Tết mừng chiến thắng của người Nùng Dín
Thứ năm, 15:24, 01/06/2023 Thu Cúc/VOV4 Thu Cúc/VOV4
VOV4.VOV.VN - Tết mừng chiến thắng là tết lớn trong năm của người Nùng Dín ở Lào Cai. Đó là Tết người Nùng Dín nhớ về quá khứ gian khổ của tổ tiên, vượt qua sự truy đuổi của kẻ thù, sống bình yên trên vùng đất mới.

 

Tết mừng ngày độc lập

Ở Lào Cai, người Nùng Dín cư trú tại 4 huyện: Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà và Bảo Thắng, họ tự gọi tên cho mình là Nùng Dín.

“Dín” tiếng địa phương có nghĩa là thoát nạn, tồn tại hay sống sót. Tên gọi về nhóm Nùng Dín ở Lào Cai liên quan đến lịch sử di cư tộc người trong quá khứ.

Chuyện xưa kể rằng, trong những năm tháng chiến tranh, trước thế giặc mạnh, người Nùng đã rơi vào cảnh chạy loạn trong sự truy đuổi của kẻ thù. Họ đi xuyên rừng, xuyên núi, qua những cánh rừng chuối. Đi đến đâu, họ phát chuối đến đó để lấy lối đi và chui vào các hang đá ẩn nấp. Khi quân giặc đuổi theo đến khu vực sông Chảy, các khu rừng chuối mầm chồi mọc cao, giặc cho rằng người Nùng Dín đã trốn xa nên chủ quan, không đánh đuổi nữa.

Lợi dụng tình hình đó, chủ làng của người Nùng Dín đã củng cố lực lượng, huy động đội quân đánh trả quyết liệt và giành lại chiến thắng. Và để nhớ ơn chặng đường gian nan đó, người ta đã mở tiệc ăn mừng.

Ở Si Ma Cai, người Nùng Dín tổ chức vào ngày 30/6 còn ở Mường Khương bà con tổ chức vào ngày mùng 1/7, tương ứng với thời điểm giành độc lập của mỗi vùng.

Trong tâm linh, với bà con người Nùng Dín ở Mường Khương, Tết mừng chiến thắng còn là ngày tưởng nhớ đến Thất Lang Thần – người đã có công phù trợ người Nùng đánh trận, che chở cho họ sống sót trước sự truy lùng của kẻ thù.

Là Tết lớn thứ 2 trong năm của người Nùng Dín sau Tết Nguyên Đán. Dịp này, mọi công việc bộn bề tạm gác lại. Đồng bào thu xếp thời gian và công việc để mừng Tết, để vui chơi, để anh em gia đình dòng họ, làng bản sum họp, động viên nhau trong làm ăn, sản xuất.

Vót đũa mới, làm xôi 7 màu đón Tết

Hạ tuần tháng 6 âm lịch, không khí chuẩn bị Tết đã tưng bừng khắp các gia đình người Nùng Dín.

Cánh đàn ông trong nhà cất rượu, vót đũa mới. Bà con vót đũa dùng trong những ngày Tết và đủ cả trong một năm. Đũa mới được vót bằng vầu già, một nửa đoạn gọt vuông chữ nhật, nửa còn lại vót tròn đầu và được nhuộm đỏ dùng quanh năm không mọt.

Ông Hoàng Xín Hòa, người Nùng Dín ở xã Nấm Lư, huyện Mường Khương, Lào Cai bảo: “Cuối tháng 6 nhà nào cũng vót cái đũa mới. Tối 30 người ta đã phải nhuộm bằng cây chàm. Gọi là chàm nhuộm đũa. Nó ra màu đỏ luôn. Sáng hôm sau người ta tế Thất Lang thần, cũng là để bày tỏ luôn ở trên đàn tế trời luôn. Số đũa kia là đủ gia đình dùng quanh năm. Nếu mà ước đoán năm nay mình tổ chức đám cưới cho con mình sẽ vót nhiều hơn. Đại khái là khoảng 15 – 16 mâm”.

