Dọc các tuyến TL234, QL279 hay QL18 từ Hạ Long đi Vân Đồn, lên tới vùng sơn cước Hoành Bồ, Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu... đều là cảnh hoang tàn của những cánh rừng sau siêu bão Yagi. Những vạt rừng đổ rạp, thân cây bị gió bão vặn xoắn, gãy nát đang héo tàn kéo theo cơ nghiệp của hàng chục nghìn hộ dân sống nhờ rừng ở Quảng Ninh. Hơn 4 tuần sau bão, địa phương này vẫn chưa thể thống kê thiệt hại diện tích và mức độ thiệt hại của rừng nhưng bước đầu xác nhận khoảng 1/3 trong tổng số hơn 340.000ha đất có rừng bị tàn phá, trong đó có không ít những cánh rừng thiệt hại hoàn toàn, không thể phục hồi.
Rừng bị hủy hoại kéo theo sinh kế, cơ nghiệp của hàng chục nghìn hộ trồng rừng ở vùng dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh. Đứng trước cánh rừng keo gần 30ha gãy nát, ông Trịnh Hồng Quyết (xã Tân Dân, thành phố Hạ Long) xót xa đến thẫn thờ. Hơn 70% diện tích rừng keo của gia đình ông Quyết sắp đến kỳ khai thác chỉ còn lại những thân cây gãy gập đang dần khô héo. Cố gắng dựng lại những cây bạch đàn mới trồng ven suối, người đàn ông hơn 60 tuổi đau đáu suy nghĩ: "Mất hết rồi, chỉ có nợ ngân hàng là ở lại"...
"Xót xa lắm. Cây nào xanh, dựng được tí nào thì hay tí đấy thôi. Lũ thì có năm lũ to hơn đây rồi, nhưng bão thì chưa có năm nào. Trồng 4.000 cây bạch đàn, có cây thì đổ gốc, có cây thì gió bẻ đi bẻ lại đứt hết. Vốn đầu tư làm lại, mình phải phát và đốt lại nhưng làm thế thì mất nhiều công quá cũng chẳng làm được, để đấy thôi. Chắc phải 5 năm nữa coi như không có keo để khai thác, không có việc làm đối với người dân." - ông Trịnh Hồng Quyết |
Tỉnh Quảng Ninh có hơn 400.000ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm khoảng 70% tổng diện tích đất tự nhiên ở địa phương, độ che phủ đạt gần 55%, riêng đất có rừng là 340.000ha. Những cánh rừng xanh mướt với nhiều loại cây "thoát nghèo" như keo, bạch đàn, sa mộc, hồi, quế, lim, giổi, lát... đã bị bão số 3 càn quét để lại sườn đồi trơ trụi, vàng úa. Ông Triệu Thanh Hồng (thôn Khe Đồng, xã Tân Dân) cho biết: Những hộ trồng rừng ở đây ít thì thiệt hại trăm triệu, nhiều thì mất trắng gần chục tỷ chỉ sau một cơn bão. Theo ông Hồng, tiền vốn trồng cây người dân phải vay ngân hàng, bây giờ cây gãy đổ hết, nợ ngân hàng vì thế không biết làm thế nào.
Những tiếng gầm gừ của cưa máy trong vụ thu hoạch "bất đắc dĩ" như cứa sâu thêm nỗi đau của những người đã dành hết tâm sức, vốn liếng cho những cánh rừng. Thông thường, mỗi ha rừng trồng có thể mang lại 60-100 triệu đồng thì nay tận thu chỉ còn từ 10-15 triệu đồng. Không những thế, khó khăn đang chồng khó khăn khi diện tích rừng cần thu dọn quá lớn nhưng không có nhân lực; dọn dẹp xong cũng không có cây giống để trồng ngay... Ông Nguyễn Bá Trượng, Chủ tịch, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ đánh giá cần tới 2 năm mới có thể phủ xanh 85% diện tích rừng của Công ty bị thiệt hại do bão Yagi.
"Với ngành Lâm nghiệp khác với các ngành khác vì chu kỳ dài, không vay 6-8 tháng được mà phải vay cả chu kỳ, 6 đến 8 năm. Hiện nay các ngân hàng thương mại không ai cho vay nếu không có thế chấp. Đặc biệt với diện tích cần đầu tư sau bão lớn như thế lên tới hàng nghìn tỷ thì lấy tài sản đâu mà thế chấp. Để khắc phục như thế này chúng tôi chờ từ TƯ đến địa phương xem có chính sách nào để trong 2025 -2026 chúng ta phủ xanh được diện tích rừng bị phá hoại do bão." - Ông Nguyễn Bá Trượng |
Điều lo lắng nhất của chính quyền địa phương các huyện miền núi hiện nay là sinh kế của người trồng rừng. Hàng vạn cây gỗ nguyên liệu bị gãy đổ, khô héo đã phá vỡ quy hoạch PCCC rừng, gỗ nguyên liệu chưa đến tuổi khai thác không thể tận thu và quan trọng nhất là thiếu nhân công. Ông Giáp Văn Vững, Phó chủ tịch UBND xã Tân Dân, thành phố Hạ Long lo lắng bởi nguy cơ tái nghèo của hàng nghìn hộ dân sống từ rừng. "Trên diện tích như thế này mà cây cối bòng, bưởi, trầm hương, sưa và keo như thế này thì trong hai, ba năm tới là dân sẽ rất là khó khăn. Bởi vì cả một cái tài sản của người ta đến vụ người ta bán, giờ mất hết như thế này. Thực lòng là chưa biết bắt đầu từ đâu để vận động người dân làm lại. Quan trọng là làm như thế nào để người dân có được nguồn để người ta trồng lại. Bây giờ phải phát đốt, xong lại mua cây giống về trồng, với cái đà bị như thế này thì năm nay giống cây cối tất cả lại tăng giá, cái này nó lại đi theo cái kia" - Phó chủ tịch UBND xã Tân Dân, thành phố Hạ Long nêu.
Bão số 3 đi qua để lại ảnh hưởng nghiêm trọng, phá vỡ quy hoạch quốc gia về rừng tại Quảng Ninh. Phải cần ít nhất từ 5 đến 7 năm nữa, những cánh rừng xanh mát mới xuất hiện trở lại. Rừng không chỉ là "nguồn sống" của hàng trăm nghìn người dân mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong điều hòa khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh quốc phòng....
Lá phổi xanh vùng Đông Bắc đang tổn thương sâu sắc và cần có những đánh giá thỏa đáng cùng chính sách kịp thời để "chữa lành", nhất là hạn chế nguy cơ cháy rừng như chia sẻ của ông Trần Văn Triển, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm vùng I: Chúng ta hình dung hàng triệu tấn vật liệu cháy, nhất là miền Bắc đang bước vào mùa khô hanh, khi mà cháy rừng chủ yếu tập trung cao điểm từ tháng 10 đến tháng 4 sang năm. Nếu chúng ta không có giải pháp phòng ngừa, chủ rừng và chính quyền địa phương không nâng cao trách nhiệm thì sẽ trở thành thảm họa. Thảm họa của cháy rừng không kém gì thảm họa bão...
Quý vị và các bạn vừa đọc xong bài viết trong loạt phóng sự "Rừng sau bão dữ" của phóng viên Vũ Miền, thường trú Đài TNVN tại khu vực Đông Bắc. Câu chuyện Quảng Ninh cần làm gì để hồi sinh những cánh rừng sẽ là nội dung được đề cập trong bài tiếp theo của loạt phóng sự này.
Viết bình luận