"Bà đỡ" của người dân nghèo tại các địa phương nông thôn, miền núi
Thứ năm, 07:35, 06/06/2024 Thu Hoà VOV4 Thu Hoà VOV4
VOV4.VOV.VN: Tín dụng chính sách xã hội là việc Nhà nước tổ chức huy động các nguồn lực tài chính để cho vay ưu đãi các hộ nghèo, đối tượng chính sách và đồng bào DTTS nhằm hỗ trợ vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, từ đó cải thiện đời sống, hạn chế tình trạng đói, nghèo cho nhóm đối tượng này. Hiện nay, tín dụng chính sách xã hội là một trong những công cụ, giải pháp quan trọng của Đảng và Nhà nước trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 

Trong nhiều năm qua, nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống người dân. Đồng thời góp phần ngăn chặn hiện tượng cho vay nặng lãi, tín dụng “đen”, bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào DTTS.

Tín dụng chính sách - “trợ lực” giúp đối tượng yếu thế thoát nghèo

Thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội- Chi nhánh tỉnh Nghệ An đã triển khai có hiệu quả các chương trình giúp các đối tượng thụ hưởng có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường đầu tư mọi nguồn lực phát triển các mô hình kinh tế, tiếp tục coi tín dụng chính sách là công cụ trụ cột trong giảm nghèo bền vững.

Đích đến của các lực lượng tham gia vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Nghệ An nói chung và 11 huyện miền núi nói riêng, không chỉ là giúp đồng bào đủ ăn, đủ mặc, mà quan trọng hơn là giúp đồng bào thoát nghèo một cách bền vững. Xác định rõ mục tiêu, Ngân hàng Chính sách Xã hội luôn quan tâm đầu tư cho các huyện miền núi. Ông Lê Thanh Bình, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hưng Nguyên- tỉnh Nghệ An cho biết: “Công tác kiểm tra giám sát được làm khá bài bản, nghiêm ngặt, không những tổ tiết kiệm vay vốn mà tổ chức Hội nhận uỷ thác cấp xã, ban giảm nghèo của xã, ngân hàng cũng chú trọng thường xuyên việc này, đưa ra kế hoạch từ đầu năm, ở góc độ vốn tín dụng chính sách nó góp phần quan trọng giải quyết công ăn việc làm cho lao động dôi dư có đồng vốn, rất hiệu quả là đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, thứ 2 là tạo thu nhập cho người dân. Tất cả các chương trình trên địa bàn đều được triển khai: hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, hộ mới thoát nghèo cũng có nhu cầu, và tất cả các chương trình mình đều cho vay trôi chảy”.

Ngoài việc các hộ gia đình thuộc vùng miền núi được thụ hưởng 100% chính sách tín dụng như các hộ vùng đồng bằng, đô thị; Ngân hàng Chính sách xã hội- Chi nhánh tỉnh Nghệ An còn giảm 50% lãi suất đối với đối tượng hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều hộ đồng bào DTTS, từ sợ vay, không dám vay nay đã mạnh dạn vay vốn; từ vay vốn nhưng không biết gia tăng giá trị đồng vốn, đến nay đã mở rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả. Quan trọng hơn, khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, đồng bào đã thay đổi nhận thức, có ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo. Qua đó, từng bước nâng cao trình độ sản xuất cũng như khả năng quản lý vốn để dần vươn lên làm giàu. Anh Hoàng Xuân Nam, Xóm 4, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An tự hào nói về đàn gà hơn 6000 con nuôi lấy thịt, phát triển lên từ vốn vay Ngân hàng Chính sách: “Khi vay nhỏ lẻ 150 triệu đồng, cán bộ địa phương họ cũng làm thủ tục nhanh thôi, vay hiệu quả, mình được trả dần theo tiền quỹ tiết kiệm cũng tốt, giờ theo mô hình quy hoạch công nghệ cao của huyện, mình vay vốn thêm năm ngoái được 450 triệu, giờ phát triển làm ăn được, hơn 2 tỷ rồi, thị trường có khách hàng thường xuyên, lãi theo thị trường, đời sống ổn định hơn”.

