Chính sách dân tộc giai đoạn mới “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”
Thứ tư, 19:32, 18/12/2024 Hoàng Minh/VOV4 Hoàng Minh/VOV4
VOV4 - Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2: Từ năm 2026 đến năm 2030.

Vừa qua, tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên diễn ra Hội nghị Đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025 và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn II từ năm 2026 đến năm 2030 các tỉnh khu vực phía Bắc. Đồng chí Hầu A Lềnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì hội nghị.

Theo kết quả tổng hợp và đánh giá từ Ủy ban Dân tộc, tính đến thời điểm 30/9/2024, kết quả thực hiện giải ngân vốn từ ngân sách trung ương của các địa phương đạt 58,3 %, vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 75,7 %. Nhìn chung, tính đến thời điểm báo cáo các tỉnh/thành phố trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi khu vực phía Bắc đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình.

Một số mục tiêu chỉ tiêu đến nay đã hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao, như: Tỷ lệ giảm nghèo; Các chỉ tiêu cơ bản về hạ tầng thiết yếu; Bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc…v…v. Việc hoàn thành sớm một số nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân, giúp các địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu, chỉ tiêu khác chưa hoàn thành trong thời gian còn lại.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chương trình vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế, như: Phân bổ vốn theo tinh thần Nghị quyết số 111 ở một số địa phương còn chậm; Nhiều địa phương gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương; Các địa phương còn lúng túng trong việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện các Chương trình MTQG và quy trình thanh quyết toán vốn…v…v.

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá phấn đấu đạt kết quả cao nhất để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 120/2020/QH4 và Quyết định số 1719/QĐ-TTg. Hội nghị đánh giá lần này là dịp để các địa phương khu vực phía Bắc trao đổi, rút kinh nghiệm trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, từ đó phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của giai đoạn 2021 – 2025. Kết quả thảo luận cũng là cơ sở quan trọng để Chính phủ xây dựng Dự thảo Chương trình giai đoạn 2026 – 2030.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng:  “Thứ nhất, việc chúng ta xây dựng chính sách và phân bổ các chỉ tiêu trước đây, do thời gian yêu cầu quá gấp. Thế nên là ở trên Trung ương xây dựng xong xuống xin ý kiến của tỉnh. Cái này không sát với thực tế. Thứ hai, nếu như chương trình của chúng ta vẫn còn rất nhiều bộ ngành hướng dẫn, tôi tin chắc rằng rồi cũng sẽ khó thực hiện. Các bộ, ngành mặc dù rất khẩn trương, thế nhưng để có thời gian hướng dẫn triển khai thực hiện thì rất là lâu.”

Về định hướng khung Chương trình cho giai đoạn 2026 – 2030, trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, Ủy ban Dân tộc đa tổng hợp và đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm:

- Đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng vùng đồng bào DTTS&MN.

- Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của đồng bào DTTS.

- Phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS&MN.

- Hỗ trợ DTTS có khó khăn đặc biệt, DTTS rất ít người.

- Thông tin tuyên truyền; kiểm tra; giám sát; thông tin, báo cáo thực hiện chương trình.

Đặc biệt, nguyên tắc xuyên suốt của giai đoạn này là: Các bộ, cơ quan trung ương chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý mục tiêu chung thông qua việc hướng dẫn các địa phương xây dựng Đề án triển khai thực hiện và theo dõi, giám sát việc đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình theo tiến độ hàng năm và cả giai đoạn.

Các địa phương chủ động hoàn toàn trong việc lập kế hoạch, huy động và phân bổ nguồn lực, tổ chức thực hiện đảm bảo theo lộ trình để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu hàng năm và cả giai đoạn theo quan điểm “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

 Tại Hội nghị, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, rà soát, báo cáo, đề xuất theo 3 nhóm vấn đề, gồm: Những điểm bất hợp lý trong hệ thống văn bản pháp lý, trình tự thủ tục hồ sơ; Công tác chỉ đạo điều hành, cơ chế phối hợp, tổ chức bộ máy; Mục tiêu, phạm vi đối tượng, nội dung chính sách, nguồn lực thực hiện và phân công thực hiện chương trình gắn với phân cấp, phân quyền. Từ kết quả, kiến nghị của địa phương, Ủy ban Dân tộc sẽ tổng hợp đầy đủ, trung thực và trình cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.

“Lâu nay một câu chuyện rất vướng mắc của chúng ta là hệ thống văn bản hướng dẫn quá nhiều. Thứ hai nữa là vướng mắc, viện dẫn từ văn bản này sang văn bản khác. Tại hội nghị hôm nay, không tham vọng là chúng ta kết luận được điều gì nhưng mà được lắng nghe hết ý kiến các đồng chí. Chúng tôi sẽ tổng hợp đầy đủ báo cáo với Ban chỉ đạo, và trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định lựa chọn những vấn đề thực tiễn nhất phù hợp nhất để báo cáo các cấp có thẩm quyền cao hơn theo chương trình giai đoạn sau và cũng rút kinh nghiệm được giai đoạn này.” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nói thêm.

Hoàng Minh/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC