Chạy lũ ở bệnh viện
Chủ nhật, 07:00, 15/09/2024 Phạm Trang/VOV2 Phạm Trang/VOV2
VOV4.VOV.VN: Bão lũ đã đi qua, giờ đây khi tạm bình tâm với những điều phải đối diện, chúng tôi mới có điều kiện ghi lại câu chuyện của các y bác sĩ ở tỉnh Yên Bái – một câu chuyện trong vô vàn những nỗ lực mà chúng ta đã có trong những ngày bão lũ…

 

“Từ nhỏ đến bây giờ, chưa lần nào tôi chứng kiến một thảm họa thiên tai như những gì đã diễn ra. Mưa tầm tã, mưa như trút nước mấy ngày liền, nước sông Hồng ngày càng dâng cao. Toàn huyện Trấn Yên bị mất điện. Lúc đó anh chị em của Trung tâm chỉ biết động viên nhau: cố gắng và cố gắng…”

Bác sĩ Vũ Thị Châu Loan, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái bắt đầu câu chuyện theo cách này để giúp chúng tôi hình dung được tình cảnh của địa phương những ngày mưa lũ hoành hành. Ngày đó, nước ngập ngang bụng, bệnh nhân được hỗ trợ đưa đến Trung tâm y tế bằng xuồng, máy phát điện ưu tiên cho những ca cấp cứu, mổ đẻ.

“Máy phát điện lúc đó được dành để hỗ trợ những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. May mắn, không có bệnh nhân nào phải thở máy trong thời gian này, điều này đã giảm bớt phần nào gánh nặng cho đội ngũ y bác sĩ. Đặc biệt, trong suốt những ngày căng thẳng đó, chúng tôi đã hỗ trợ đỡ đẻ cho ba trường hợp sản phụ, tất cả các em bé đều khỏe mạnh và bình an”, bác sĩ Loan kể lại.

Gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các y bác sĩ của Trung tâm y tế huyện Trấn Yên là điều mà 1 trong 3 sản phụ muốn nhắn gửi sau lần chuyển dạ hết sức đặc biệt này: “Em chỉ lo mình không đến được viện để đẻ, vì nước lên rất cao, nhưng bây giờ thì mẹ tròn con vuông. Con gái em nặng 2,7kg, nhân đây em xin gởi lời cảm ơn đến tất cả các bác sĩ để tiếp nhận, hướng dẫn và chăm sóc em…”

Có lẽ, sự hiện diện và khỏe mạnh của những sinh linh bé nhỏ là động lực để các bác sĩ ở đây thực hiện nhiệm vụ bởi lúc đó chỉ có 16 nhân viên y tế bám trụ, thay vì quân số 110 cán bộ như mọi khi. 1 người làm việc bằng 3-4 người mà không thể có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Tất cả các trung tâm y tế ở tỉnh Yên Bái đều bị ảnh hưởng do mưa lũ, bắt buộc thực hiện phương châm 4 tại chỗ.

"Chúng tôi chỉ có 16 cán bộ bám trụ tại Trung tâm để vừa thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh và cấp cứu người bệnh. Số cán bộ còn lại thì nhà bị ngập lụt, sạt lở, cô lập và không thể đến Trung tâm được" - Bác sĩ Loan cho biết.

Họ cần phải bình tĩnh cho nhiệm vụ chuyên môn, nhưng sự lo lắng cho gia đình cũng tha thiết không kém. Có lẽ, khó có thể hình dung nổi cảm giác của một bác sĩ khi nhận được cuộc gọi từ gia đình vào thời điểm căng thẳng đó.

“Có bác sĩ của chúng tôi sau khi cấp cứu cho bệnh nhân xong gọi điện về nhà thì lại khóc vì những lúc khó khăn, gia đình cần mà họ không ở nhà” - Bác sĩ Loan kể lại.

Hoàn cảnh mà Giám đốc Trung tâm y tế huyện Trấn Yên đề cập là trường hợp của bác sĩ Đỗ Quang Cảnh, Trưởng khoa sản. “Bất lực” là từ mà bác sĩ Cảnh lặp lại nhiều lần khi bố mẹ già bị cô lập trong dòng nước lũ mà mình thì không thể về để giúp gì được: “Nhiệm vụ vẫn phải hoàn thành nhưng đằng sau còn gia đình, thấy bất lực vì không lo được cho bố mẹ lúc nguy cấp. Nước lên nhưng ban chỉ huy quân sự không tiếp cận được vì nước xoáy, bố mẹ gọi điện bảo cứu bố mẹ, nhà ngập hết rồi”- bác cĩ Cảnh xúc động.

Rất may là đến chiều cùng ngày, lực lượng quân đội đã tiếp cận và đưa được gia đình của bác sĩ Đỗ Quang Cảnh đến khu vực an toàn – là một dãy nhà vừa sửa chữa xong ở Trung tâm y tế huyện Trấn Yên.

Trong điều kiện trời mưa to, thiếu nhân lực, đội ngũ y bác sĩ của Trung tâm y tế huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái vẫn đảm bảo được nhiệm vụ chăm sóc người dân - đó là một cuộc chạy đua theo nghĩa bóng. Nhưng họ đã làm được!

Phạm Trang/VOV2

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC