A Lưới bỏ dần những hủ tục
Thứ tư, 14:39, 13/12/2023 Thanh Hà/VOV miền Trung Thanh Hà/VOV miền Trung
VOV4.VOV.VN - Cộng đồng người dân tộc thiểu số ở huyện miền núi cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế có truyền thống văn hóa tốt đẹp. Ở đây cũng có những hủ tục hết sức kỳ bí như tự đẽo quan tài cho mình, tục thách cưới, cải táng, hôn nhân cận huyết thống. Điều đáng mừng là thời gian gần đây, những hủ tục đó dần được đẩy lùi theo hướng tích cực.

 

A Lưới không còn thách cưới

Ông Lê Văn Lịch, người Pa Cô ở thôn Ra Loóc - A Sốc, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức đám cưới cho con gái đầm ấm vui vẻ. Theo ông Lịch, trước kia, đồng bào Pa Cô thường tổ chức đám cưới dài ngày rồi thách cưới, có người gả con lấy chồng sớm, lấy nhau trong họ. Nhưng bây giờ, những hủ tục đó không còn nữa.

Con gái ông tốt nghiệp Đại học đi làm cho Đoàn 92, huyện A Lưới rồi lấy chồng cùng đơn vị. Hai bên gia đình tổ chức đám cưới cho con gọn nhẹ tại nhà. Ông Lê Văn  Lịch vui mừng, lễ cưới con gái ông được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, vừa kế thừa những phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào, vừa phù hợp hoàn cảnh của gia đình.

“Đảng, Nhà nước quan tâm, quán triệt nhiều. Mỗi khi họp hành Đảng, Nhà nước luôn luôn vận động nhân dân có phong tục, tập quán nào đó không nên làm là mình không làm, cố gắng làm ăn. Bây giờ là con cái, đám cưới, đám hỏi cũng bình thường thôi, chỉ có là thắp hương khói, cầu mong trời đất phù hộ. Tập tục, tập quán dùng thời xưa phần nhiều đã thay đổi, không phải giống thời xưa tổ chức cưới cũng bình thường thôi. Cũng giống như người đồng bằng, có cái gì ăn cái đó thôi, mình cũng đòi hỏi gì bên nhà chồng”. - Ông Lê Văn Lịch cho biết.

Xã Hồng Bắc, huyện miền núi A Lưới có 95% dân số là người Pa Cô. Trước kia, chuyện yêu nhau không lấy được nhau vì nhà gái "thách cưới" không phải là cá biệt. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp đến được với nhau nhưng món nợ từ “thách cưới” cũng khiến hai vợ chồng làm lụng hàng chục năm vẫn chưa trả hết nợ. Mặc dù chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng luôn tích cực tuyên truyền, vận động nhưng bà con vẫn giữ tập tục lạc hậu như một thói quen khó bỏ.

Mấy năm gần đây, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ.

Ông Trần Văn Đôn, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, nhiều gia đình không còn thách cưới, trai gái tự do yêu nhau, kết hôn khi đủ tuổi theo pháp luật quy định. Nhiều tập tục rườm rà đã được lược bỏ.

"Nhưng cái tốt, bản sắc của dân tộc mình mình vẫn giữ lại để phát huy. Phong tục tập quán quá lạc hậu mình đã bỏ dần. Ví dụ như đám cưới ngày trước là phải 2 ngày, 2 đêm, chỉ có người giàu mới cưới được vợ, còn người nghèo thì chịu. Già làng, trưởng bản, các đoàn thể mặt trận, hệ thống chính trị của mình về tuyên truyền cho bà con. Dần dần, dân người ta quen rồi, nhận thức người ta cao rồi thì những hủ tục sẽ tự loại”. - Ông Đôn nói.

Lan tỏa phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là một trong những nội dung được các cấp, các ngành ở huyện A Lưới quan tâm thực hiện, tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng.

Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, những buổi tuyên truyền, sinh hoạt câu lạc bộ… các thói quen lạc hậu, hủ tục dần dần được loại bỏ.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, huyện duy trì có hiệu quả các câu lạc bộ “Phòng chống tệ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”, câu lạc bộ “Phụ nữ sinh con một bề không sinh con thứ 3 trở lên”, câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”... Trong những buổi sinh hoạt của các Câu lạc bộ này, nội dung Luật hôn nhân gia đình, các hương ước, quy ước của làng được lồng ghép tuyên truyền đến bà con.

Năm 2021, thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy A Lưới, UBND huyện A Lưới ban hành Đề án “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn huyện A Lưới, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Nội dung quan trọng là vận động thực hiện nghiêm quy định về việc cưới, việc tang và lễ hội; không mê tín dị đoan, bói toán. Huyện quy định cụ thể không được tổ chức cưới lâu ngày linh đình, bỏ dần tục thách cưới. 

Ngày trước, một đám tang có thể kéo dài 3-4 ngày, tang gia phải mổ trâu, bò, dê cho dân làng ăn. Nay, huyện vận động bà con tổ chức tang lễ không quá 48 tiếng đồng hồ. Theo tập quán của người A Lưới, sau 3-5 năm chôn cất, người trong làng phải rủ nhau đi bốc mộ, nếu không cả làng sẽ gặp xui xẻo. Bây giờ, huyện vận động người dân không được tổ chức bốc mộ trong thời gian 5 năm, không tổ chức đám tang dài ngày gây lãng phí và tốn kém.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, đối với việc cưới huyện vận động nhân dân tổ chức gọn gàng, sang trọng, tiết kiệm. Đối với hợp hôn, huyện khuyến khích không quá 700 khách; về vu quy và thành hôn, khuyến khích từ 300 - 350 khách...

"Từ khi có Nghị quyết về từng bước ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn hôn nhân cận huyết, trong 10 năm trở lại đây A Lưới không còn hôn nhân cận huyết thống và tỷ lệ tảo hôn đã giảm hết sức rõ rệt”. - Ông Hùng khẳng định.

Đặc biệt, từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở được khơi dậy, ngày càng thấm sâu vào từng gia đình, người dân và toàn bộ đời sống xã hội.

Được biết, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện quy hoạch và triển khai xây dựng 2 làng văn hóa các dân tộc thiểu số tại huyện A Lưới và Nam Đông. 100% đại diện hộ gia đình được cung cấp các kiến thức về bình đẳng giới; khoảng 70% hộ gia đình xóa bỏ dần định kiến về giới; 100% người có uy tín trong đồng bào DTTS tích cực phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động. 100% đại diện hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số và 100% đơn vị hành chính cấp xã được cấp phát tài liệu tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.

Thanh Hà/VOV miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC