(VOV) - Từ lâu, làn sóng phát thanh của Đài TNVN đã rất đỗi quen thuộc đối với bà con Khmer Nam bộ. Chiếc radio nhỏ mang theo cả lúc đi ruộng đi nương đã mang tới cho bà con nhiều thông tin hữu ích.
Gia đình ông Kiên Sang ở xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, mua được 5 công ruộng trồng rau màu. Ông Kiên Sang cho biết đây là vụ cải bông thứ ba trúng mùa, trúng giá. Chỉ tính riêng 2 công cải bông đón tết năm nay, với giá 8 ngàn đồng/kg mua tại ruộng, ông có thể thu lãi từ 22-24 triệu đồng. Có được kết quả này là nhờ nắm bắt thông tin, quy luật thị trường thông qua các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam và đài địa phương.
“Ở đây bà con nghe đài suốt. Trước đây, vùng này không có điện thì chỉ có đài radio mới nghe được. Bây giờ có điện cũng không thể bỏ đài vì đã quen rồi. Nghe để biết giá cả, rau quả mùa nào tăng, mùa nào giảm. Có khi mình biết được giống nào đang có giá, phù hợp vùng đất, mình hay để mình tham khảo. Nói chung thông tin qua đài phát thanh nó nhanh, tiện lợi, có thể vừa làm vừa nghe” - ông Kiên Sang nói.
Nhờ có Đài TNVN, nhiều bà con Khmer nắm bắt được thông tin thị trường. Ảnh: baomoi.com
Còn ở ấp Kim Hòa, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh – nơi có hơn 85% đồng bào Khmer sinh sống, những năm gần đây, bà con sản xuất luôn thu được lãi cao. Từ một ấp thường phải cứu đói trước đây, nay Kim Hòa là ấp điển hình về phong trào phát kinh tế hộ tại vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình phát thanh là người bạn đồng hành với sự thành công của bà con.
Ông Thạch Kươne, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa ấp Kim Hòa, cho biết: “Mỗi gia đình tổ viên đều có radio hết, thậm chí khi đi ruộng còn mang radio theo nữa, bởi vì lúc đó chương trình nông thôn còn đang phát, để nghe chương trình nông nghiệp nông thôn. Radio là ông thầy, nhà khoa học dạy tụi tôi sản xuất lúa, chăn nuôi. Heo - trâu - bò - cá - tép…, chương trình đều hướng dẫn rõ ràng. Tụi tôi cũng yêu cầu chương kéo dài thêm thời lượng”.
Với nhiều bà con Khmer, các chương trình phát thanh hướng dẫn về khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đã giúp bà con làm ăn ngày càng khá.
Ông Dương Som, ở xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: "Mình nghe radio để nắm bắt khoa học - kỹ thuật, sản xuất phát triển. Nhất là hiện nay, biến đổi khí hậu thì mình nghe để biết trồng cây - con gì để thích ứng với thời tiết thay đổi, nhất là hạn, mặn".
Hơn 20 năm gắn bó với những chiếc radio và xem Đài như người bạn, ông Lý Thành Hưng, Hiệu trưởng Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ, tỉnh Sóc Trăng, cho biết sở dĩ ông chọn phát thanh để cập nhật thông tin, đầu tiên phải kể đến sự thuận tiện của chiếc radio. Ông có thể mang theo bất cứ nơi nào để nghe, đặc biệt là giờ nghỉ trưa hoặc buổi tối và sáng sớm:
"Tuy rằng đây là kênh thông tin bằng tiếng nói, nhưng giúp ích rất nhiều trong đời sống, kinh tế, xã hội của bà con như hướng dẫn bà con sản xuất nông nghiệp, giữ gìn an ninh, tuy rằng không có hình ảnh trực quan. Ví dụ như các chòi canh ở ngoài đồng thì bà con đều mang theo chiếc radio, vừa nghe cho đỡ buồn, vừa nắm được các thông tin".
Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL
Viết bình luận