Đợt mưa bão vừa qua, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới có khoảng 75ha diện tích ngô, lúa ven sông, suối bị thiệt hại và khoảng 100ha rừng trồng bị ảnh hưởng. Xã nằm ở vùng hạ lưu sông Cầu qua tỉnh Bắc Kạn nên nhiều khu vực nước ngập đến 2 ngày mới rút hết. Ngay khi nước rút khỏi các chân ruộng, người dân đã chủ động khơi dòng để nước thoát nhanh hơn và dựng lại những cây bị rạp đổ và bùn vùi lấp; Hệ thống kênh mương cũng được nạo vét lại ngay để có nước thau rửa bùn đất; Một số diện tích rừng trồng 2-3 năm tuổi ở xã bị đổ do gió mạnh cũng được các gia đình hỗ trợ nhau để dựng lại...
“Khu nhà tôi lúa coi như hỏng hết, ngập 2 ngày nên bông đen lại rồi, còn ngô mới trồng lũ cũng đẩy hết cả đất lên, coi như mất trắng. Còn cây rừng cũng đổ 50-60%, giờ để thì không bõ mà trồng lại thì mất công sức 2-3 năm vừa rồi. Bà con cũng đều mong Nhà nước hỗ trợ được phần nào để bớt vất vả đi”- Chị Dương Thị Mát (xã Quảng Chu) cho biết.
Hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn khiến hơn 2.200 ha ngô, lúa của Bắc Kạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có hơn 1.000ha lúa, hơn 700ha ngô, hoa màu và khoảng 250ha cây lâm nghiệp. Do đặc thù lũ ở vùng cao lên nhanh, xuống nhanh nên ngay khi lũ rút, chính quyền các địa phương đã yêu cầu người dân kiểm tra đồng ruộng để có thể khắc phục ngay. Với các diện tích lúa mùa bị ngập úng, yêu cầu sớm nhất phải khơi được dòng chảy, dọn được bùn, rác và chú ý xử lý ốc bươu vàng cũng như các loại sâu hại khác.
Ông Nguyễn Vũ Mão, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Chúng tôi nhắc nhở người dân, với diện tích ngô, lúa có thể phục hồi cần khẩn trương sục bùn, làm cỏ và có thể bón phân qua lá để kích thích phục hồi. Còn diện tích không thể phục hồi cần chuẩn bị sẵn đất, trồng các loại rau màu ngắn ngày, vì khí hậu ở đây phù hợp các loại rau, nhằm kịp cung ứng thị trường, bù đắp lại thiệt hại do mưa lũ gây ra”
Sở NN&PTNT Bắc Kạn đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn tập trung toàn bộ nhân lực, cán bộ kỹ thuật xuống từng địa phương, đánh giá tình hình từng khu vực, phân loại thiệt hại theo các mức độ để có giải pháp khắc phục phù hợp; dự báo các loại sâu bệnh có thể phát sinh sau lũ để tránh lây lan diện rộng, nhất là các loại như ốc bươu, sâu đục thân, sâu cuốn lá hay dịch trên đàn gia súc.
Với các diện tích không thể phuc hồi, tỉnh Bắc Kan yêu cầu các địa phương hướng dẫn, đôn đốc người dân chủ động làm đất và đề xuất các loại cây trồng thay thế để kịp thời vụ. Yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, lên kế hoạch cụ thể để ngành nông nghiệp cũng như các đơn vị chuẩn bị các loại vât tư cần thiết như giống, phân bón, thuốc trừ sâu,.. kiên quyết không để người dân thiếu vật tư, cây con giống cũng như không để xảy ra tăng giá bất thường.
Ông Nguyễn Duy Diệp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Kạn cho biết thêm, bên cạnh phục hồi nông, lâm nghiệp, công tác vệ sinh môi trường, phục hồi chăn nuôi, phòng tránh dịch trên đàn gia súc cũng đang được địa phương chú ý đặc biệt, nhất là Bắc Kạn vừa qua đợt dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tất cả các xã, thị trấn khiến người chăn nuôi thiệt hại nặng nề.
Theo phương án khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất được Bắc Kạn đưa ra, đối với diện tích cây trồng vụ mùa không có khả năng khôi phục cần khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, áp dụng linh hoạt các phương thức làm đất, theo phương châm gieo trồng càng sớm càng tốt. Các diện tích đang trồng ngô được khuyến khích tiếp tục trồng ngô chăn nuôi hoặc ngô ngọt với thời vụ gieo trồng trước ngày 30/9. Các diện tích lúa, cây rau màu có thể chuyển qua các lại như cây Khoai lang, Lạc lai, đậu đũa, ớt chỉ địa với thời gian xong trước 10/10 hoặc cây khoai tây thời gian trồng có thể kéo dài đến tháng 11/2024.../.
Viết bình luận