Mùa mưa này, gia đình gồm 4 người của anh Đặng Đức Văn (xóm Nà Sài, Nà Piậy, xã Thái Học, huyện Bảo Lâm) không còn lo chạy từng góc nhà lúc nửa đêm khi mưa gió. Căn nhà gỗ ọp ẹp, dột nát đã được thay bằng ngôi nhà mái tôn, tường xây gạch kiên cố. Được hỗ trợ số tiền 44 triệu đồng, gia đình anh đã mạnh dạn vay mượn thêm để dựng ngôi nhà vững chãi hơn, bảo đảm thời gian sử dụng lâu dài.
Anh Văn cho biết: “Tôi thì cũng có ý định xây nhà nhưng ban đầu chưa có điều kiện để xây, được hỗ trợ thì cũng quyết tâm làm. Tôi vay vốn ngân hàng trước, rồi anh em cho vay mượn thêm, còn anh em, làng xóm cũng giúp công sức làm nên căn nhà. Tôi cũng nghĩ là đã làm thì cũng phải kiên cố, lâu năm, một đời có khi làm 1 lần thôi. Giờ tuy có khó khăn nhưng vợ chồng sẽ cố gắng để phát triển kinh tế”.
Có căn nhà vững chắc từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, ông Đinh Văn Tuyển (xóm Nà Khoang, xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình) đã tự tin, mạnh dạn vay thêm vốn để xây chuồng nuôi lợn, mở rộng thêm diện tích cây thuốc lá,... cố gắng cuối năm nay có thể trả hết số tiền vay đầu tư cho sản xuất và phấn đấu thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
“Bây giờ gia đình có nhà ổn định, không phải lo lắng gì chỉ tập trung cho chăn nuôi, trồng lúa, trồng thuốc lá, để phát triển kinh tế gia đình, làm sao cuối năm sẽ trả được hết nợ” - Ông Tuyền chia sẻ.
Cao Bằng là tỉnh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chọn thí điểm thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát từ năm 2021, đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp và mang lại “sinh lực mới” cho phát triển kinh tế, xã hội các bản làng vùng cao. Ngoài nguồn vốn từ Quỹ Vì người nghèo và nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, Cao Bằng đã nhận được nhiều nguồn đầu tư thông qua vận động xã hội hóa. Tại các thôn bản, người dân không có điều kiện hỗ trợ tiền mặt thì hỗ trợ nhau bằng ngày công san nền, vận chuyển vật liệu, xây tường,… Nhờ đó đến nay, Cao Bằng xóa được hơn 6.200 nhà tạm, dột nát và riêng năm 2024, Cao Bằng đặt mục tiêu xóa thêm 7.121 nhà tạm, dột nát.Để việc triển khai hiệu quả, các huyện đã giao chỉ tiêu cho các xã để có phương án thực hiện nhanh và tiết kiệm.
Ông Sầm Văn Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng cho biết: "Xã Thượng Hà tỉ lệ hộ nghèo có 48,9%, nhu cầu nhà ở còn nhiều. Tuy nhiên chúng tôi sẽ cố gắng, sẽ cho các hộ gia đình thuộc diện làm nhà khẩn trương làm các công tác chuẩn bị. Vùng sâu, xa khó khăn nhất là vận chuyển vật liệu, chúng tôi sẽ chuẩn bị vật dụng sớm, để đảm bảo đúng tiến độ. Và thực hiện thủ tục cho các hộ trong diện đất vườn, rừng sản xuất chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở lâu dài"
Huyện Bảo Lâm là địa phương khó khăn nhất tỉnh Cao Bằng. Năm 2023, toàn huyện hỗ trợ được gần 510 trường hợp, trong đó có 288 nhà xây mới. Năm 2024, với chỉ tiêu được giao hỗ trợ gần 1.300 nhà, Bảo Lâm đặt mục tiêu thực hiện tăng thêm 10 hộ từ nguồn xã hội hóa. Ông Đoàn Trọng Hùng, Bí thư huyện ủy Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng cho biết: Huyện thực hiện việc rà soát hoàn cảnh của từng hộ gia đình, từng xóm, xã để xây dựng biểu tiến độ triển khai cụ thể, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu được giao.
“Khó khăn nhất của Bảo Lâm là điều kiện của người dân còn khó khăn, nhiều gia đình không có khả năng đối ứng, hoặc khả năng đối ứng rất hạn chế. Tuy nhiên, Bảo Lâm chúng tôi với tinh thần quyết tâm, quyết liệt đã chỉ đạo các cấp, ngành, nhất là các xã, xóm, các tổ tương trợ đến từng hộ gia đình để thăm nắm tâm tư, nguyện vọng, tìm hướng hỗ trợ, khắc phục và động viên gia đình cố gắng vươn lên” - Ông Hùng nói.
Với tinh thần “càng khó khăn, càng quyết tâm hơn”, đến hết tháng 7/2024, toàn tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ hơn 2.600 hộ, trong đó có 1.500 hộ xây mới, hơn 200 hộ sửa chữa từ 1-2 tiêu chí cứng, khoảng 860 hộ sửa chữa 3 tiêu chí cứng... Tổng số kinh phí hỗ trợ đã giải ngân trên 88 tỷ đồng, trong đó có hơn 10 tỉ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Điều đáng ghi nhận là người dân đã mạnh dạn huy động thêm vốn, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước để có được ngôi nhà khang trang hơn, đảm bảo cuộc sống lâu dài.
Ông Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trưởng BCĐ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Cao Bằng cho biết thêm: “Việc triển khai thực hiện Đề án, Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát theo tinh thần "tỉnh lo chung - huyện lo huyện - xã lo xã" và phải bám sát các quy định, chính sách, đảm bảo các tiêu chí, yêu cầu. Phấn đấu giá trị của nhà được làm mới phải cao hơn mức hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. Chúng tôi yêu cầu, các thành viên Ban Chỉ đạo các cấp tập trung chỉ đạo, làm sao phát huy cao độ vai trò người đứng đầu cấp huyện, cấp xã để huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, để chương trình lan tỏa hơn và tham gia tốt hơn nữa của cộng đồng dân cư với chương trình”.
Không chỉ giúp người dân có được nơi ở vững chãi, Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã góp phần quan trọng giúp người dân có ý thức tự phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Mục tiêu 2024 cao hơn các năm trước cộng lại sẽ là thách thức không nhỏ, nhưng với sự chung tay của cả cộng đồng, Cao Bằng đang khẳng định quyết tâm "vượt khó" về đích để giúp các hộ nghèo "an cư lạc nghiệp", yên tâm lao động sản xuất./.
Viết bình luận