Tận hưởng không khí trong lành
Nếu một ngày ngột ngạt với khói bụi thành phố, bạn cần một không gian thư giãn, nghỉ ngơi, hãy đến với Bản Sưng. Nơi đây, bạn có thể sống chậm lại, hòa mình với thiên nhiên, hít hà bầu không khí trong lành.
Nằm cách trung tâm thành phố Hòa Bình gần 40km về hướng Tây Bắc, Bản Sưng nằm nép mình bên ngọn núi Biều, thuộc xã Cao Sơn. Bản Sưng tách biệt với cuộc sống hiện đại. Bản nhỏ giản dị, nguyên sơ với cánh rừng xanh.
Đến với Bản Sưng, bạn không khỏi ngỡ ngàng bởi cảnh đẹp như tranh vẽ. Những nếp nhà thưng ván gỗ lợp lá cọ. Khói bếp bay lên quấn quanh những hàng cây cổ thụ. Bước vào Bản Sưng mà cứ ngỡ lạc vào miền cổ tích xa xăm.
Những cây sấu, cây trò chỉ, cây muồng… hơn trăm tuổi hiên ngang, vững chãi bao quanh, ôm lấy ngôi làng. Chị Lý Sao Mai, người Dao Tiền ở Bản Sưng bảo, ở nơi hoang sơ này, con người luôn được vùi mình với thiên nhiên.
“Vẻ đẹp của bản Sưng là vào mùa đông thì có mây mù, cảm giác như mình đang vào một không gian rất mờ ảo. Rất hoang sơ. Mùa xuân rất nhiều hoa. Vào mùa hè, mùa tháng 5, tháng 6 có ruộng bậc thang, mùa lúa chín”. – Chị Mai nói.
Bản Sưng là nơi sinh sống của gần 80 hộ gia đình người Dao Tiền. Cây trồng chính vẫn là cây lúa với hình thức canh tác trên những thửa ruộng bậc thang.
Từ năm 2017, với sự trợ giúp của một số tổ chức phi chính phủ, người Dao ở Bản Sưng đã tận dụng lợi thế thiên nhiên ban tặng để làm du lịch. Tới đây, bạn có thể lựa chọn nghỉ ở bất kỳ homestay nào. Chỉ 1 hoặc hai ngày, bạn đã có thể làm mới mình với những trải nghiệm đáng nhớ.
Bạn cứ hình dung, một buổi chiều hè mát rượi, ngồi trước hiên nhà, phóng tầm mắt ra xa là có thể thấy biển lúa vàng chảy tràn trên những ngọn đồi, ngọn núi. Và rồi tới mùa nước đổ, mặt ruộng loang loáng nước bỗng trở thành chiếc gương soi in đẫm bầu trời xanh. Dù ngắm ở thời khắc bình minh lên hay lúc hoàng hôn buông xuống, cảnh vật ấy sẽ khiến bạn tan chảy.
Cách Bản Sưng chừng 300m có một hang động mang tên Hoàng Lan. Nếu bạn là người ưa mạo hiểm, việc tản bộ xuyên rừng, thăm thú hang động cũng là một gợi ý cho chuyến hành trình khám phá của bạn thêm thú vị.
Hang động với những vòm đá nhũ muôn hình vạn trạng, mát lạnh với những mạch nước ngầm rì rầm chảy. Tên hang gắn với truyền thuyết về gia đình bà Hoàng Lan nên được người dân nơi đây tôn thờ như một vị thần bảo trợ. Lễ, Tết thường niên bà con đều đến đây thờ cúng để bày tỏ tấm lòng thành.
Trải nghiệm nghề truyền thống
Người Dao Tiền ở Bản Sưng vốn nổi tiếng với nghề làm thuốc nam. Sống dựa vào thiên nhiên nên bà con có kinh nghiệm đi rừng, tìm thuốc chữa bệnh. Chỉ bằng những lá, rễ, thân cây rừng… họ đã có thể chế ra nhiều bài thuốc dùng để tắm, để uống, để ăn, để chăm sóc sức khỏe rất hữu ích.
Một ngày đi rừng mệt mỏi, khi đôi chân rã rời chắc hẳn, bạn thích thú khi ngâm mình trong bồn nước tắm nóng sực. Mùi thơm của lá rừng len lỏi đánh thức mọi giác quan, khiến bạn trở nên khoan khoái.
Người Dao Tiền cũng chẳng giấu nghề. Nếu thích, bạn có thể cùng họ vào rừng tìm thuốc, nghe họ kể những kinh nghiệm phát hiện thảo dược giữa hàng trăm loài cây mọc dại, để thấy bà con đã có những kỹ năng tuyệt vời để thích ứng với cuộc sống núi rừng.
Đến bản Sưng, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ với đôi tay lấm màu chàm đen. Đó là đôi tay của người phụ nữ đảm, nắm giữ những bí quyết quý của nghề làm thổ cẩm, đặc biệt là công thức vẽ sáp ong tạo hoa văn.
Các sản phẩm thêu ở xóm Sưng đều được làm thủ công. Để tạo được hoa văn trên vải, họ lấy sáp ong bỏ vào nồi nước đun sôi, lọc lấy phần nước trong, cô đặc lại rồi để nguội. Sau khoảng ba ngày sẽ đóng lại thành khối sáp mịn màng. Mỗi lần in hoa văn, người ta lại lấy một ít sáp, đặt trên chiếc bát giữ nóng bằng than hoa. Sáp tan chảy, họ lấy chiếc bút vẽ bằng đồng nhúng vào đó rồi in hoa văn lên vải. Đem đi nhuộm chàm, giặt, phơi khô rồi lặp lại công đoạn ấy bao lần, sáp ong mới tan ra để lại những hoa văn trắng cầu kỳ nổi bật trên thổ cẩm.
Bao nhiêu công đoạn là bấy nhiêu sự tỉ mẩn của người phụ nữ Dao Tiền. Nhưng họ sẽ không ngại ngần hướng dẫn nếu bạn ngỏ ý muốn tham gia bất kỳ công đoạn nào của nghề làm thổ cẩm, vẽ sáp ong tạo hoa văn.
Người Dao Tiền có chữ viết riêng. Những nét chữ ấy được bà con viết lên trang giấy dó. Nghề làm giấy dó ở bản Sưng không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng, khi người Dao có chữ viết thì nghề làm giấy dó cũng ra đời. Nghề một thời tưởng chừng bị rơi vào quên lãng, nay được người dân ở Bản Sưng khôi phục lại, trở thành niềm tự hào khi giới thiệu với khách tham quan. Mỗi quy trình làm giấy đều được họ trải lòng cặn kẽ.
Ăn gì ở Bản Sưng?
Ở Bản Sưng, món ăn hấp dẫn nhất là thịt chua. Món ăn ủ cả năm mới được nếm. Đem thịt chua nhắm với thứ rượu hoẵng – một loại rượu được ủ men từ cơm nếp nương với bí quyết gia truyền sẽ khiến cho món ngon thêm đượm vị.
Đồ uống trong bản Sưng, ngoài những lá rừng, cây rừng đun lấy nước giải khát, chè san tuyết là báu vật của người Dao. Cây chè đã gắn bó hàng trăm năm nay với người dân trong bản. Chúng mọc rải rác trên núi Biều.
Những thân chè cổ thụ cao lớn vài ba người ôm không xuể. Muốn hái chúng phải trèo lên cây hoặc bắc thang. Búp chè to, mẩy, luôn có một lớp lông trắng muốt trên búp non nên được gọi là chè san tuyết.
Màu nước trà vàng như mật ong, uống ngọt thanh nơi đầu lưỡi. Lên núi hái chè, thưởng thức ngay tại gốc hoặc mang về nhà nhâm nhi cũng là trải nghiệm bạn nên thử khi đến với nơi này.
Người Dao Tiền ở Bản Sưng là những người định cư lâu đời ở mảnh đất này. Văn hóa truyền thống, những lễ nghi phong tục vẫn được các thế hệ người Dao gìn giữ, truyền đời cho cháu con.
Nếu may mắn đến Bản Sưng vào mùa xuân, bạn sẽ được nhìn ngắm những điệu múa chuông uyển chuyển, sống động. Vào mùa đông, khắp bản trên xóm dưới rộn ràng với lễ đặt tên con – nghi lễ công nhận thành viên trong gia đình, bạn sẽ được tham dự cùng cộng đồng với nhiều lễ nghi theo truyền thống.
Tiết xuân, bên sườn núi lại văng vẳng tiếng học bài, học chữ của thanh niên người Dao. Hãy đến để cảm nhận người Dao nơi này đã trân trọng vốn quý của dân tộc đến nhường nào!
Viết bình luận