Cảnh báo ngộ độc nấm ở miền núi
Thứ sáu, 00:00, 14/07/2017
VOV4.VN - Lâu nay, đồng bào dân tộc ở miền núi Ninh Thuận thường lấy nấm rừng làm thực phẩm hằng ngày. Sau khi ngành y tế, chính quyền các cấp tuyên truyền, người dân đã thận trọng hơn trong việc sử dụng nấm rừng. Tuy nhiên, không ít đồng bào vẫn còn chủ quan với các loại nấm rừng không rõ nguồn gốc.

Năm ngoái, anh Ka tơr Nhu, ở thôn Ma Dú, xã Phước Thàn, huyện Bác Ái, cùng hàng xóm đi rừng hái măng, bẫy thú. Khi lên rừng, các anh đã hái nấm rừng để nấu ăn, không may hái phải nấm có độc nên mọi người đều bị ngộ độc. May mắn đây chưa phải là loại nấm có độc tố mạnh nên không nguy hiểm đến tính mạng.

Anh Katơr Nhu kể: “Năm ngoái, ăn nấm độc trên rừng, một đêm đó là ói hết nói. Bắt đầu là lấy sợi dây máu đập, đập xong lấy cùi bắp đốt khét cho uống mới bớt. Chắc bây giờ anh em đi rừng là không dám ăn nấm nữa”.

Nạn nhân của nấm rừng. Ảnh: Hoàng Long

Đồng bào dân tộc Raglai ở huyện miền núi Bác Ái thường có thói quen hái nấm rừng làm thực phẩm. Việc phân biệt loại nấm có độc hay không chỉ dựa vào thói quen và truyền miệng nên ăn nhầm nấm độc là điều khó tránh khỏi. Đối với những người có chuyên môn, việc phân biệt giữa nấm độc và nấm không độc cũng rất khó khăn, nên người dân tốt nhất là không nên ăn các loại nấm mọc hoang dại.

Ngành y tế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của nấm độc, bước đầu người dân đã hạn chế dùng các loại nấm dại để làm thức ăn. Thế nhưng, vẫn còn tình trạng người dân không biết là mình đang dùng các loại nấm có độc tố chế biến thức ăn cho gia đình. Hậu quả để lại do các vụ ngộ độc nấm. Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, tại Ninh Thuận xảy ra 5 vụ ngộ độc nấm độc làm, 23 người bị ngộ độc, rất may là không có người tử vong.

Ông Thành Văn Nghĩa, Chi cục phó Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm Ninh Thuận, cho biết: rất nhiều loại nấm không độc với gia súc, gia cầm nhưng lại gây ngộ độc cho người, nên đồng bào ở các xã miền núi cần phải lưu ý, nếu sau ăn nấm mà nôn, buồn nôn, đau bụng đi ngoài, đau đầu, cần đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời...

 

 

CTV Văn Cảnh-Công Phong


 

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC