Cao Bằng: Lúng túng trong giải ngân vốn Chương trình MTQG
Thứ hai, 10:05, 18/12/2023 Công Luận/VOV Đông Bắc Công Luận/VOV Đông Bắc
VOV4.VOV.VN - Chưa đầy nửa tháng nữa là kết thúc năm 2023 nhưng tỉ lệ giải ngân năm nay của nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Cao Bằng mới đạt hơn 10%.

 

Chậm giải ngân do đợi... hướng dẫn

Hòa An là huyện nằm ở khu vực gần trung tâm tỉnh Cao Bằng nên có nhiều thuận lợi để triển khai các chương trình MTQG. Thế nhưng đến tháng 11, địa phương này mới giải ngân đạt 7,4% kế hoạch và đến hết năm, dự kiến chỉ đạt trên dưới 50%.

Trong số các xã của huyện Hòa An, xã Lê Chung là địa phương có tỉ lệ giải ngân khá với tỉ lệ khoảng 70%. Tuy nhiên, trong số vốn gần 1,8 tỉ đồng, phần lớn dành cho việc tu sửa, nâng cấp hạ tầng giao thông, hỗ trợ téc nước và ống dẫn nước sinh hoạt cho người dân...

Còn với phần hỗ trợ sản xuất, gồm cả nguồn vốn từ 2022, cho đến đầu tháng 12 này vẫn chưa thể giải ngân số tiền khoảng 400 triệu đồng hỗ trợ bò sinh sản cho người dân.

Ông Bế Văn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Chung, huyện Hòa An cho hay, do trên địa bàn xã không có trại giống nên địa phương phải mất nhiều thời gian để tìm nguồn cung con giống vật nuôi phù hợp. Trong đó, việc hướng dẫn triển khai từ cấp trên chưa kịp thời là nguyên nhân cơ bản khiến xã chậm giải ngân.

“Cái khó nhất với cấp xã là hướng dẫn thực hiện. Năm 2022 có giao vốn về nhưng xã không có văn bản hướng dẫn để chi nên mới kéo dài thời gian. Ví dụ chi ra sao, đối tượng như nào, được định mức bao nhiêu… Tôi cũng mong giai đoạn tiếp theo cần có cụ thể hướng dẫn chi tiết kèm theo ngay quyết định giao vốn để cấp xã triển khai cụ thể, nhanh chóng, đảm bảo hơn”. - Ông Bế Văn Anh nói.

Năm 2023, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc được giao hơn 4 tỉ đồng vốn, chủ yếu hỗ trợ bò giống và các loại cây ăn quả đặc sản gồm lê vàng và mận máu theo đăng ký của người dân.

Ngoài việc một số dự án đợi hướng dẫn từ cấp trên, còn nhiều nguyên nhân mang yếu tố khách quan như việc định giá con giống của cơ quan chuyên môn thấp hơn biến động thực tế thị trường, hay việc thiếu nguồn cung cây, con giống tại chỗ.

“Với giống bò, xã tập trung sử dụng giống bò tại địa phương, tuy nhiên qua phê duyệt quy chuẩn giống bò nên hiện tại nguồn cung tại địa phương không đáp ứng được nhu cầu. Với giống cây lê vàng và mận máu là cây đặc sản địa phương, có tính đặc thù là phải ươm gieo, lấy giống tại chỗ và trồng theo mùa vụ là sau Tết Nguyên đán, nên xã đề xuất huyện chuyển nguồn sang 2024. Còn với giao khoán bảo vệ rừng, cả tỉnh chỉ có 2 đơn vị thiết kế tư vấn cho cả 146 xã, thị trấn nên không thể đáp ứng ngay trong 2023”. - Ông Đàm Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trường cho hay.

Năm 2023, Cao Bằng được phân bổ gần 1.100 tỉ đồng vốn sự nghiệp Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bao gồm cả nguồn chuyển tiếp của năm 2022 nhưng đến thời điểm này, tỉ lệ giải ngân mới đạt khoảng 12%.

Các hạng mục chậm giải ngân có thể kể đến như: Tiểu dự án 1, Dự án 9 hạng mục cho vay vốn ưu đãi khoảng 110 tỉ đồng, hiện vẫn chưa thể thực hiện do chờ hướng dẫn.

Với Dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo nâng cao nguồn nhân lực có tổng vốn 50 tỉ đồng, hiện khó giải ngân do nhu cầu đăng ký đào tạo của đồng bào rất thấp và không đủ giáo viên cơ hữu.

Còn với Tiểu dự án 1, Dự án 3 về Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững có tổng vốn khoảng 50 tỉ đồng cũng sẽ không thể giải ngân hết do nhu cầu đăng ký trồng rừng thấp, một số nội dung còn thiếu hướng dẫn.

Với riêng nội dung phát triển cây dược liệu giao huyện Nguyên Bình chủ trì, hiện mới triển khai lựa chọn đơn vị liên kết, nguy cơ phải chuyển nguồn sang năm 2024….

Cần chú trọng đào tạo cán bộ

Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, việc đợi hướng dẫn khiến nhiều đơn vị đến tháng 10/2023 mới xây dựng xong kế hoạch nên chỉ còn 2 tháng cuối năm triển khai thực hiện.

Ngoài ra trong công tác chỉ đạo điều hành một số đơn vị còn chưa quyết liệt, đặc biệt là năng lực cán bộ triển khai còn hạn chế, nhất là ở cấp xã. Hiện nay Chương trình MTQG tích hợp nhiều nội dung, trong khi lực lượng cán bộ chuyên môn cấp xã còn mỏng, thiếu chuyên môn sâu nên việc tham mưu, triển khai còn lúng túng, chưa kịp thời. 

“Chuẩn bị cho năm 2024, với phân bổ chỉ tiêu cũng cần có điều chỉnh, nội dung nào năm 2023 đã không có còn đối tượng nên điều chuyển sang nội dung khác có thể thực hiện. Nên khẩn trương triển khai ngay từ đầu năm sau khi phân bổ nguồn vốn, bởi năm tới áp lực sẽ rất lớn do ngoài vốn của năm 2024 sẽ còn cả phần chuyển nguồn 2023 sang. Đặc biệt, các địa phương cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ cấp xã theo hướng cầm tay chỉ việc, nội dung nào chưa nắm vững phải kịp thời hướng dẫn ngay”. - Ông Bế Văn Hùng cho biết.

Những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là năng lực cán bộ cơ sở trong triển khai thực hiện cần sớm được Cao Bằng quan tâm, tháo gỡ ngay khi bước vào năm ngân sách tiếp theo. Đây là đòi hỏi bắt buộc để địa phương phát huy hiệu quả đồng vốn ngân sách, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu và miền núi như mục tiêu đã đề ra.

Công Luận/VOV Đông Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC