Sóc Trăng: Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao” triển khai phải bài bản, khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại
Thứ năm, 11:12, 15/08/2024 Thạch Hồng/VOV ĐBSCL Thạch Hồng/VOV ĐBSCL
VOV4.VOV.VN: Trong chuyến khảo sát tình hình thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại huyện Long Phú, ông Trần Văn Lâu, chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao mô hình điểm, hứa hẹn sẽ đạt thắng lợi sau thu hoạch. Ông cũng chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tiếp tục mở rộng triển khai thêm mô hình thí điểm, để từ đó rút kinh nghiệm hướng tới phát triển đề án một cách bài bản, khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại.

Triển vọng từ mô hình điểm 50ha…

HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú được chọn thực hiện mô hình điểm trong Đề án tại tỉnh Sóc Trăng. Mô hình được thực hiện với diện tích 50ha, giống lúa được chọn canh tác là ST25, có 46 hộ tham gia, thực hiện liên tục trong 03 vụ Hè Thu 2024, Đông Xuân 2024-2025 và Hè Thu 2025. Ngay trong vụ đầu thí điểm, trà lúa trong đề án phát triển tốt, đến nay đã được hơn 80 ngày, đang trong giai đoạn trổ bông, hứa hẹn sẽ cho mùa vụ bội thu.

Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi cho biết: "Cái ưu điểm là mình sạ thưa, giúp giảm được giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới thì chi phí nó thấp, sau này chất lượng sản phẩm lúa đạt thì mình sẽ liên kết dễ hơn, chất lượng lúa tốt thì bán với giá cao hơn so với bên ngoài".

Theo ông Lâm Văn Vũ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Long Phú, việc triển khai đề án điểm tại địa phương là điều kiện để nông dân tiếp cận ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, ứng dụng cơ giới hóa, giảm chi phí sản xuất, thuận lợi trong liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Ông Vũ cho biết, đến nay, trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Môi trường Nông nghiệp đã tổ chức được 2 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải và hướng dẫn đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng phát thải khí nhà kính cho lực lượng khuyến nông, nhân viên trồng trọt và bảo vệ thực vật. Ngoài ra, Viện Môi trường Nông nghiệp, Công ty Saty lắp đặt 3 hệ thống cảm biến đo, theo dõi mực nước trên ruộng theo quy trình tưới khô, ngập xen kẽ của Cục Trồng trọt ban hành.

Ông Vũ thông tin thêm: "Ở đây làm rất là tốt đối với lượng giống gieo sạ. Trước đây, bình thường người dân gieo sạ 150 kg/ha, thậm chí có nơi là 200kg/ha, nhưng với hộ tham gia đề án giảm chỉ còn 60kg/ha, chi phí giảm rất là nhiều. Lượng phân bón giảm tối thiểu theo ước tính của ngành chuyên môn là khoảng 20% lượng phân bón, còn số lần phun thuốc bảo vệ thực vật thì trước đây từ 5-6 lần thì với đề án giảm chỉ còn từ 3-4 lần thôi, lượng nước ước giảm 20% so với trước đây."

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Long Phú, địa phương đã triển khai đề án đến các ngành , đoàn thể, các địa phương thực hiện rà soát, đề xuất đăng ký tham gia Đề án với diện tích dự kiến thực hiện là 12.150ha. Theo đó, trong giai đoạn 2024-2025 sẽ thực hiện 4.000ha, và từ năm 2026-2030, mở rộng thực hiện thêm 8.150ha.

… đến phát triển đề án một cách bài bản, khoa học, chuyên nghiệp và hiện đại

Mục tiêu của Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”” là hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh ở ĐBSCL trên quy mô lớn, nhằm nâng cao thu nhập của người trồng lúa và hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo; giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; Bảo vệ môi trường sinh thái; đóng góp cho đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu hiệu quả cao, góp phần phát triển ĐBSCL bền vững.

Tại tỉnh Sóc Trăng, hằng năm, diện tích gieo trồng lúa đạt khoảng  330.000ha, đạt sản lượng trên 2 triệu tấn; trong đó, tỷ lệ sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm hơn 94%. Riêng đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 72.000 ha diện tích sản xuất lúa tham gia. Theo lộ trình, trong vụ Đông Xuân 2024-2025 tới, tỉnh sẽ xây dựng mô hình điểm thêm 140ha tại các huyện Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, Châu Thành và thị xã Ngã Năm.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng cho rằng, nếu thực hiện đúng các mục tiêu của dự án thì sẽ nâng cao được giá trị của ngành lúa gạo, đặc biệt là giá trị kinh tế, giá trị môi trường, nâng cao đời sống cho người dân, xây dựng được chuỗi ngành hàng.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu nhấn mạnh, lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò “trụ đỡ” đối với nền kinh tế của tỉnh Sóc Trăng hiện nay và cả tương lai. Riêng đối với đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao tại HTX Hưng Lợi, qua khảo sát, chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao kết quả sản xuất đến thời điểm hiện nay, hứa hẹn cho mùa vụ thắng lợi. Chia sẻ về triển khai đề án trên toàn tỉnh trong thời gian tới, ông Trần Văn Lâu chỉ đạo các địa phương tiếp tục quan tâm triển khai đề án mang tính chuyên nghiệp, hiện đại đặc biệt là hạ tầng giao thông, thủy lợi phải được đầu tư bài bản, mang tính bền vững, lâu dài. Ông Lâu cũng khuyến khích các địa phương làm các mô hình thí điểm ở huyện, từ đó, rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu suất và có sự so sánh giữa sản xuất trồng lúa chuyên canh chất lượng cao với sản xuất truyền thống về giá trị, chi phí sản xuất, về lượng nước, thất thoát sau thu hoạch, ô nhiễm môi trường… để làm sao hiệu quả nhất.

Ông Trần Văn Lâu nói: "Thời gian tới khi có quy định về cơ chế chính sách để thực hiện đề án này, thì tôi đề nghị các địa phương nếu đã xác định mô hình để trồng lúa chuyên canh chất lượng cao thì phải làm khâu tổ chức cho thực sự bài bản, khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại, bởi vì đề án gắn liền với nông thôn mới, có thể nữa là mình đặt thành mô hình điểm, mô hình điểm nâng cao, như vậy để có sự phấn đấu của các HTX, THT."

Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống địa phương, đồng ruộng hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho HTX, THT, người nông dân trực tiếp trồng lúa… để hướng tới việc sản xuất phải thực sự chuyên nghiệp, hiện đại, từng bước nâng cao thu nhập người nông dân, hướng đến mục tiêu tạo ra giá trị mới, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh cho tỉnh và cho vùng ĐBSCL./.

 

Thạch Hồng/VOV ĐBSCL

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC