Ấm tình hữu nghị nơi đỉnh Pô Tô
Thứ ba, 00:00, 24/01/2017

(VOV) - Năm hết Tết đến, người Hà Nhì ở bản Pô Tô và những người anh em kết nghĩa ở bên kia biên giới bản Cửa Cải lại cùng ngồi tổng kết những việc đã làm được và bàn nhau thực hiện những dự định mới. Từ ngày ký kết bản - bản và trở thành anh em, mọi người có thêm điều kiện giúp nhau thoát nghèo, tính chuyện làm giàu, để rồi vun đắp thêm tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

 

Bản vùng cao Pô Tô (Huổi Luông, Phong Thổ, Lai Châu) đón chúng tôi bằng phiên chợ cuối năm nhộn nhịp và rực rỡ sắc màu. Đồng bào Hà Nhì nơi đây đã ăn nên làm ra khi nhà nhà trồng chuối. Thị trường Trung Quốc giá cả ổn định nên ai nấy chỉ lo chăm sóc chuối cho tươi tốt.


Sau tết truyền thống của dân tộc mình, tết Nguyên đán được người dân chờ đợi vì đây là dịp để con cái, cha mẹ, họ hàng xum vầy. Đến chợ phiên, ai cũng muốn mua thật nhiều đồ tốt, đồ ngon.

 

Cây chuối đã mang lại mùa xuân no ấm cho người dân bản Pô Tô, xã Huổi Luông

 

Vì vừa bán được xe chuối tại chợ được hơn 2 triệu đồng, anh Chu A Dệ, ở bản Pô Tô, cho biết: Bản ở nơi đồi núi đá dốc, nên trước kia trồng ngô, lúa và chăn nuôi chỉ đủ ăn. Cách đây 3 năm, gia đình anh chuyển toàn bộ diện tích đất nương sang trồng chuối, nên cuộc sống khá giả hơn. Có thu nhập đều từ chuối, xuân này gia đình anh không còn lo thiếu tết nữa, chỉ chờ đến ngày là mổ lợn, mời bạn bè, họ hàng và anh em kết nghĩa bên kia biên giới đến chung vui.


Anh Chu A Dệ nói: “Năm nay chuối được mùa, quả to, có tiền tiêu tết nên bà con rất vui. Lợn tết nhà mình đã có đôi tạ rồi, tiền bán chuối bổ sung vào mua quần áo mới cho cháu thôi, không phải nghĩ ngợi gì hết”.


Chăm chỉ làm ăn, Giàng A Mé, dân tộc Hà Nhì, ở bản Pô Tô, được người dân nhắc đến như vị cứu tinh của dân bản, khi đưa cây trồng mới về đất khó quê mình. Chưa đến 30 tuổi, nhưng Mé đã sở hữu 5 ô tô tải, 2 ô tô con, 2 máy xúc và nhiều tài sản có giá trị khác. Khối tài sản này Mé có được là từ hơn 15.000 gốc chuối của gia đình và mối quan hệ bạn hàng hữu hảo bên Trung Quốc.


Tết thắm tình quân dân nơi biên giới Huổi Luông


Bên nồi thắng cố chợ xuân đầu năm, A Mé kể: Thấy người dân bản Cửa Cải (Trung Quốc) trồng nhiều chuối, quen biết một người ở Cửa Cải, Mé đã xin 10 gốc về trồng. Mấy tháng sau, các buồng chuối cho quả đều tăm tắp, Mé thu hoạch và mang sang chợ Cửa Cải bán rất được giá. Từ đó, Mé bắt đầu nhân rộng diện tích chuối, rồi sau này trở thành tỷ phú chuối của bản nghèo Pô Tô. Thấy trồng chuối hiệu quả, Mé đã vận động, hỗ trợ bà con cây giống và kỹ thuật trồng. Bản Pô Tô bây giờ rất nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Giàng A Mé vui mừng cho biết: “Cây chuối thấy nước bạn bên kia làm, ai cũng nhìn thấy. Lúc đầu trồng thí điểm 400 gốc, mình cứ nhân rộng ra bây giờ đã có 15.000 gốc, mỗi năm thu gần 2 tỷ. Mình làm thì ai cũng biết thôi, họ tự làm theo, những người không biết thì mình tuyên truyền cho họ làm. Cách đây 4 năm xe máy trong bản chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng bây giờ nhà nào cũng có, ít thì có một cái, nhiều 3 đến 4 cái”.


Bản Pô Tô có 67 hộ, có tới hơn 500 ha chuối. Nhờ chuối nên nhà nào cũng có xe máy và cả bản đã có hơn 20 ô tô. Trưởng bản Lý A Khớ cho biết: Có được điều này là nhờ mối quan hệ kết nghĩa giữa 2 bản Pô Tô - Cửa Cải. Từ khi kết nghĩa năm 2014, người dân hai bản đã coi nhau như anh em, cùng giúp đỡ, hướng dẫn nhau làm ăn. Việc tiêu thụ chuối sang Trung Quốc thì càng thuận lợi. Đón Tết năm nay, các gia đình ở bản sẽ mổ nhiều lợn và gói nhiều bánh chưng hơn để còn mang tặng anh em bên Cửa Cải. Đã là anh em rồi thì miếng ngon phải xẻ nửa để cùng vui.


Trưởng bản Lý A Khớ nói: “Bạn - bạn như thế này thì vấn đề kinh tế giúp đỡ với nhau, trao đổi hàng hóa. Cũng là cùng dân tộc với nhau thì tổ chức đón tết thường đi mời bạn về hoặc sang bên kia biên giới cùng vui chơi. Bản mình năm nay mỗi nhà một con lợn tết khoảng 50kg trở lên, làm bánh trôi với bánh chưng”.


Đường lên biên giới Pô Tô hai bên phủ kín màu xanh của chuối - thứ cây đã đem lại ấm no cho bản làng.
 


 


Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC