Những người lính của nhân dân
Thứ sáu, 15:54, 13/09/2024 Thu Hòa Thu Hòa
VOV4.VOV.VN: Cơn bão số 3 và hoàn lưu của cơn bão này đã và đang gây mưa lớn trên diện rộng ở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và trung du Bắc Bộ. Mưa lớn liên tục đã gây ra ngập lụt, lũ quét và làm thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và mùa màng; làm sạt lở núi và ách tắc giao thông cục bộ. Sát cánh cùng với các cấp chính quyền và nhân dân địa phương, các lực lượng bộ đội, công an đã tăng cường quân số đến những nơi khó khăn, phức tạp nhất để khắc phục hậu quả mưa lũ. (Chương trình phát thanh ngày 11/9/2024)
  • DỒN SỨC GIÚP NHÂN DÂN KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI

Trước khi cơn bão số 3 đổ bộ vào đất liền đến nay, lực lượng bộ đội biên phòng luôn ứng trực 100% quân số và đã điều động hơn 3.000 lượt CBCS phối hợp cùng các địa phương phòng chống và khắc phục hậu quả bão. Đại tá Vũ Văn Hưng - Phó Tham mưu trưởng BĐBP cho biết, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các phương tiện.

Nhằm ứng phó và thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ trong cơn bão số 3, lực lượng BĐBP Thanh Hóa đã tích cực, khẩn trương phối hợp với địa phương nắm, tổng hợp thiệt hại do bão số 3 và giúp dân vệ sinh môi trường, phối hợp tìm kiếm cứu nạn người, phương tiện bị mắc cạn, trôi dạt, mất tích tại vùng biển; chằng chống nhà dân, chằng buộc lồng bè; cứu vớt ngư dân.

Trung tá Trần Văn Hoàn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hoằng Trường cho biết, lực lượng đã túc trực 100% quân số để kịp thời cùng người dân ứng phó bão. "Tổ chức cho các phương tiện tránh trú bão cảng âu tàu quay trở về cảng cá của xã Hoằng Trường, đồng thời sắp xếp, hướng dẫn vị trí neo đậu, kích hoạt lại các thiết bị giám sát hành trình, khi có điều kiện thì sẽ tổ chức ra khơi để tiếp tục khai thác, đánh bắt thủy sản. Đơn vị cũng tổ chức phối hợp với các địa phương kiểm đếm thiệt hại khó khăn của bà con nhân dân các địa phương, thiệt hại chung trên toàn địa bàn đơn vị phụ trách có 10 héc ta lúa bị đổ ngã. Bây giờ thì địa phương đã hết lệnh cấm biển, một số phương tiện cũng đã xuất bến khai thác, đánh bắt ngoài khơi, đơn vị hướng dẫn các khu vực biển động và khu vực an toàn. Họ xuất bến vào khai thác, đánh bắt ở các khu vực biển của miền Trung như là biển Hoàng Sa, Trường Sa, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Khi có yêu cầu thì cán bộ chiến sĩ sẵn sàng tăng cường theo yêu cầu của tỉnh". Trung tá Hoàn cho biết.

Do mưa lớn kéo dài, trên địa bàn 2 xã biên giới Tân Xuân, huyện Vân Hồ và xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng. Đồn biên phòng Chiềng Sơn đã cử 48 lượt cán bộ chiến sĩ xuống địa bàn phối hợp với địa phương khắc phục thiệt hại; dọn dẹp 8 vị trí sạt lở đường giao thông; tuyên truyền vận động và giúp đỡ 4 hộ dân của bản Cột Mốc, xã Tân Xuân và Tiểu khu 8, xã Chiềng Sơn di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn. Theo Trung tá Nghiêm Xuân Nhân, đồn trưởng đồn biên phòng Chiềng Sơn: "Mưa bão số 3 trên địa bàn hai xã xảy ra 21 điểm sạt lở đất đá trên  tỉnh lộ 102 và các điểm giao thông liên bản, đường liên bản hiện nay vẫn còn đang bị tắc, người dân không đi được xe máy, đi bộ vòng đường tránh, rất vất vả. Ước tính lượng đất đá sạt lở xuống trên 5.000 mét khối đất đá của cả hai địa bàn, lúa bị ngập trên 10 héc ta, ao cá trên 1.000 mét vuông, các loại cây trồng bị gãy đổ hiện nay chưa thống kê được hết. Đơn vị đã thường xuyên theo dõi hoàn lưu bão, những nơi có nguy cơ sạt lở lớn, tuyên truyền, vận động nhân dân di chuyển các tài sản cũng như các vật dụng trong gia đình, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối về người. Đơn vị đã huy động gần 50 lượt cán bộ, chiến sĩ xuống giúp dân, giúp được 4 nhà dân, tháo dỡ khỏi nguy cơ sạt lở. Hiện nay trên địa bàn còn tất cả 17 nhà nguy cơ sạt lở cao thì đơn vị cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng công an, dân quân di chuyển tài sản của nhân dân ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở; tháo dỡ nhà vận chuyển đi các nơi khác, đảm bảo tài sản của nhân dân được nguyên vẹn"- Trung tá Nhân cung cấp thêm.

Tuy không nặng nề như các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng địa bàn tỉnh Nghệ An cũng xảy ra mưa lớn; có nguy cơ gây sạt lở, ngập úng trên khu vực biên giới. Các đơn vị BĐBP đã phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền cho các hộ gia đình có nguy cơ bị sạt lở; giúp các hộ dân chằng níu nhà cửa phòng chống mưa, bão; khắc phục, di dời các điểm cây đổ, ảnh hưởng đến giao thông.

Theo thống kê trên địa bàn tỉnh Nghệ An, có gần 3000 phương tiện với hơn 13000 lao động hoạt động trên biển. Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị huy động các loại phương tiện hiện có, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Đại tá Nguyễn Công Lực, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Nghệ An cho biết: "Lực lượng bộ đội biên phòng phối hợp cấp ủy chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn tuyên truyền, vận động, hoàn lưu bão và khu vực Bắc Nghệ An cũng có thể mưa to, kể cả vùng núi. Vì vậy Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo cho các đơn vị không những tuyến biển mà cả tuyến núi tăng cường công tác bảo vệ cơ quan, đơn vị và địa bàn, di dời các khu vực của các đơn vị như tổ công tác, trạm kiểm soát trong khu vực có nguy cơ sạt lở về vị trí an toàn và phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động nhân dân di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt".

Cùng với tuyến biển, các đơn vị biên phòng tuyến núi luôn sẵn sàng các phương án để ứng phó với mưa lũ. Các đơn vị cử lực lượng bám địa bàn, kiểm tra cắm biển báo ở các địa điểm có nguy cơ sạt lở, kịp thời có mặt tại các khu vực xung yếu, sẵn sàng tổ chức di dời người và tài sản ở những nơi có nguy cơ sạt lở, ngập úng đến nơi an toàn. Theo Thiếu tá Pịt Văn Mương, đồn biên phòng Mường Ải, trong địa bàn của đồn quản lý ở xã Mường Típ thường xuyên xảy ra mưa lớn, nguy cơ sạt lở rất cao, đặc biệt là ở bản Xốp Típ, đồn đã phối hợp với UBND xã Mường Típ và người dân ở bản cắm biển báo, tiến hành thông báo cho người dân ở khu vực đang vào khu vực nguy hiểm, sạt lở.

  • VÌ NHÂN DÂN QUÊN MÌNH

Trong những ngày vừa qua, hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sỹ quân đội, dân quân tự vệ đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, đến tận những nơi khó khăn nhất để giúp đỡ nhân dân và chính quyền địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả mưa bão gây ra. Xuyên suốt trong tinh thần mỗi người lính là lòng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ở đâu nhân dân gặp khó khăn, nguy hiểm, ở đâu nhân dân cần tới, ở đó có những người lính “bộ đội Cụ Hồ”..

Các lực lượng Quân đội huy động gần 500.000 cán bộ, chiến sĩ gồm bộ đội, dân quân tự vệ, dự bị động viên và hơn 10.100 phương tiện các loại để giúp các địa phương và nhân dân. 

Ở mọi nơi mà nhân dân cần đến, là nơi đó, có sự xuất hiện của cán bộ chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam, những người vì nhân dân quên mình. Ngay trong cơn bão số 3 này, cũng đã xuất hiện tấm gương sĩ quan quân đội hy sinh khi tuổi đời mới tròn 27, đó là Thượng uý Nguyễn Đình Khiêm, thuộc Đại đội 3, Lữ đoàn 513 khi cùng đồng đội cơ động giúp nhân dân bản Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh. Quá trình làm nhiệm vụ trong mưa bão, Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm bị cây đổ đè trúng. Mặc dù được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Liêu, nhưng do vết thương quá nặng, Thượng úy Khiêm đã mất tại bệnh viện.

Thượng úy Khiêm đã nêu tấm gương sáng về tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân, góp phần tô thắm hình ảnh, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

Xúc động trước tấm gương hy sinh của Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm, đồng đội của anh- Thượng tá Nguyễn Văn Chiển- báo QĐND đã viết nên những dòng thơ:

Giữa thời bình mà đồng đội tôi vẫn ngã xuống

Anh hy sinh bởi cơn bão tố điên cuồng

Khi anh đến phía người dân ngóng đợi

Đâu phải cứ chiến tranh mới có những đau thương...!?!

Giữa thời bình mà đồng đội tôi vẫn ngã xuống

Khi ước mơ, hoài bão vẫn căng đầy

Khi vợ mới cưới còn chưa quen hơi ấm

Màu áo xanh hòa cùng màu của cỏ cây...!!!

Với thành tích xuất sắc đột xuất trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã có Quyết định truy thăng quân hàm trước thời hạn đối với Thượng úy Khiêm, lên cấp bậc Đại úy. Và ngày 9-9, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Đại úy Nguyễn Đình Khiêm. Ban Thanh niên Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cũng có Tờ trình đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đoàn truy tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho Đại úy Nguyễn Đình Khiêm.

 

Thu Hòa

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC