Trong không khí ấm áp của những ngày giáp xuân Ất Tỵ 2025, chúng tôi có dịp đến vùng đất Cù Lao Dung thanh bình, nên thơ, ấn tượng với những rặng bần bao bọc xung quanh hay những vườn cây trĩu quả, bạc ngàn rẫy mía, cây màu… song song đó là sự khởi sắc với hạ tầng cơ sở được đầu tư hoàn chỉnh, khang trang bởi những điện, đường, trường, trạm, nhà cửa… như muốn nói rằng, Cù Lao Dung giờ đây đang chuyển mình từng ngày.
Tại đây, chúng tôi được nghe bà con nói nhiều về một công trình mà bà con hằng mong ước bấy lâu nay. Đó là Dự án cầu Đại Ngãi, trong đó, cầu Đại Ngãi 2 sẽ hoàn thành kết nối với đất liền huyện Long Phú trong nay mai sẽ giúp địa phương không còn phải cảnh lụy đò, để mở ra nhiều cơ hội phát triển đi lên. Ông Trần Văn Phục, Giám đốc HTX nông nghiệp thông minh Cù Lao Dung kỳ vọng: Khi cầu hoàn thành thì Cù Lao Dung sẽ khởi sắc, riêng về sản phẩm nông nghiệp được lợi thế lớn, có thể cạnh tranh với các nơi khác.
Trong khu vườn rộng lớn với những cây xoài trĩu quả, ông Nguyễn Thanh Chiều, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Phát kết hợp Du lịch sinh thái ở xã An Thạnh 1, tâm sự, dự án cầu Đại Ngãi sẽ mở ra cơ hội để tiềm năng ngành nông nghiệp của địa phương bức phá sớm cạnh tranh với các vùng.
Nói về những cây xoài, thanh nhãn được trồng trên diện tích 40ha của 60 thành viên, trong đó, nhiều sản phẩm được trồng theo hướng VietGAP, ông Chiều phấn khởi cho biết, mỗi năm, HTX xuất ra thị trường 600 tấn trái xoài và gần 20 tấn nhãn; trong đó nhiều sản phẩm đã có mặt cả trên thị trường thế giới, như Úc, Mỹ… Với việc sản phẩm đã khẳng định được chất lượng, chinh phục khách hàng, khi hai bờ Cù Lao Dung và Long Phú được kết nối trong nay mai sẽ không ngừng nâng cao về mặt giá trị cho sản phẩm nông nghiệp của HTX nói riêng và huyện nói chung.
"Ngày trước thì Cù Lao Dung mình ngăn sông, cách trở, nếu mà mình qua sông cũng hơi khó khăn. Sau này, cây cầu Đại Ngãi hoàn thành, lưu thông thì HTX chúng tôi sẽ phát triển hơn, có sức cạnh tranh nhiều hơn, trên các mặt hàng trái cây, đặc biệt là xoài. Chúng tôi đang có kế hoạch mở cơ sở chế biến xoài sấy dẻo và phát triển du lịch sinh thái". -ông Nguyễn Thanh Chiều, |
Cù Lao Dung được bao quanh bởi sông Hậu, với 7 xã đảo. Huyện có địa thế thuận lợi có đường bờ biển dài trên 17 km, trên 16.000 ha bãi bồi, gần 1.800 ha diện tích rừng phòng hộ ven bờ sông Hậu; trên 800 ha bãi nghêu. Ở đây khí hậu mát mẻ, trong lành. Đây là nơi hội tụ của hai vùng sinh thái ngọt phù sa và sinh thái rừng ngập mặn ven biển đã tạo nên những vườn cây ăn trái đặc sản nổi tiếng và vùng rừng ngập nước ven biển.
Hiện nay, huyện có 5.450 ha trồng cây lâu năm. Thời gian qua, huyện rất quan tâm triển khai có hiệu quả các Chương trình, đề án, dự án về phát triển các mô hình cây ăn trái hiệu quả trên cây xoài cát chu, xoài đài loan, cây nhãn, cây dừa,… Bên cạnh đó, cũng phát triển mô hình có giá trị kinh tế cao, theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển du lịch như Mô hình vùng trồng mận hồng ST đạt chuẩn OCOP 3 sao; Mô hình mít ruột đỏ; hình thành một số chuỗi giá trị khép kín tuần hoàn trên cây ổi nữ hoàng, ổi ruby...
