(VOV4) - Nhiều bệnh nhân chỉ đến viện khi có biểu hiện biến chứng, nghĩa là bệnh đã ở giai đoạn khá nguy hiểm, đó là thực trạng chung ở vùng cao, nơi mà đi lại còn khó khăn, cơ sở y tế còn nghèo nàn, và điều đáng nói nhất là người dân còn thờ ơ với sức khỏe của chính mình.
Đã một tuần nay, nhà bà Giàng Thị Chúng, ở thôn Hạ Sơn, xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang, đóng cửa không tiếp khách lạ. Phải năn nỉ mãi chúng tôi cùng cán bộ y tế mới được phép lên nhà. Trong căn nhà tối om nồng nồng mùi thức ăn, mùi lá thuốc, mùi phân trâu bò dưới gầm sàn bốc lên, ông thầy cúng rì rầm khấn vái. Dưới bát hương là bà Dìn đang lên cơn sốt vật vã. Lạ một điều là vợ chồng hai người con trai của bà từ trung tâm thị trấn về chăm mẹ, đã học đến trung cấp, nhưng nhất định không chịu đưa mẹ đến trạm y tế.
Chồng bà Dìn, người đàn ông gầy tong teo, cũng đau bụng ba ngày nay, cứ ăn gì lại tháo dạ hết. Hỏi ông vì sao không đến trạm y tế, để mệt đến rốc hết cả người, ông phân trần: "Trạm y tế ở xa, chỗ bán thuốc cũng xa, chẳng hiểu bệnh gì mà mệt quá, nhưng không đi đâu, có đi cũng chẳng khỏi, chỉ nhờ thầy cúng thôi…".
Chủ quan với bệnh tật là thái độ của nhiều người dân vùng cao. Ảnh: VNExpress
Do nhận thức của người dân, đường sá đi lại khó khăn, không phải trạm y tế xã nào cũng có bác sĩ để tiếp nhận điều trị những ca bệnh nguy hiểm, bởi vậy, nhiều trường hợp thương tâm xảy ra khi người bệnh đến viện quá muộn, đã hôn mê, thậm chí đã chết lâm sàng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Trung tâm y tế huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, dẫn chứng: “Có nhiều trường hợp bệnh nặng nhưng không có đủ trang thiết bị về cận lâm sàng và cấp cứu trường hợp nặng, đều phải chuyển tuyến lên bệnh viện đa khoa tỉnh. Đường đi lại khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất thiếu, một số trường hợp không cứu được như băng huyết sau đẻ, đưa đến thì đã ngừng thở. Ở đây tỷ lệ phụ nữ đi khám thai rất thấp, người dân điều kiện sống kém, chỉ mải làm ăn, cơ sở y tế thì xa, địa bàn quá rộng, cán bộ y tế cũng không thể đến từng nhà… Nhiều trường hợp bệnh nhân ở đây thấy chưa khỏi thì xin về để cúng bái, không cho về thì trốn về”.
Nhiều năm đi chữa bệnh lưu động cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, GS. Tiến sĩ Vũ Văn Khiên, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Trungn ương Quân đội 108, nhận thấy đồng bào mắc nhiều nhất là các bệnh cao huyết áp, các vấn đề về tiêu hóa và phổ biến nhất là dạ dày. Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề, theo ông Khiên, không phải là tình trạng bệnh tật, mà là nhận thức của bà con vẫn còn hạn chế, khiến họ bất chấp nguy hiểm:
“Một là do điều kiện thời tiết rất lạnh về đêm và sáng nên bệnh nhân có vấn đề về viêm loét dạ dày. Do điều kiện vệ sinh của đồng bào còn hạn chế, ví dụ như thiếu nhà vệ sinh. Hay những phong tục về chăn nuôi, môi trường hiện tại chưa đảm bảo được nên bệnh nhân mắc một số bệnh về ký sinh trùng, như các loại giun đũa và sán lá dây, đây là bệnh rất khó và cần được điều trị ở các tuyến chuyên khoa. Bệnh thứ ba cũng hay gặp ở những phụ nữ lấy chồng sinh con sớm, mang vác làm lụng nhiều nên viêm khớp nhiều hoặc nhức đầu do điều kiện dinh dưỡng kém. Đồng bào giờ còn sử dụng rau hoặc thức ăn ở đường, bụi bặm, tưới phân sống, đó là các nguồn có thể lây bệnh ký sinh trùng. Một trong những nguyên nhân gây viêm loét dạ dày là do uống rượu nhiều. Nếu uống nhiều năm với số lượng tương đối thì từ 1 thanh niên khỏe mạnh, sau 10-20 năm dễ dẫn đến ung thư dạ dày, xơ gan và ung thư gan”.
Thu Hòa/VOV4
Viết bình luận