Đến cuối năm ngoái, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An đã thực hiện 23 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ hơn 12.600 tỷ đồng, cho hơn 200 nghìn khách hàng là hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Trong đó, các chương trình tín dụng phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tiếp cận đến hơn 2.000 hộ gia đình, với số tiền hơn 100 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy nhóm đối tượng này phát triển kinh tế, giảm thiểu tái nghèo. Chị Nguyễn Thị Tú Lệ, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo cho biết khoảng gần 400 hộ được vay vốn Ngân hàng chính sách, quy trình qua Tổ vay vốn tiết kiệm, vừa nắm sát nhu cầu, hoàn cảnh thực tế của các hộ nghèo, họ vay vốn phát triển kinh tế, chăn nuôi, kinh doanh, giải quyết việc làm, cơ bản chấp hành tốt.

Tín dụng chính sách- Sinh kế của người nghèo DTTS ở Quảng Bình

Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã đáp ứng 100% nhu cầu cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm…, góp phần đáng kể cho mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã đến đúng đối tượng thụ hưởng, các hộ vay vốn đầu tư đúng mục đích, chất lượng tín dụng luôn được nâng cao.

Quảng Bình có hơn 64 xã, thị trấn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 40 xã, 27 thôn bản đặc biệt khó khăn, gần 6.000 hộ đồng bào DTTS. Tính đến hết năm ngoái, tổng dư nợ các chương trình tín dụng do Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình thực hiện đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đã tạo sinh kế giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển. Bên cạnh đó, NHCSXH Quảng Bình tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, chất lượng các Tổ Tiết kiệm và vay vốn, Điểm giao dịch tại xã, thị trấn... đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Bà Phan Thị Minh Thảo- Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch cho biết: “tổng số hộ vay trên toàn huyện trên 17.000 hộ, chủ yếu bà con vay chăn nuôi bò, thuỷ hải sản, làng nghề rèn và các sản phẩm OCOP, trồng keo, khoanh nuôi bảo vệ rừng. Tất cả đều là vay tín chấp qua hội đoàn thể, Ngân hàng nhờ các tổ chức trong thôn hướng dẫn thủ tục, bà con không phải thế chấp tài sản, giải ngân cũng tại xã, phục vụ tận nơi, nên đều chấp hành tốt, hiện phòng giao dịch chỉ có tỷ lệ nợ quá hạn 0.05%”.

Tính đến tháng 3 năm nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bố Trạch đã giải ngân trên 12 tỷ đồng nguồn vốn, giải quyết việc làm cho trên 150 lao động để đầu tư chăn nuôi, mở rộng mô hình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các cơ sở sản xuất kinh doanh có các sản phẩm OCOP.

Vợ chồng anh Nguyễn Xuân Huấn và chị Nguyễn Thị Hồng, ở xóm 4 thôn Hàm Môn là một trong những tấm gương điển hình trong phát triển sản xuất chăn nuôi của địa phương. Trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo của xã Cự Nẫm, không có công ăn việc làm ổn định nên cuộc sống rất khó khăn. Khi được vay tối đa 1 lần mức cao nhất là 100 triệu đồng, vợ chồng anh đầu tư để chăn nuôi bò sinh sản và trồng rừng. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và chú ý chăm sóc nên 1,5 ha rừng keo tràm của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt, đàn bò 10 con đang trong quá trình sinh sản tốt. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, gia đình anh chị đã thoát nghèo bền vững, cuộc sống dần cải thiện.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh- Phó giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Bình, các chính sách dành cho đối tượng vay vốn là người DTTS đã mang lại hiệu quả trong việc tập trung nguồn vốn giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của đồng bào, như: vốn để sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi, tạo việc làm, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn…. Theo đó, Ngân hàng nhận được sự đồng hành thường xuyên, liên tục của các Sở, Ban Ngành liên quan, như Ban Dân tộc, Sở Nông nghiệp, Sở Lao động Thương binh xã hội… cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số, rất thiết thực, kết nối từ Ngân hàng tới người dân, qua cấp uỷ chính quyền địa phương, làm việc công khai minh bạch, rất hiệu quả, vì mục tiêu chung là ngày càng nhiều đồng bào DTTS được đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương.

Tín dụng chính sách xã hội – Đòn bẩy phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tham mưu cho các cấp chính quyền thực hiện hiệu quả Chương trình cho vay ưu đãi đối với các hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ các nguồn vốn ưu đãi, đã tạo đòn bẩy giúp đồng bào từng bước vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Vùng cư trú của đồng bào DTTS là những nơi khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội. Với đặc thù đó, nhiều chính sách phát triển kinh tế vùng DTTS đã phát huy hiệu quả và làm thay đổi toàn diện đời sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có chính sách về tín dụng ưu đãi.

Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách và Xã hội đã thực hiện nhiều chính sách như vay vốn hộ nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ hộ nghèo làm nhà. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Để hộ nghèo thực sự là giảm nghèo theo đúng nghĩa, chúng tôi tập trung giao cho các tổ chức thành viên, cho cơ sở có định hướng về phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào còn khó khăn. Trong đó quan tâm tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, Mặt trận và các đoàn thể đến tận từng hộ gia đình để hướng dẫn và tạo điều kiện, định hướng các mô hình để nhân dân phát triển kinh tế, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn không lãi, qua đó phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững”.

Toàn tỉnh Đắk Lắk 3 năm gần đây đã đào tạo nghề cho hơn 7.000 lao động nông thôn, trong đó có hơn 6.000 lao động người dân tộc thiểu số. Sau đào tạo, trên 80% học viên có việc làm mới hoặc được nâng cao tay nghề cho năng suất, thu nhập cao hơn. Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Chúng tôi đã ký kết chương trình liên tịch với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động; trao đổi, làm việc với các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh để tăng cường kết nối thông tin, đưa các ngành nghề họ đang cần thiết để đào tạo. Đối với lao động tự tạo việc làm thì chúng tôi cũng đã làm việc với ngân hàng chính sách. Trên cơ sở phương án của từng người lao động sẽ hỗ trợ cho vay vốn với bình quân khoảng 50 triệu một người".

Ông Phan Văn Pháp, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Quảng Trị cho biết: đến nay, địa phương đã có 150 thanh niên người dân tộc thiểu số được vay gần 10 tỷ đồng đi xuất khẩu lao động. Ngân hàng đã phối hợp với Ngành Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cùng các đơn vị tuyển dụng tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến chính sách, tư vấn cho lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm ở nước ngoài. Các ngành nghề chủ yếu được giới thiệu là xây dựng, thu hoạch nông sản, sản xuất hàng thủ công ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Thanh niên đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài chăm chỉ làm ăn, chấp hành tốt quy định hợp đồng vay vốn, chuyển tiền về nước trả nợ. Sau khi về nước, có vốn để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.

Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội có gần 200 nghìn tổ tiết kiệm và vay vốn, phân bổ đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố; hoạt động tại hơn 10.000 điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước, được tổ chức nền nếp, hiệu quả với phương thức “giao dịch tại nhà; thu nợ, giải ngân tại xã”. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được “phủ sóng” đến 100% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, gần 43 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi với doanh số cho vay gần 830 nghìn tỷ đồng. Hầu hết số hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng chính sách xã hội. Đặc biệt có hộ vay vốn từ 2 - 3 chương trình tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững.

Thực tế, qua hơn 20 năm thực hiện, tín dụng chính sách đối với khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS thực sự có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng cùng cấp uỷ chính quyền địa phương thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, triển khai kịp thời nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đến các hộ nghèo và đối tượng chính sách, tín dụng chính sách đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

 

            

 

Thu Hoà VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC