo vệ rừng. Chúng tôi mong muốn rằng các địa phương nhìn nhận rừng không chỉ ở một góc độ riêng lẻ nữa mà một góc độ tích hợp đa phần giá trị." - Bộ trưởng Lê Minh Hoan giải trình trước Quốc hội.

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 – 2025. Để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, nhiệm vụ khác trong những tháng còn lại của năm 2024, đòi hỏi sự quyết liệt hơn nữa, từ Chính phủ cùng sự nỗ lực cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng./.

Hoàng Minh/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC