Bình Phước phòng bệnh sốt xuất huyết
Thứ hai, 00:00, 22/08/2016

(VOV) - Tại Bình Phước, số người mắc bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng, với khoảng 1.800 ca, cao gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2015. Người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới cần tích cực phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

 

Gia đình ông Điểu Năm, ở ấp Sóc Tranh 3, xã Quang Minh, huyện Chơn Thành, có 9 người, thì 3 người mắc bệnh sốt xuất huyết. Ông Năm cho biết vào giữa tháng 7, đứa cháu nội của ông bị bệnh, thấy cháu nóng sốt, đưa tới bệnh viện huyện thì bác sĩ nói cháu bị mắc bệnh sốt xuất huyết. Nằm viện được 5 ngày, rồi đến cha nó, và vừa rồi là đến lượt ông. Cả nhà thay phiên nhau nằm viện. Khỏi bệnh, sức khỏe ông yếu đi rất nhiều, chẳng mần ăn gì được. Bà con trong ấp, hầu như nhà nào cũng có người mắc bệnh sốt xuất huyết.

 

Được bác sĩ tuyên truyền nguyên nhân dẫn đến bệnh sốt xuất huyết trong thời gian nằm viện, nên khi về nhà, ông Điểu Năm rất sốt sắng trong việc phòng bệnh: “Nghe cán bộ nói không có lăng quăng là không có muỗi truyền bệnh, không có muỗi truyền bệnh là không có bệnh sốt xuất huyết”.

 

Khi có chiến dịch diệt lăng quăng, ông đã vận động người thân tích cực tham gia: "Đi kiểm tra xung quanh nhà, khắp nơi trong ấp, thấy có những lốp xe, những mảnh sành, vỏ dừa có nước đọng hay những chum, vại, lu đựng nước mưa không có nắp đậy, thì chúng tôi xử lý hết. Bởi vì đây là nơi sống lý tưởng cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra còn phát quang bụi rậm, thông thoáng đường cống thoát nước".

 

 

Nhiều người dân đã chủ động phòng bệnh.  Ảnh: dantri.com

 

Không chỉ tích cực diệt lăng quăng, diệt muỗi, nhiều người chủ động phòng chống muỗi đốt bằng nhiều cách như: Ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay cho trẻ, dùng nhang xua muỗi hoặc bình xịt muỗi cá nhân.

 

Ông Điểu Nông, ở thôn 6, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, cho biết gia đình ông cũng có 2 đứa con vừa bị mắc bệnh sốt xuất huyết. Thấy con có biểu hiện nóng, sốt, bỏ ăn là gia đình đưa ngay đến cơ sở y tế. Do nằm sâu trong rừng, nhà cửa được xây dựng bên cạnh các lô cao su, nên mỗi khi mùa mưa đến, muỗi rất nhiều. Không chỉ hoành hành vào ban đêm mà ngay cả ban ngày muỗi vẫn đốt như thường.

 

"Thì chỉ biết phòng là chính thôi, chứ biết làm sao bây giờ. Thấy cán bộ xuống phun thuốc diệt muỗi, nhưng đâu phải ngày nào cũng phun đâu. Vì vậy mình chủ động là chính. Cho trẻ con ngủ mùng, người lớn cũng vậy, ban ngày bôi thuốc chống muỗi cho nó chơi. Còn nhà cửa thì mình dọn dẹp cho thoáng mát" - ông Nông nói.

 

Giặt màn bằng hóa chất y tế để đẩy lùi sốt xuất huyết.  Ảnh:dantri.com


Tình hình sốt xuất huyết ở tỉnh Bình Phước đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2015, tuần sau cao hơn tuần trước. Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.800 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần 5 lần so cùng kỳ năm 2015. 11/11 huyện/thị đều có số ca mắc tăng.

 

Tuy chưa có con số tử vong do bệnh sốt xuất huyết, nhưng tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên việc phòng bệnh được ngành y tế Bình Phước tích cực triển khai. Trong 2 tháng (6,7) vừa qua, đã thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng tại 16 xã/phường, thị trấn có số ca bệnh tăng cao; phát hiện và xử lý 54/58 ổ dịch sốt xuất huyết tại 11 huyện/thị bằng biện pháp phun hóa chất kết hợp với diệt lăng quăng. Công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia vào công tác phòng bệnh sốt suất huyết được ngành y tế tỉnh Bình Phước chú trọng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Thời gian tới là cao điểm của mùa mưa, cũng là lúc muỗi sinh sôi phát triển.

 

 

 

Thụy Sỹ/VOV-TP.HCM

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC