“Câu lạc bộ 100 triệu” - Từ ý tưởng đến cách làm giàu của nhiều hộ DTTS
Thứ ba, 09:19, 10/10/2023 Dân tộc và Miền núi Dân tộc và Miền núi
VOV4.VOV.VN - Từ ý tưởng thành lập “Câu lạc bộ 100 triệu”, phong trào trồng sắn ở vùng đồng bào DTTS Hướng Hóa, Đakrông, tỉnh Quảng Trị phát triển mạnh. Cây sắn đã trở thành cây trồng chủ lực giúp đồng bào DTTS ở 7 xã vùng biên Hướng Hóa và nhiều hộ DTTS ở Đakrông vươn lên làm giàu.

 

Đưa cây sắn thành cây trồng chủ lực

Hướng Hóa là huyện vùng cao có đông đồng bào DTTS sinh sống. Các xã vùng biên, đồng bào Bru-Vân Kiều, Tà Ôi… chiếm gần 100% dân số. Cùng với các cây trồng như cà phê, hồ tiêu, chuối..., sắn đã trở thành cây trồng chống đói cho đồng bào DTTS bao đời nay. Đặc biệt, từ khi nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa có ý tưởng thành lập “Câu lạc bộ 100 triệu”, cây sắn dần trở thành cây chủ lực đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân đồng bào DTTS ở các xã vùng biên.

Theo thống kê, hiện cây sắn được trồng nhiều ở nhiều địa phương như xã Thanh, xã Thuận, xã Hướng Lộc, xã Lìa, xã Xy, A Dơi và xã Ba Tầng. Đây cũng được xem là vùng trọng điểm trồng sắn cung cấp nguyên liệu cho nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa. Do đầu ra ổn định, nên diện tích trồng sắn tăng lên theo các năm. Các hộ gia đình DTTS cũng không ngừng đầu tư để mở rộng diện tích trồng sắn của gia đình mình.

Tại xã Thanh, hiện có 700ha trồng sắn. Mỗi vụ nông dân của xã Thanh đã cung ứng cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa hơn 10.000 tấn sắn nguyên liệu.

Ông Hồ A Cất, Chủ tịch UBND xã Thanh, huyện Hướng Hóa cho biết: “Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, nông dân tập trung đầu tư thâm canh cây sắn. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ vào các khâu trồng, thu hoạch sắn nên nên năng suất và hàm lượng tinh bột trong sắn củ tăng. Nhờ đó, đời sống người trồng sắn được nâng lên”.

 

 Năm ngoái  toàn huyện Hướng Hóa có trên 5.000 ha sắn cho thu hoạch hơn 72 nghìn tấn sắn củ tươi, doanh thu trên 150 tỷ đồng. Cùng với Hướng Hóa, đồng bào DTTS ở huyện Đakrông cũng tham gia trồng sắn với diện tích lớn. Đến nay, tổng cả 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông có khoảng gần 30 nghìn hộ đồng bào DTTS tham gia trồng, với tổng diện tích ước đạt khoảng gần 10 nghìn ha sắn. Cây sắn đã trở thành cây trồng chủ lực, góp phần thúc đẩy đời sống kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS ở 2 huyện Đakrông, Hướng Hóa.

Khích lệ nhiều hộ DTTS vươn lên làm giàu

Năm 2010, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa có ý tưởng thành lập câu lạc bộ những hộ trồng sắn huyện Hướng Hóa và Đakrông đạt 100 triệu đồng/vụ (gọi tắt là “Câu lạc bộ 100 triệu”) để động viên, khích lệ các hộ đồng bào DTTS trồng sắn. Nhờ đó, số hộ tham gia và diện tích trồng sắn ở 2 huyện miền núi này không ngừng được tăng lên theo các năm.

Nhắc đến “Câu lạc bộ 100 triệu đồng”, trước hết phải nói đến Pả Dỏ - người Bru-Vân Kiều ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa. Pả Dỏ là nông dân đầu tiên có tên trong câu lạc bộ 100 triệu và luôn đứng ở tốp đầu của Câu lạc bộ. Đặc biệt, sắp tới con trai của ông Pả Dỏ cũng đủ điều kiện gia nhập câu lạc bộ 100 triệu nhờ trồng sắn. Hiện ở xã Thanh, có hơn 20 hộ gia đình tham gia trồng sắn có thu nhập trên 100 triệu đồng/vụ. Đây cũng là những thành viên tích cực được kết nạp vào “Câu lạc bộ 100 triệu”, trong số này, còn có chồng hội viên tiêu biểu người Bru-Vân Kiều Hồ Thị Hương là anh Hồ Văn Xum ở thôn Thanh 1, xã Thanh.

 Còn anh Hồ Văn Pường (40 tuổi, trú ở bản 10, xã Thanh) gia nhập “Câu lạc bộ 100 triệu” từ năm 2014. Tại thời điểm được kết nạp vào “Câu lạc bộ 100 triệu đồng”, anh Pường là hội viên trẻ nhất của câu lạc bộ lúc bấy giờ. Mỗi năm gia đình anh Pường trồng khoảng 4 ha sắn, thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng/vụ.

Cách đây 2 năm, anh Pường quyết định đầu tư thêm hơn 400 triệu đồng để mua máy cày, vừa để phục vụ sản xuất cho gia đình, vừa kết hợp làm dịch vụ. Riêng năm ngoái thu nhập của gia đình anh đat 200 triệu đồng.

Sau 13 năm thành lập, hiện “Câu lạc bộ 100 triệu” của những người trồng sắn đã có 77 hội viên được kết nạp, trong đó chủ yếu là người đồng bào DTTS ở 2 huyện vùng biên Đakrông, Hướng Hóa và ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ./.

Dân tộc và Miền núi

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC