“Tôi làm việc 10 tiếng mỗi ngày”
Góc hiên bên ngôi nhà trong ngõ nhỏ yên bình (phường Hồng Hà, TP Hạ Long, Quảng Ninh) là nơi làm việc quen thuộc của ông Nguyễn Cảnh Loan từ hàng chục năm qua. Nhìn bàn tay thoăn thoắt viết trên mặt giấy, đôi mắt tinh tường chăm chú theo từng con chữ, ít ai có thể tin rằng ông đã ở độ tuổi gần 90.
Nguyên là Trưởng phòng Tổng hợp - Công an tỉnh Quảng Ninh, từng là một trong những chiến sỹ danh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Khu mỏ năm 1957, ông Nguyễn Cảnh Loan cho biết: Càng tìm hiểu và nghiên cứu, ông càng thêm khâm phục tấm gương đạo đức, lối sống giản dị của Người. Với ông, việc học tập và làm theo Bác nên xuất phát từ những việc đơn giản hàng ngày.
"Tôi học được 1 số điều, nhất là Cần, Kiệm. "Cần" là từ năm 1993 trở đi tôi làm việc bình quân mỗi ngày 10 tiếng, từ 6h sáng đến 6h tối. Tôi có thói quen cứ đọc là cầm bút. Học không phải chỉ ở trường lớp, ở sách báo mà học trong dân, mà người điển hình nhất cho việc học chính là cụ Hồ" -ông Nguyễn Cảnh Loan, TP Hạ Long |
70 năm qua, ông Loan vẫn duy trì thói quen đọc mỗi ngày, nhất là các loại báo, tạp chí nghiên cứu lịch sử, con người, an ninh, thế giới… Ông sở hữu trên 4.000 đầu sách về lịch sử Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh và báo các loại, từ những số đầu tiên của báo Vùng mỏ, báo Hải Ninh và báo Quảng Ninh.
Để ghi nhớ, ông không chỉ đọc, chỉ nghe mà đều ghi chép lại, đặc biệt là những sự kiện nổi bật theo ngày, sắp xếp chúng theo đề mục một cách tỉ mỉ và khoa học. Ngoài ra, ông còn sưu tầm hơn 10.000 con tem Việt Nam từ năm 1946 đến nay. Với ông, sưu tầm tem cũng là một cách học, bởi mỗi con tem đều ghi lại một dấu son lịch sử văn hóa Việt Nam.
“Kho từ điển” về Quảng Ninh
Nhiều thập kỷ tích luỹ và tình yêu với mảnh đất, con người Quảng Ninh đã giúp ông có được vốn kiến thức sâu rộng. Cười móm mém, ông Nguyễn Cảnh Loan bảo, “nếu muốn biết bất cứ sự kiện nào, xảy ra trong ngày nào ở Vùng Mỏ từ năm 1945 tới nay, chỉ trong 3 phút, tôi sẽ đưa ra câu trả lời”.
Là người nghiên cứu lịch sử văn hóa địa phương lâu năm, ông Loan đã trực tiếp tham gia góp ý xây dựng lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long và các huyện Hải Hà, Vân Đồn, Hoành Bồ (cũ), tham gia biên tập chính công trình khoa học “Địa danh tỉnh Quảng Ninh” từ thời Hùng Vương đến nay (độ dày trên 1.000 trang) với trên 16.000 địa danh; công trình “Biên niên lịch sử tỉnh Quảng Ninh từ thời Hùng Vương đến năm 2020” (độ dày trên 400 trang); góp phần biên soạn các cuốn sách “Bác Hồ với phong trào thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ninh”, “Đất và người Quảng Ninh”, “Đường Hồ Chí Minh trên biển ở Quảng Ninh”…
Bà Nguyễn Thị Tám, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố 7 (phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ, là tấm gương sáng về học tập suốt đời, ông Nguyễn Cảnh Loan còn tham gia công tác khuyến học, là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường Hồng Hà, truyền cảm hứng cho mọi người và thế hệ trẻ. Theo và Tám, tinh thần của ông Nguyễn Cảnh Loan được nhân lên trong tổ dân khu phố, trở thành mô hình Học tập suốt đời, Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Con cháu học tập. Gia đình ông Loan trở thành cảm hứng tuyệt vời để khu phố tuyên truyền đến bà con nhân dân.
Ông Loan tự thừa nhận rằng mình “tiếc thời gian”. Ông đang tham gia biên soạn cuốn sách Đất và Người Quảng Ninh, dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2025, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Vùng Mỏ 25/4. Chia sẻ những kinh nghiệm của mình về tinh thần học tập, ông chỉ tâm sự giản dị: "Tôi chỉ nhắc lại câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, đấy chính là học suốt đời. Còn đi được là còn học, không phải chỉ tuổi trẻ mà người già cũng có thể chống gậy mà đi, đi để mà học, đừng tự mãn rằng tôi học bằng này bằng kia mà quên rằng cuộc đời luôn rất phong phú".
Hỏi rằng liệu ông còn đang ấp ủ những công trình nghiên cứu, những cuốn sách nào hay không, ông Nguyễn Cảnh Loan nói sẽ không chia sẻ, bởi “lời nói đi đôi với việc làm”, “nói được làm được”. Đó cũng chính là lời mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn căn dặn./.
Viết bình luận