“Ngày tôi về nhà chồng thì bố mẹ cũng hoàn cảnh, nên chỉ lo cho con vài cái chăn, cái đệm để sử dụng và khăn piêu, gối thổ cẩm đem biếu bố mẹ chồng. Còn của cải vật chất lúc đó chỉ có anh em họ hàng thân thích bên ngoại mỗi người góp cho 1-2 con gà để gây giống. Vậy mà vợ chồng biết thương yêu nhau, cùng nhau chịu khó trồng trọt, chăn nuôi thì cũng có của ăn của để, gia đình hoà thuận, hạnh phúc, có dâu có rể như người ta.
Đúng như chia sẻ của bà Tòng Thị Vinh, ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, từ xa xưa, khi con gái về nhà chồng, bố mẹ người Thái bao giờ cũng cho mang theo của hồi môn, nhưng chỉ là những đồ dùng khiêm tốn nhưng thiết thực do tự tay người con gái Thái làm ra như chăn, đệm, vải vóc hay một số đồ nông cụ. Điều này thể hiện nét nhân văn trong cuộc sống của cộng đồng người Thái về trách nhiệm của cha mẹ, luôn lo lắng cho con cái; giáo dục con cái đức tính cần cù lao động.
Hồi môn cho con về nhà chồng theo nghi thức truyền thống của đồng bào Thái.
Còn bây giờ, vì sao trong nhiều bản đồng bào Thái ở Sơn La, tình trạng nhà nhà lo của hồi môn đắt đỏ cho con về nhà chồng lại diễn ra phổ biến, có nơi trở thành phong trào. Ông Cầm Vui, một nghệ nhân ưu tú người Thái ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La, rất băn khoăn, trăn trở về sự biến tướng này. Ông cũng đã sáng tác nhiều bài hát về chủ đề này
Ông Cầm Vui cho biết: Do điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, những nhà có điều kiện muốn lo cho con tươm tất. Những nhà khác thấy vậy cũng làm theo và cứ như vậy, gần như thành phong trào của bản, ganh đua giữa nhà này với nhà khác.
Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa, theo ông Đỗ Thế Công, phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và du lịch tỉnh Sơn La: Hiện nay, trong sự phát triển của cơ chế thị trường, việc tổ chức các nghi lễ trong đám cưới của đồng bào Thái đang chịu những tác động lớn nên xảy ra sự biến tướng ở một số nghi lễ trong đám cưới là điều không tránh khỏi. Đặc biệt là việc tặng quà tràn lan, quà đều mua ở chợ, kể cả chăn đệm trước kia tự làm, nay cũng mua ở chợ. Của hồi môn của một số gia đình cho con gái về nhà chồng còn mang tính ganh đua, cho bằng chị, bằng em, không có thì đi vay mượn.
Việc các gia đình ở nhiều làng đồng bào Thái đua nhau chuẩn bị hồi môn đắt đỏ, tốn kém cho con gái về nhà chồng đã gây ra những hệ lụy thấy rõ. Điều này đòi hỏi các ngành chức năng ở tỉnh Sơn La phải tiếp tục tập trung nhiều giải pháp để vận động đồng bào thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, bài trừ các hủ tục lạc hậu, cùng những biến tướng gây phản cảm trong đời sống.
Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa, theo ông Đỗ Thế Công, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La: Hiện nay, trong sự phát triển của cơ chế thị trường, việc tổ chức các nghi lễ trong đám cưới của đồng bào Thái đang chịu những tác động lớn, nên xảy ra sự biến tướng ở một số nghi lễ trong đám cưới là không tránh khỏi. Đặc biệt là việc tặng quà tràn lan, quà đều mua ở chợ, kể cả chăn đệm trước kia tự làm, nay cũng mua ở chợ.
“Trong nhiều năm qua, ngành Văn hóa-Thể thao và du lịch đã tham mưu để triển khai có hiệu quả việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước trong việc cưới, việc tang và việc thực hiện quy ước, hương ước trong đời sống và xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền vận động người dân để bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có lễ cưới. Về chuyên môn, Sở đã cùng các ngành, huyện, thành phố thực hiện các dự án, chương trình bảo tồn phát huy các di sản văn hóa, phục dựng và giới thiệu các nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào Thái, trong đó có lễ cưới để tuyên truyền, vận động, định hướng người dân”. Ông Đỗ Thế Công cho biết.
Cưới xin không thách cưới, không nhiều của hồi môn, vợ chồng Vì Thị Hiền tích cực làm kinh tế từ thâm canh cà phê.
Việc các gia đình ở không ít bản làng đồng bào Thái đua nhau chuẩn bị hồi môn đắt đỏ, tốn kém cho con gái về nhà chồng đã gây ra những hệ lụy thấy rõ. Các ngành chức năng, chính quyền các cấp ở tỉnh Sơn La cần tiếp tục có nhiều giải pháp để vận động bà con thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, cùng những biến tướng gây phản cảm trong đời sống. “Về việc này, chúng tôi sẽ cố gắng tuyên truyền bà con nhân dân để làm sao giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, nét đẹp trong đám hiếu, hỷ”. Ông Lèo Văn Tình, phó Chủ tịch UBND xã Hua La nói.
Được tuyên truyền, có những bạn trẻ người Thái cũng đã vận động cha mẹ tổ chức đám cưới theo đúng nghi lễ truyền thống của dân tộc. Như đôi bạn trẻ Vì Văn Bun, Vì Thị Hiền ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, đám cưới của họ không thách cưới, không hồi môn đắt đỏ nhưng cuộc sống nhiều năm vẫn hạnh phúc, kinh tế gia đình ổn định từ chính đôi tay cần cù lao động của mình. “Cứ chăm chỉ lao động chắc chắn sẽ có tiền. Mà đồng tiền từ mô hôi công sức của mình mới thật sự đáng quý”. “Yêu thương nhau nên vợ nên chồng là điều quan trọng nhất. Chúng mình còn trẻ, phải chăm lo lao động thôi”. Vì Văn Bun và Vì Thị Hiền chia sẻ suy nghĩ của mình như vậy.
Gia đình vợ chồng trẻ Bun - Hiền cũng mở thêm dịch vụ kinh doanh suối nước nóng kết hợp ẩm thực dân tộc để phát triển kinh tế gia đình.
Đồng bào Thái có câu truyền miệng “của mình tự làm ra như mỏ, của bố mẹ để lại như lũ trôi sông”. Của cải vật chất rất quý, nhưng không phải là tất cả. Hạnh phúc lứa đôi phải được xây đắp từ sự yêu thương, chia sẻ và đồng lòng dựng xây cuộc sống từ đôi bàn tay lao động của các cặp vợ chồng trẻ. Làm thế nào để không còn “Hồi môn cho con- cha mẹ cõng nợ”? Ngoài các giải pháp của chính quyền, các ngành chức năng, cần sự thay đổi nhận thức của chính mỗi gia đình đồng bào khi có con đến tuổi dựng vợ, gả chồng./.
Bích Thủy-Tòng Anh-VOV Tây Bắc
Viết bình luận