Tết không thể thiếu rượu. Thứ rượu tự nấu bằng ngô nếp hoặc gạo nếp cẩm thơm ngon, được lựa chọn nguyên liệu tốt nhất trong năm để ủ nấu. Nam nữ thanh niên thì rủ nhau trữ củi, đổi công giã gạo, cắt cỏ cho trâu, ngựa, lấy thức ăn cho gia súc, gia cầm cho những ngày Tết để dành thời gian vui chơi.

Dịp này, phụ nữ bận bịu hơn. Các bà, các mẹ chuẩn bị may quần áo mới, làm túi thêu hoa cho trẻ nhỏ chơi tết. Họ tranh thủ thêu thùa thổ cẩm, làm địu, làm tã cho con. Giáp Tết, những quả trứng gà sẽ được luộc chín, sau đó họ nhuộm đỏ để làm quà cho trẻ con. Món quà nhỏ nhưng lại chứa đựng tình yêu thương, quan tâm vô bờ dành cho con trẻ.

Cùng với đó, họ sẽ lựa nếp làm xôi. Đặc trưng trong Tết tháng 7 của người Nùng Dín là món xôi 7 màu.

Màu đỏ tượng trưng cho đau thương, tử nạn trong quá trình chạy giặc. Màu đỏ tươi là màu chiến thắng hào hùng. Màu đỏ đậm một chút tưởng nhớ đến Thất Lang Thần. Những màu còn lại như màu xanh da trời, màu xanh nước biển, màu xanh lá cây màu vàng tượng trưng cho đất, cho cây cối, vạn vật ngũ hành theo quan niệm của người Nùng Dín.

Ông Vùi Chảo Sín, người Nùng Dín ở thôn Bản Giáng, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai kể: món xôi trước đây của bà con Nùng Dín quê ông được lấy từ tiết trâu nhuộm màu. Điều đó cũng bắt nguồn từ tích truyện xưa của người Nùng Dín.

“Trước bọn ngoại xâm đánh mình, bọn mình chạy lên trên núi. Bọn ngoại xâm nó ở bên dưới núi đón phục mình. Mình không xuống được lấy nước được nấu cơm ăn nên mới mới mổ con trâu lấy tiết nhuộm xôi. Phải cúng xong mới được ăn. Thời trước ông cụ như thế, thời chúng tôi bây giờ lấy lá cây nhuộm rồi. Muốn làm bao nhiêu màu cũng có thôi 5 – 6 màu cũng có hết”. - Ông Sín cho hay.

Cúng trước khi mặt trời mọc

Ngày 30/6 âm lịch, mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi, nhà cửa được dọn dẹp, trang hoàng sạch sẽ. Chị em phụ nữ rửa lá xôi, lá chuối, lá dong nhuộm đũa đỏ, làm xôi 7 màu, gói xôi quà cho khách, làm thức ăn cho những ngày Tết. Nam giới ngả lợn, chuẩn bị đủ món để Tết này đãi khách.

Mặc dù mỗi nhà có sự chuẩn bị cho lễ Tết khác nhau nhưng đến cuối chiều, hầu như nhà nào cũng phải xong xuôi để chuẩn bị mâm lễ cúng trời. Lễ vật có gà, có rượu, thẻ hương.

Những gia đình cúng trời sẽ làm một cái sàn góc sân, chỉ dùng vào dịp Tết tháng 7. Còn ngày thường nó dùng để phơi hóc, ngô, ngồi khâu vá và là chỗ vui chơi cho trẻ nhỏ trong những đêm trăng rằm.

Sau khi đã bày biện mâm cỗ cúng trời là một con gà trống gáy to, đẹp, lông đỏ, xôi màu. Hương được cắm trên thân cây chuối. Và điều đặc biệt là nghi lễ cúng ngoài trời sẽ được diễn ra trong yên lặng và lúc kết thúc cũng là lúc mặt trời lên. Tưởng nhớ những tháng ngày xưa cũ cha ông chạy giặc bí mật trong đêm tối.

Sau lễ, mọi người cùng nhau chung vui bên mâm cỗ. Thanh niên, nam nữ lại rộn ràng trong những trò chơi đánh yến, kéo co, đi cà kheo. Trẻ con xúng xính áo mới chơi tết với những chiếc túi đựng trứng hồng nhỏ xinh, có cồng gà cùng lũ bạn. Khắp bản trên, xóm dưới Tết bình yên, rộn tiếng cười.

Thu Cúc/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC