Mỗi cuối tuần, hoặc khi con cháu tụ họp dịp nghỉ hè là bà Hoàng Thị Mai, 75 tuổi, ở bản Bó, phường Chiềng An, TP Sơn La, tỉnh Sơn La lại dạy các cháu “khắp” các bài hát Thái.
Sinh ra và lớn lên tại Yên Châu - vùng đất nổi tiếng có những nét văn hóa đặc sắc của người Thái Sơn La, bà Mai lớn lên cùng tiếng khèn, tiếng pí, trong làn điệu của những bài hát dân ca Thái; để rồi, các bài hát cứ tự nhiên thấm vào tâm hồn bà lúc nào không hay. 12-13 tuổi, bà đã hát hay, múa dẻo và được tuyển thẳng vào đoàn văn công Sơn La khi ấy. Từ khi nghỉ chế độ vào năm 1989 đến nay, bà đã say mê truyền dạy các bài “khắp”, điệu xòe cho các thế hệ con cháu trong gia đình và bà con ở bản, ở xã.
Ông Hặc hướng dẫn con trai thổi khèn bè
Bà Mai hào hứng chia sẻ: "Đội văn nghệ của bản đầu tiên chỉ có 6 người. Đến những năm 2005, khi các đoàn khách đến bản nhiều tôi thành lập thành 2 đội phụ nữ và thanh niên. Bây giờ hội phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi đều có đội văn nghệ, thêm 2 đội khác tự lập nữa là bản hiện có 5 đội văn nghệ. Mọi người toàn gọi là "đoàn văn công bà Mai", tôi rất là vui".
Không chỉ như cơm ăn, thức uống hàng ngày, với bà Mai, văn hóa văn nghệ còn là chìa khóa của trí óc, giúp mang đến tâm hồn tươi vui, kết nối mọi trái tim để làm nên những đổi thay tích cực trong mọi mặt của đời sống.
“Thầy giáo Hặc” – chồng của bà Mai vẫn luôn được các con, cháu trong gia đình và bà con dân bản gọi với cái tên trìu mến như thế! Sở dĩ như vậy là bởi những năm qua, ông đã luôn tích cực truyền dạy chữ Thái cổ cho mọi người. Còn nhớ, lớp học đầu tiên ông mở ở bản chỉ vài ba người, sau đến hơn 100 người theo học, nhỏ nhất là 7 tuổi, người nhiều tuổi nhất là ngoài 60; sau đó ông phải chia thành 2 lớp, với 2 nhóm tuổi khác nhau.
Ông Hặc chia sẻ: "Tôi vẫn tự biên soạn ra giáo án cho mình. Mỗi lớp học trong 3 tháng, một tuần học 2 buổi. Sau khi kết thúc chương trình thì đều có sơ kết, tổng kết và có biểu dương khen thưởng. Đến bây giờ thì nhiều người biết đọc biết viết chữ Thái, tôi cũng đang đề xuất là được mở thêm nhiều lớp nữa".
Bà Mai (thứ 2 từ phải qua) hướng dẫn chị em phụ nữ trong bản học múa
Ông bà Mai Hặc có 4 người con và 8 cháu, chắt. Ngay từ nhỏ, mỗi người đều đã được ông bà nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn từ những làn điệu “khắp” Thái, vì vậy, ai cũng thành đạt, học giỏi, nhất là ai cũng thông thạo tiếng nói, chữ viết và am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc mình. Cậu con trai út của ông bà hiện đang công tác trong lực lượng Bộ đội Biên phòng còn thổi sáo, thổi khèn rất hay.
Là con cháu trong gia đình, Lù Quỳnh Hương luôn tự hào được ông bà dạy cho tiếng nói, chữ viết của người Thái. "Cháu rất vui và tự hào không chỉ nói được tiếng của dân tộc mình, mà còn viết được chữ Thái cổ nữa. Cháu rất cảm ơn ông Hặc, bà Mai đã dạy cho chúng cháu và các bạn trẻ về các nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Nhất định chúng cháu sẽ cùng nhau bảo tồn để lưu truyền mãi mãi". - Hương nói.
Xác định nguồn gốc của mọi mâu thuẫn, bất hòa đều do thiếu hiểu biết mà ra, ngoài động viên con cháu phải học tập thật tốt để nắm bắt tri thức, trở thành những người văn minh, tiến bộ, từ năm 2009, ông Hặc đã sáng lập ra Chi hội khuyến học của dòng họ Quàng ở bản Bó. Sau hơn 10 năm duy trì, phát triển “dòng họ học tập”, con cháu họ Quàng ở phố núi này rất nhiều người đã học hành đỗ đạt, với hơn 60 người có trình độ Thạc sỹ, cao đẳng và đại học; nhiều người đang mang quân hàm đại tá, thượng tá trong lực lượng vũ trang.
Ông Lường Văn Đích, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng bản Bó cho biết: "Ông bà Mai Hặc mặc dù cao tuổi, nhưng rất nhiệt huyết, nhiệt tình truyền dạy những tinh hoa văn hóa của dân tộc cho con cháu. Từ phong trào các cụ duy trì, bản Bó được mọi người và khách du lịch đến nhiều hơn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong bản nâng lên rõ rệt. Bản có 305 hộ mà 60 - 70% là khá giàu rồi".
Năm 2020, ông Quàng Văn Hặc vinh dự được về Thủ đô nhận Bằng khen cho Chi hội khuyến học của dòng họ Quàng bản Bó do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng. Còn nghệ nhân ưu tú Hoàng Thị Mai – vợ của ông thì tháng 4 vừa qua cũng vinh dự được về Phủ Chủ tịch dự buổi gặp mặt các già làng, trưởng bản, nghệ nhân người dân tộc thiểu số tiêu biểu của cả nước.
Theo ông Hặc, bà Mai, mỗi cuộc gặp gỡ không chỉ mang đến niềm vinh dự, tự hào, mà còn giúp “thổi hồn”, “chắp cánh” cho niềm tin và ước vọng về sự trường tồn vĩnh cửu của nền văn hóa đa sắc Việt Nam.
Thu Thùy/CQTTTB
Viết bình luận