Cù Lao Dung là vùng đất “địa linh, nhân kiệt” với nhiều di tích lịch sử - văn hoá gắn liền tên tuổi các Anh hùng dân tộc với các sự kiện lịch sử - văn hóa đã đi vào huyền thoại. Trên địa bàn huyện có 01 di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia Đền thờ Bác Hồ và 03 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh; cùng với các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thuận lợi cho phát triển du lịch về nguồn, du lịch văn hoá - tín ngưỡng, Đồng thời cù lao xanh này còn có nhiều loại hình du lịch đang phát triển, nhất là du lịch sinh thái biển gắn với các hoạt động trải nghiệm, khám phá rừng bần phòng hộ ven biển; phong trào đờn ca tài tử Nam bộ phục vụ cho phát triển du lịch,…
Nhằm tập trung chỉ đạo phát triển các loại hình du lịch của địa phương, lãnh đạo huyện Cù Lao Dung đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Từ sự chỉ đạo tập trung, đến nay trên địa bàn huyện có 09 điểm tham quan du lịch, với các loại hình như: du lịch sinh thái sông nước miệt vườn; du lịch sinh thái biển; du lịch văn hoá - lịch sử; du lịch cộng đồng,..; có điểm truyền nghề truyền thống, tàu vận chuyển khách du lịch, Homestay, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng du lịch; cùng với nhiều điểm du lịch sinh thái vườn đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Công tác quảng bá, giới thiệu điểm đến du lịch được thực hiện thường xuyên. Ông Nguyễn Hồng Tiến, một nhà vườn ở ấp An Trung A, xã An Thạnh 1 phát triển Làng Du lịch Long Ẩn, chia sẻ: "Làng du lịch của chúng tôi có 6 hộ tham gia, gia đình tôi thì phục vụ ăn uống, tham quan vườn cây ăn trái, các hộ kia thì làm về homestay. Hiện chúng tôi đang phấn đấu làm mô hình sạch, trái cây sạch, hữu cơ để tạo động lực thu hút khách du lịch".
Với địa thế thuận lợi, có Quốc lộ 60 đi qua. Đặc biệt, trong thời gian sắp tới, cùng với việc hình thành cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu, Quốc lộ 60 sẽ được nối thông hoàn toàn. Do đó, huyện Cù Lao Dung có tiềm năng rất lớn để thu hút đầu tư phát triển đô thị, dịch vụ, đồng thời năng lực khai thác các lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên để phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái gắn với bảo tồn khu dự trữ thiên nhiên rừng ngập mặn ven biển được nâng cao.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, toàn tỉnh được tổ chức thành 04 vùng, trong đó có vùng Cù Lao Dung định hướng phát triển chủ yếu về du lịch kết hợp đô thị, thương mại, dịch vụ và các mô hình nông nghiệp. Đây là vùng đặc biệt, vùng du lịch trọng điểm của tỉnh với tầm nhìn sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp và nơi đáng sống. Ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, nhấn mạnh: "Đây là mơ ước ngàn đời của người dân Cù Lao Dung rồi, có cây cầu Đại Ngãi là điều kiện thuận lợi để Cù Lao Dung phát triển"
"Có cây cầu, chúng tôi sẽ tập trung phát triển du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, giúp cho điều kiện của người dân ngày càng phát triển. Trong thời gian vừa qua người dân luôn trong tâm thế sẵn sàng, khi cầu được kết nối thì với tốc độ phát triển hiện nay thì Cù Lao Dung trong tương lai sẽ có sự bứt phá đi lên". -ông Trần Văn Nguyên, |
Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng được khởi công xây dựng từ cuối năm 2023.
Qua hơn 01 năm triển khai thi công, đầu năm nay hạng mục công trình chính cầu Đại Ngãi 2 đã cơ bản hoàn thành và hợp long.
Dự kiến đến 30/4 năm nay, cầu Đại Ngãi 2 và phần tuyến để kết nối huyện Long Phú với huyện Cù Lao Dung sẽ hoàn thành mang đến ý nghĩa hết sức to lớn, phá thế cô lập của huyện đảo Cù Lao Dung, đáp ứng mong mỏi của bao nhân dân huyện đảo bao đời nói riêng và của tỉnh Sóc Trăng nói chung.
Ông Lê Trọng Nguyên, Bí thư Huyện uỷ Cù Lao Dung, cho biết thêm, dự án cầu Đại Ngãi đi qua huyện khoảng 5km, để dự án được triển khai nhanh chóng, các cấp, các ngành trong huyện đã phối hợp để sớm hoàn thành giao mặt bằng cho dự án. Bí thư Huyện uỷ Cù Lao Dung nhấn mạnh, với dự án Cầu Đại Ngãi sẽ sớm hoàn thành trong tương lai gần, sẽ là cơ hội để Cù Lao Dung cất cánh.
Từ những điều kiện thuận lợi, tiềm năng như thế, khi cầu Đại Ngãi hoàn thành, dự kiến cầu Đại Ngãi 2 sẽ thông xe kỹ thuật vào dịp 30/4/2025, hoàn thành vào cuối năm 2025. Đây là cơ hội, điều kiện rất lớn là động lực quan trọng để giúp cho Cù Lao Dung vươn mình phát triển trong tương lai.
Hiện nay, huyện Cù Lao Dung đang tập trung huy động các nguồn lực để triển khai hiệu quả các Dự án trọng điểm; Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển và chuyển giao khoa học, công nghệ trên các lĩnh vực; Triển khai Dự án Phát triển du lịch sinh thái biển Cù Lao Dung và Dự án Phát triển khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn kết hợp nghỉ dưỡng tại homestay, farmstay trong rừng bần Cù Lao Dung … hướng tới xây dựng huyện Cù Lao Dung trở thành nơi đáng sống, hấp dẫn du khách và phát triển nông nghiệp công nghệ cao./.
Viết bình luận