Chỉ cách đây hơn 1 tuần, những cánh đồng ở các xã ven sông của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái còn phủ kín màu xanh mướt của lúa, ngô, dâu tằm...giờ chỉ còn lại màu nâu sẫm của bùn đất. Dòng sông Hồng bao đời hiền hòa bồi đắp phù sa, tạo nên những cánh đồng màu mỡ kéo dài đôi bờ, năm nay dâng trận "đại hồng thủy" cuốn đi tất cả.
Bà Nguyễn Thị Yến, ở thôn Quyết Tiến, xã Y Can, huyện Trấn Yên những ngày qua cứ lầm lũi đi giữa cánh đồng, nhìn cây trồng dập đổ ngổn ngang mà lòng đau như cắt.
Bà Yến cho biết, chưa bao giờ bà thấy mưa lũ ghê gớm như năm nay, nước sông Hồng dâng cao rất nhanh, chảy cuồn cuộn vào đồng. Gia đình bà thiệt hại rất nặng, đàn gia cầm chết gần hết, chỉ sót lại mấy con gà; nhà cửa ngập sâu, đồ dùng thiết yếu ngập trong biển nước. Đặc biệt, toàn bộ diện tích cấy trồng đều bị thiệt hại, trong đó có 4 sào lúa đang trong giai đoạn chín đỏ đuôi, 13 sào dâu tằm; 3 sào trồng đao riềng.
Với 4 sào lúa, nếu không có trận lũ kinh hoàng sẽ cho thu hoạch được gần một tấn thóc, nhà có hai vợ chồng đủ ăn cả năm và còn có dư để chăn nuôi. Diện tích dâu vừa mới nuôi được một lứa tằm, bán kén cũng thu được hơn 5 triệu đồng. Thấy dâu tốt, lứa này bà Yến tăng số lượng nuôi, đàn tằm vừa ăn rỗi ngày thứ nhất thì nước lũ về, chạy ngược xuôi tìm chỗ tránh ngập cho tằm nhưng cuối cùng vẫn phải đổ bỏ vì ruộng dâu ngập hết, không có thức ăn.
Diện tích đao riềng sẽ thu hoạch vào cuối năm, dự định để dành tiền sắm Tết nhưng nay cũng mất trắng. Đến cái nhà nuôi tằm với chuồng gà cũng bị nước lũ làm sập. Chẳng còn gì để thu, nên bà Yến tính sẽ đi xa làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Mặc kệ trời nắng gắt sau lũ, lá dâu bám đầy đất cát, vợ chồng ông Nguyễn Văn Lịch ở thôn Quyết Thắng, xã Y Can vẫn tranh thủ hái những lá dâu héo để vớt vát mấy nong tằm đang nuôi dở. Ruộng dâu bị đất cát bồi lấp khoảng 60cm, lá dâu dính đầy cát bẩn, vừa hái vừa phải giũ bụi, không biết tằm có ăn nổi hay không.
Với 8 sào dâu, vụ tằm mùa thu này nếu thời tiết thuận lợi gia đình ông Lịch có thể nuôi được hơn 30 nong, cho thu khoảng 2,5 tạ kén, sau khi trừ chi phí sẽ có hơn 35 triệu đồng. Dự định này giờ phá sản, bởi sau vài ngày ngập lụt, nắng lên, toàn bộ diện tích dâu sẽ chết, phải chờ đến vụ xuân mới trồng lại được và mất một năm nữa mới có thể nuôi tằm.
Phờ phạc sau một tuần chống mưa lũ, ông Nguyễn Huy Trình, Bí thư Đảng ủy xã Y Can buồn rầu cho biết, nước ngập mênh mông hầu hết các cánh đồng suốt 4 ngày trời. Cả xã có khoảng 150ha lúa, gần 80ha rau màu và hơn 145ha dâu tằm bị thiệt hại hoàn toàn. Nước rút, cây cối khô héo, đổ rạp, không thể cứu vãn được. Với 90% người dân trong xã dựa vào sản xuất nông, lâm nhiệp, với tình trạng này, cuộc sống của bà con trong thời gian tới sẽ muôn vàn khó khăn.
Bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: "Tỉnh Yên Bái là địa phương bị thiệt hại hết sức nặng nề bởi cơn bão số 3, để khắc phục được hậu quả thì rất cần nguồn lực và thời gian mới khôi phục lại được. Hiện tỉnh đang khẩn trương, quyết liệt để khắc phục hậu quả, sớm ổn định tình hình kinh tế, xã hội và phục hồi sản xuất."
Người dân vùng lũ Yên Bái đang chịu thiệt hại kép: nhà cửa, tài sản hư hỏng, ngập nước; lúa ngô, dâu tằm, hoa màu mất trắng. Với sự hỗ trợ từ chính quyền và nhiều nhà hảo tâm, bà con nơi đây đang nỗ lực sửa chữa nhà cửa, tiếp đó sẽ phải từng bước gieo trồng, mang màu xanh trở lại những cánh đồng. Lúc này bà con không chỉ cần được hỗ trợ về kinh phí để cải tạo ruộng vườn, được hỗ trợ về giống, vật tư, phân bón để gieo trồng lại mà còn cần cả những chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay kịp thời nhất./.
Viết bình luận