45% phụ nữ Mông sinh con tại nhà
Thứ tư, 00:00, 12/04/2017 Hoài Thu bt bài Hoài Thu bt bài

VOV4.VN - Mang thai là việc của phụ nữ, nhưng việc khám thai hay lựa chọn sinh con tại đâu, chọn bà đỡ như thế nào, lại là việc của đàn ông. Đó là một thực tế ở vùng đồng bào Mông thuộc huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.

 

Theo đánh giá của Trung tâm y tế huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn,  tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số, phần lớn là dân tộc Mông, sinh con tại nhà chiếm khoảng 45%.

 

Phụ nữ Mông tại thôn Lủng Vài, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm. Ảnh: Tạc Văn Nam

 

Chị Chu Thị Phương, người có thâm niên hơn 10 năm trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ vùng cao tại xã Nhạn Môn, nói vui rằng, ở miền xuôi thì bệnh nhân phải tìm đến bác sỹ, còn ở đây thì bác sỹ phải tìm đến tận nhà bệnh nhân xin khám và xin tư vấn cho các bà mẹ đang mang thai. Nhưng như vậy cũng chưa chắc đã được như ý muốn, nhiều khi dân còn trốn tránh, hoặc gọi điện nói dối là chưa sinh!

 

Phụ nữ dân tộc Mông, dân tộc Dao ở Pác Nặm ít đến sinh con tại cơ sở y tế không chỉ vì không có tiền đến khám và đẻ con tại các trạm y tế. Tại nhiều vùng đồng bào Mông, người phụ nữ không được quyền làm chủ ngay cả trong việc sinh nở. Họ sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình chồng. Đi khám thai, chồng phải đồng ý mới được đi và chồng đưa đi.

 

Chị Hoàng Thị Tiên, công tác tại Trạm y tế Bằng Thành, kể: Có một số phụ nữ trẻ am hiểu, nhưng mà phải theo nhà chồng, vì người Mông khi đi ly chồng thì cái gì cũng phải hỏi ý kiến nhà chồng. Mặc dù phụ nữ mang thai, nhưng mà từ ngày kinh cuối cùng họ cũng phải hỏi chồng, vợ kể cho chồng và chồng trả lời thôi.

 

Cán bộ t tế xã Nhạn Môn tổ chức các đợt khám thai tại Trạm và tại các điểm dân cư cho thai phụ. Ảnh: Tạc Văn Nam

 

Đến kỳ sinh nở, người phụ nữ Mông ít có điều kiện đến sinh tại trạm y tế. Bởi người Mông thường cư trú ở trên núi, đường xá đi lại khó khăn, xa trạm y tế. Nếu đưa bà mẹ đến trạm y tế, không chỉ người chồng mà họ phải huy động cả anh em, họ hàng đưa đi. Mỗi lần như thế lại tốn kém tiền bạc nên số phụ nữ được đến trạm y tế sinh con rất ít.

 

Khó khăn về kinh tế còn có cách xử lý, nhưng phụ nữ Mông còn vấp phải rào cản về hủ tục trong việc sinh nở. Do một số hủ tục kiêng cữ, nên việc đưa phụ nữ mang thai đến trạm y tế đẻ là chuyện bất đắc dĩ đối với các gia đình người Mông. Chị Cà Thị Nghiên, trạm y tế An Thái, nói rằng: “Người Mông khi đẻ, phong tục của họ không bao giờ cho người khác nhìn thấy bộ phận sinh dục của mình, cho nên lúc đẻ ở nhà thì chỉ có người đỡ đẻ đứng đằng sau thôi, còn người chồng thì bế vợ quay mặt vào nhau, người đỡ đẻ ở đằng sau đỡ”.

           

Việc sinh con tại nhà thực sự có nhiều nguy cơ, tai biến khó lường. Chính vì vậy, những người như chị Phương, chị Tiên, chị Nghiên đã không quản ngại khó khăn để đến tận nhà, tư vấn tận nơi, đồng thời tuyên truyền để đồng bào hiểu tác hại của việc sinh nở không được chăm sóc sức khỏe sinh sản đúng cách. Nếu so với những năm trước đây thì việc sinh con tại nhà của phụ nữ vùng cao đã giảm nhiều. Tuy nhiên, con số 45% chị em phụ mữ mang thai chưa được chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng như sinh nở tại nhà vẫn là một con số đáng lo ngại.

 

Bác sỹ Ma Thị Sao, phó giám đốc trung tâm y tế huyện Pác Nặm, cho rằng, việc giảm tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con tại nhà không chỉ dừng lại ở tuyên truyền vận động. Nhiều người trong số họ ít được đi học, số người biết tiếng phổ thông không nhiều, vì vậy tuyên truyền bằng t rơi, áp phích không mấy hiệu quả. Phải phối hợp, lồng ghép nhiều hoạt động như tuyên truyền trực tiếp tại thôn bản, xây dựng những đoạn phim ngắn về việc sinh con tại nhà...

 

 

 

Hoài Thu/VOV4

 

Hoài Thu bt bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC