Tư duy liên kết vùng – nâng cánh cho “lõi nghèo” của Tổ quốc
Thứ bảy, 05:03, 27/07/2024 VOV Tây Bắc VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN: Kế thừa những thành quả từ Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX; Kết luận số 26-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI, Nghị quyết mới mang số 11 của Bộ Chính trị khoá XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã thực sự mang lại tư duy, định hướng đột phá trên con đường phát triển của vùng đất giàu tiềm năng

Sở hữu bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống, “cội nguồn dân tộc”, “nôi cách mạng”, vùng trung du, miền núi Bắc bộ với hơn 30 dân tộc anh em chung sống, những năm gần đây đang dần định vị thương hiệu ngày một rõ nét qua các sự kiện mang tầm vùng, quốc gia như: Ngày hội văn hóa các dân tộc rất ít người lần thứ I tại Lai Châu; Năm Du lịch Quốc gia 2024 gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”; Festival sông Hồng Lào Cai… Mỗi sự kiện điểm nhấn nếu biết tranh thủ đều là cơ hội để “biến di sản thành tài sản”.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: "Sẽ có cơ hội để triển khai rất nhiều hoạt động liên kết hợp tác, kể cả giữa các địa phương, doanh nghiệp để phát triển các sản phẩm dịch vụ hấp dẫn, đặc sắc đối với khu vực Tây Bắc cũng như tạo sức hấp dẫn chung cho toàn vùng để trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế".

“Đặt vấn đề phát triển vùng trong tổng thể phát triển chung của cả nước”, tư duy mới quan trọng này của Nghị quyết 11 đã trở thành kim chỉ nam cho các địa phương vùng trung du, miền núi Bắc bộ suốt 2 năm qua. Nhờ Nghị quyết 11, nút thắt lớn nhất trong liên kết nội vùng, liên vùng là giao thông dần được tháo gỡ. Hàng chục dự án huyết mạch như đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); đường du lịch thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang huyện Na Hang (Tuyên Quang)… đang từng bước hình thành. Một tỉnh nghèo như Lai Châu từng phải đối mặt với chia cắt, tụt hậu, nay đã được trung ương giao chìa khóa, “đặt hàng” để tạo sự đột phá về giao thông, từ đó phát huy tiềm năng, lợi thế, góp sức giữ gìn “phên dậu”, “lá phổi” quốc gia.

Ông Tạ Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lai Châu cho biết: "Các công trình giao thông trọng điểm, có tính liên kết vùng như tuyến đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với thành phố Lai Châu; hầm Hoàng Liên; tuyến đường Thèn Sin – Sin Suối Hồ; tuyến đường Séo Lèng – Nậm Tăm – Thân Thuộc – Nậm Cần – Nậm Sỏ – Tân Tuyên đã rút ngắn khoảng cách đi lại giữa các vùng miền, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh".

Kể từ khi Nghị quyết 11 ra đời, tư tưởng “cục bộ”, “mạnh ai nấy làm” cơ bản được xóa bỏ. Các tỉnh trong khu vực đã đoàn kết, bình đẳng, tăng cường hợp tác, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiều mục tiêu “kép”, vừa cho mình, vừa cho tập thể.

Giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng trưởng toàn vùng đạt 7,65%/năm, cao hơn mức bình quân chung cả nước. GDP bình quân đầu người cũng gia tăng đáng kể, năm 2023, đạt gần 65 triệu đồng/người, tăng so với mức gần 53 triệu đồng/người năm 2020. Nhiều địa phương đã phát huy được vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển vùng như Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Lào Cai. Năm 2023, vùng Trung du và miền núi phía Bắc cũng đã thu hút 143 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hoan, Phó Vụ trưởng Vụ các Trường Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tư duy liên kết vùng đã và đang được các địa phương thể hiện. Song, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, cùng với tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc cần cùng nhau thúc đẩy công nghiệp hóa, thông minh hóa; đột phá hơn nữa về thể chế, về nguồn nhân lực và về hạ tầng:

"Đột phá về thể chế là quan trọng nhất, không phải theo cách thông thường mà phải ở một bước tiến mới vượt bậc, ví dụ từ bài học kinh nghiệm của các địa phương như Bình Dương, Bắc Ninh họ chỉ xin cơ chế chứ không xin tiền. Chúng ta phải đặt ra mục tiêu không tư duy theo kiểu chỉ số nữa mà phải tư duy theo kiểu đẳng cấp. Ví dụ như Lào Cai phải là điểm trung chuyển của cả khu vực và thế giới chứ không bó hẹp ở vùng trung du miền núi phía Bắc nữa thì mới có thể thành công". - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hoan nhận định.

Từ vị trí “chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế - xã hội; môi trường sinh thái lẫn quốc phòng, an ninh và đối ngoại” được nhấn mạnh trong Nghị quyết, hàng loạt sự kiện kết nối vùng đã diễn ra hiệu quả như Hội nghị Hợp tác hành lang kinh tế Việt – Trung; Hội nghị giữa Bí thư các tỉnh biên giới phía Bắc với Vân Nam (Trung Quốc); Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất - nhập khẩu vùng trung du, miền núi phía Bắc; Hội nghị Liên kết, hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh…

Báo cáo tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng trung du, miền núi phía Bắc lần thứ 3 diễn ra tại Phú Thọ vào cuối tháng 5 vừa qua cho thấy, từ sau khi Nghị quyết 11 ban hành, toàn vùng đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng như phê duyệt quy hoạch vùng; phê duyệt quy hoạch địa phương; hoàn thành việc thành lập, kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng vùng. Các Đề án lớn như xây dựng mô hình thư viện cơ sở của vùng; đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc cũng đã trình lên người đứng đầu Chính phủ. Hiện, 18/33 dự án trọng điểm của vùng đã và đang tiếp tục được triển khai.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, các tỉnh trong khu vực cần tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị thực hiện nghiêm túc Nghị quyết; tăng cường đổi mới, sáng tạo, linh hoạt gắn với đặc thù của địa phương, giúp đỡ nhau cùng phát triển:

"Không chỉ hợp tác trong khu vực, trong vùng rộng lớn mà trong nội vùng, trong những địa phương giáp ranh với nhau, có những chính sách riêng của địa phương các đồng chí cũng phải cố gắng tự lo. Bởi vì trung ương ở góc độ tổng quát chúng tôi cũng không thể lo được cho tất cả mọi người theo một công thức chung được. Cho nên có những địa phương, bằng những công thức riêng của mình, không nhiều tiền, HĐND quyết là chúng ta làm được" - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị.

Đúng theo tinh thần được Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng nêu cao tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 11 - Hội nghị toàn quốc đầu tiên nhằm quán triệt, triển khai chủ trương của Bộ Chính trị về phát triển vùng. Đó là “Cả nước vì trung du và miền núi Bắc Bộ; Trung du và miền núi Bắc Bộ vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”, 14 tỉnh trong vùng “lõi nghèo” đang thay da đổi thịt từng ngày, hướng tới trở thành hình mẫu phát triển xanh của cả nước trong tương lai./.

 

VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC