Miến dong Phja Đén (xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) nổi tiếng bởi sợi miến dai, thơm ngon. Với đặc trưng khí hậu mát mẻ, đất tơi xốp và có độ dốc, cây dong riềng cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần so với cây ngô mà chăm sóc, đầu tư lại ít hơn. Chị Trương Thị Thịnh, xóm Phja Đén cho biết: Trước đây, gia đình chị thuộc hộ nghèo. Từ năm 2017, được vay vốn từ nguồn quỹ Hội Phụ nữ, chị đầu tư mua thêm nguyên liệu, mỗi năm sản xuất và bán ra thị trường khoảng 5 tạ miến.
“Nghề làm miến này nhà tôi làm từ thời cha ông rồi, bây giờ tiếp nghề cha ông thôi. Từ nghề làm miến cũng tăng thêm thu nhập cho gia đình. Kỹ thuật làm thì phải đủ năng, có nước làm bột sạch. Thời tiết nắng thế này thì ngày nào cũng làm được. Thuận lợi thì có dong, có bột sẵn ngay tại địa phương, tự trồng để sản xuất ra bột làm miến luôn", chị Thịnh nói.
Nghề làm miến ở đây được truyền từ đời này sang đời khác và hiện làng nghề truyền thống miến dong Phja Đén, xã Thành Công đã được công nhận, góp phần thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ, du lịch. Qua đó, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần làm thay đổi bộ mặt văn hóa - xã hội của địa phương theo hướng bền vững, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.
Bà Trần Thị Phương, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cho biết: “Trong những năm qua diện tích trồng dong riềng trên địa bàn dao động từ 90 - 100ha là trung bình, vì vậy lợi thế thì cây này rất có tiềm năng. Xác định là cây chủ lực, hàng năm xã cũng đưa vào Nghị quyết của ĐU, HĐND xã và giao chỉ tiêu thực hiện, được các cấp, ngành quan tâm thì từ năm 2023 đã đề nghị thành lập làng nghề và đc công bố quyết định với 29 hộ tham gia tại xóm Phia Đén và Pù Vài. Còn trên địa bàn xã thì có 50 hộ tham gia"
Theo anh Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc HTX dong riềng Trung Hiếu (xóm Phja Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) thì việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất theo chuỗi đã giúp sản phẩm miến dong của Cao Bằng được thị trường biết đến, qua đó giúp nhiều nông dân thoát nghèo. Hiện sản lượng miến trung bình của HTX hàng năm từ khoảng 15-18 tấn, giá bán dao động từ 85.000 - 90.000 đồng/kg; doanh thu trung bình khoảng trên 1 tỷ đồng/năm, giải quyết được việc làm cho khoảng 5-10 lao động thường xuyên.
“Hiện tại thị trường tiêu thụ khá rộng, HTX chúng tôi chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh, ngoài ra có các tỉnh bạn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thành phố HCM và Tây nguyên… Về cơ chế chính sách thì cũng khá thuận lợi nhưng bên cạnh đó cũng còn vài vướng mắc mong các cơ quan quan tâm, hiện tại thì đơn vị chúng tôi muốn đc tham gia tập huấn nhiều hơn về kỹ thuật trồng, chế biến miến dong từ dong riềng và có nguồn vốn hỗ trợ thêm để mở rộng quy mô sản xuất, tiếp cận thị trường lớn hơn, thị trường quốc tế, xuất khẩu. Hiện sản phẩm đã đạt ocop 3 sao và tiến tới đăng ký lên 4-5 sao và các tiêu chuẩn khác cao hơn”, anh Hiếu cho biết thêm.
Nhờ có hướng đi đúng, những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương đã trở thành hàng hóa, được người tiêu dùng đánh giá cao. Thời gian tới, tỉnh Cao Bằng khuyến khích, huy động doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân đầu tư cải tiến máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ tiến bộ vào sản xuất bền vững; nâng cao năng xuất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng ở địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững và làm giàu trên quê hương bằng chính những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh./.
Viết bình luận