(VOV) - Mặc dù đôi chân bị khuyết tật, nhưng cô giáo trẻ người dân tộc Khmer Lâm Ngọc Hoa Lan, ở Trường tiểu học An Ninh D, xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, vẫn khiến nhiều người khâm phục vì nghị lực vượt qua số phận và tận tâm với nghề.
Bị tật đôi chân khi mới được hơn 1 tháng tuổi, cô giáo người dân tộc Khmer Lâm Ngọc Hoa Lan đã gặp rất nhiều rào cản trong cuộc sống, sinh hoạt. Nhưng nghị lực và sự lạc quan đã giúp cô vượt qua mặc cảm, hòa nhập vào cộng đồng, xã hội.
Phấn đấu để trở thành giáo viên là ước mơ từ khi cô bé Hoa Lan bắt đầu cắp sách đến trường. 12 năm học phổ thông và 4 năm học đại học là cả quá trình phấn đấu vất vả với một người khuyết tật như cô. Hoa Lan đã nỗ lực học tập không ngừng nghỉ để đạt kết quả khá, giỏi, sau đó trở về thực hiện ước mơ đứng trên bục giảng tại quê nhà.
"Mình thích được truyền những kinh nghiệm sống cho lớp người tiếp theo, những thế hệ học trò. Thật sự đó là niềm đam mê để rồi mình quyết tâm làm" - cô giáo Lan nói.
Cô Lâm Ngọc Hoa Lan giờ lên lớp
Tại trường Tiểu học An Ninh D, cô Hoa Lan được phân công dạy môn tiếng Anh. Đối với một người khuyết tật, đứng đã là vất vả, thì việc phải di chuyển nhiều theo phương pháp giảng dạy hiện nay thì càng khó hơn.
Cô giáo chia sẻ: "Mình chưa bao giờ, chưa một phút nào thấy nản lòng. Mình cảm thấy sống trên cuộc đời này, được sống đã quý lắm rồi, trong khi mình lại có gia đình thương yêu, chăm sóc, bảo vệ, rồi mình lại được có nghề nghiệp, có đồng nghiệp ủng hộ thì mình tự nhủ lòng mình là phải phấn đấu hơn nữa để làm một cái gì đó cho xã hội này".
Cô giáo Hoa Lan là người khởi xướng, đồng thời phụ trách Câu lạc bộ tiếng Anh hoạt động rất hiệu quả, thu hút đông đảo học sinh. Thầy Đào Phục, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Ninh D, nhận xét cô Lan luôn nhiệt tình giảng dạy, đặc biệt là rất tích cực đổi mới phương pháp dạy học để giúp các em tiếp thu bài học được tốt nhất.
Cô giáo Lâm Ngọc Hoa Lan đã được UBND tỉnh Sóc Trăng tặng bằng khen điển hình thanh niên tiêu biểu yếu thế vượt khó.
Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL
Viết bình luận