Lo không đảm bảo sĩ số
Năm học mới 2023-2024 này, Trường Tiểu học và THCS Phan Dũng, xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong có tổng số 226 học sinh ở 2 cấp học. Đến nay, phòng học, trang thiết bị tại 4 điểm trường cơ bản đáp ứng việc dạy học.
Phan Dũng là xã miền núi của huyện Tuy Phong, chủ yếu là đồng bào Raglei và học sinh được hỗ trợ học phí 200.000/tháng trong 9 tháng học theo Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh năm 2021. Việc dạy coi như tạm ổn, nhưng việc học thì còn nhiều lo ngại khi vận động học sinh đến lớp không dễ dàng.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phan Dũng cho biết, vào dịp hè, các em thường theo phụ huynh lên nương rẫy, giờ tập hợp các em ra trường rất khó khăn. Đầu năm học nào cũng vậy, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương, hội khuyến học đi đến tận nhà để vận động học sinh đi học.
Trường THCS Phan Thanh, huyện Bắc Bình, nơi có đông con em là người Chăm theo học, năm nay có 671 học sinh của 18 lớp. Theo kế hoạch, vào ngày 29/8 tới, học sinh tựu trường chuẩn bị cho năm học mới. Bà Phạm Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Thanh cho biết, nhà trường đã sẵn sàng các điều kiện cho việc dạy và học, giờ chỉ chờ học sinh đến lớp.
"Việc khó khăn nhất đối với nhà trường là công tác vận động học sinh ra lớp đầu năm. Đặc biệt trong năm học này sẽ áp dụng thu học phí theo quy định mới. Đối với mức thu cũ của trường trong những năm học trước là 270.000 đồng/học sinh/năm, mức mới bây giờ là 450.000 đồng/học sinh/năm. Với mức thu cũ cũng đã khó khăn rồi so với điều kiện kinh tế của đồng bào dân tộc, bây giờ với mức mới này càng khó khăn hơn nữa." - Bà Phạm Thị Thanh Vân cho biết thêm.
Huyện Bắc Bình là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Thuận với 7 xã thuần trong 18 xã, thị trấn của huyện. Trong đó, có 3 xã thuần đồng bào Chăm và 4 xã thuần đồng bào K’ho, Raglei. Trong năm học mới 2023-2024 này, toàn huyện có 67 trường học ở các cấp, với tổng số 27.352 học sinh.
Bà Lê Thị Kim Hoa, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận bộc bạch: chuẩn bị cho năm học mới, huyện đã chi gần 15 tỷ đồng để sửa chữa trường lớp học, mua sắm mới và sửa chữa bàn ghế, trang thiết bị.
Lo học phí tăng
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận, trong năm học mới 2023-2024 này, toàn tỉnh có hơn 311.100 học sinh (4 cấp học) với 9.772 lớp.
Để tránh tình trạng lạm thu các khoản đóng góp đầu năm học và trong năm học, cuối tháng 7 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Trường THPT công lập để triển khai quán triệt tổ chức thực hiện các khoản thu trong năm học, đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật.
Còn về mức đóng học phí trong năm học mới này, ngành thực hiện theo Nghị quyết số 05 ngày 11/7/2023 của HĐND tỉnh Bình Thuận, trong đó quy định mức thu học phí theo mức thấp nhất của Nghị định 81, ngày 27/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo bà Nguyễn Thị Toàn Thắng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận, mức thấp nhất này so với học phí năm học 2022- 2023 vẫn tăng. Mức tăng cụ thể từ 3 đến 5 lần tuỳ theo địa bàn, khu vực nên sẽ là khó khăn cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
"Hiện nay, Sở Giáo dục và đào tạo cũng đã có văn bản xin ý kiến Bộ Giáo dục và đào tạo về việc cho phép tạm thu theo mức thu của năm học 2021-2022 nghĩa là mức thu chưa tăng. Trong thời gian tới Sở Giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục theo dõi, phản hồi từ Bộ Giáo dục và đào tạo để có thông tin chính thức với phụ huynh học sinh toàn tỉnh." - Bà Nguyễn Thị Toàn Thắng cho biết.
Năm học mới 2023- 2024 cận kề, để phần nào chia sẻ khó khăn với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các ban, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh Bình Thuận đang chung tay vận động tặng đồng phục, dụng cụ học tập, bảo hiểm y tế... cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em an tâm đến trường./.
Viết bình luận