Xóm 1, thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định nằm sát chân núi Cấm. Tháng 11/2021, mưa lớn gây sạt lở, hơn 35.000m3 đất đá trên đỉnh núi Cấm đổ xuống khu dân cư, chảy vào nhà và sân vườn của hơn 40 hộ dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của 117 gia đình.
Bà Lê Thị Lấn (72 tuổi), ở thôn Chánh Thắng gần điểm sạt lở núi Cấm. Đã 2 năm trôi qua nhưng bà Lấn vẫn nhớ như in vụ sạt lở cách đây hai năm . Đất đá từ trên núi trôi xuống làm vỡ tường rào và trôi vào nhà. Bà Lấn lo lắng, cứ có mưa lớn hoặc mưa kéo dài là cả gia đình không dám ở trong nhà. Năm trước, bà Lấn được thông báo gia đình bà thuộc diện di dời tái định cư tránh điểm sạt lở núi Cấm nhưng đã hơn một năm chưa thấy di dời:
“Năm 2021, bờ rào làm đàng hoàng nhưng sạt lở núi đất đá trôi xuống làm sập hết. Tôi đã dùng bao cát tạo thành bức tường rào để ở. Hiện nay ở sợ lắm, đang chụm củi nấu cơm mà trời mưa lớn là xách gói chạy, không dám ở đây. Từ 2021 đến nay 2023 rồi nhưng chưa thấy di dời. Bây giờ đi cũng lo vì mình không tiền. Ở đây thì rất sợ sạt lở, tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ di dời khỏi khu này.” - Bà Lê Thị Lấn cho biết.
Sau khi xảy ra sạt lở, tỉnh Bình Định đã công bố tình huống khẩn cấp về tình trạng sạt lở tại núi Cấm, thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát. Tháng 8 năm ngoái, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng khu tái định cư di dời khẩn cấp các hộ dân trong vùng sạt lở núi Cấm, giao UBND huyện Phù Cát làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư cho dự án 32 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư công của tỉnh Bình Định hỗ trợ 70% chi phí xây dựng, phần còn lại sử dụng vốn đầu tư công huyện Phù Cát và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Quy mô dự án này gồm các hạng mục: Chỉnh trị dòng chảy thoát nước lưu vực núi Cấm, san nền mặt bằng khu tái định cư với diện tích 27.603 m2 và làm đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân tái định cư. UBND tỉnh Bình Định giao huyện Phù Cát thực hiện các hạng mục này trong thời gian 2 năm (từ năm 2022-2023). Thế nhưng cho đến nay, chủ đầu tư và các nhà thầu mới thực hiện cơ bản hoàn thiện phần chỉnh trị dòng chảy thoát nước lưu vực núi Cấm. Trong khi đó, phần khu tái định cư thì dở dang, nhà thầu mới đổ được một ít đất nền. Ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết:
“Khu tái định cư núi Cấm đến nay các thủ tục đấu thầu đã xong, nhà thầu đang thi công. Tuy nhiên đang vướng, bây giờ mỏ đất làm thủ tục rất là lâu. Sau khi trúng thầu, nhà thầu mới đi tìm mỏ đất làm thủ tục để có mỏ đất san lấp khu tái định cư lại. Mùa mưa sắp đến, khả năng bố trí tái định cư cho người dân vùng sạt lở không kịp, do đó huyện Phù Cát cập nhật khu vực sạt lở núi Cấm vào phương án phòng chống thiên tai để di dời một số hộ dân có nguy cơ cao, đưa ra trụ sở thôn hoặc trường mẫu giáo thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành.”
Ngày 12/9 vừa qua, Tổ Kiểm tra số 2 về công tác phòng chống thiên tai của UBND tỉnh Bình Định đã kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tình hình sạt lở tại khu vực núi Cấm, thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát. Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định thông tin: "Hiện những khu vực sạt lở, cây cối đã lên chồi xanh. Huyện Phù Cát đã làm một mương thoát nước nhằm thay đổi dòng chảy từ điểm sạt lở xuống khu dân cư. Việc này cơ bản hạn chế được một lượng lớn đất đá đổ xuống khu dân cư nếu xảy ra mưa lớn kéo dài. Trong thời gian chưa hoàn thiện khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở núi Cấm, huyện Phù Cát phải có phương án đảm bảo an toàn cho người dân vào mùa mưa, đặc biệt là công tác di dời dân và sử dụng lực lượng tại chỗ để ứng phó thiên tai. Còn xây dựng khu tái định cư thì hiện UBND huyện Phù Cát đang tiến hành thực hiện. Các vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở sơ tán dân cũng đã được lên danh sách rồi. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo cho các địa phương chủ động sơ tán dân khi có mưa lớn.” - Ông Hồ Đắc Chương nói về phương án ứng phó trước mắt./.
Viết bình luận